Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Vui chơi mùa hè theo phong cách Nhật Bản

Lifestyle    • May 6, 2018

Bài: Inako, Mayu Senda/ Ảnh: PIXTA

Mùa hè oi bức khiến bạn chỉ muốn trốn trong nhà để tránh ánh mặt trời, bật máy điều hòa và nhâm nhi những món lạnh mà thôi? Nhưng bạn biết không, người Nhật dù nổi tiếng bận rộn lại nghĩ ra vô số hoạt động thú vị để tận hưởng mùa hè ngắn ngủi của họ: Leo núi Phú Sĩ và thưởng lãm phong cảnh khi tuyết tan, khuấy động không khí tại giải bóng chày lớn nhất toàn quốc Koshien, ngắm đom đóm trong những khu vườn lấp loáng sắc màu cổ tích,... Nếu bạn có dịp đến thăm Đất nước Mặt trời mọc vào mùa hè, những hoạt động trên chắc chắn sẽ khiến trái tim bạn rã rời vui sướng.

Đi chơi biển, hồ bơi 

Đi biển luôn là lựa chọn hàng đầu để tạm quên đi mùa hè oi bức. Còn gì vui hơn khi được tung tẩy dưới ánh mặt trời nóng bỏng, ngắm biển xanh, cát trắng và hít hà vị mặn mòi của gió biển? Đặc biệt, Nhật Bản là đảo quốc được bao quanh bởi bốn bề đại dương nên không khó để tìm ra một bờ biển đẹp để dã ngoại. Các hồ bơi gần nhà cũng là một điểm đến thích hợp cho những ai ngại đường xa.

Bãi biển Nishihama

Bãi biển Nishihama thuộc địa phận đảo Hateruma (Okinawa) nổi tiếng.

Bãi biển Suishohama

Bãi biển Suishohama ở tỉnh Fukui đẹp không khác gì các hòn đảo phía Nam. (Ảnh: paseo/PIXTA) 

Nagashima Spa Land

Nagashima Spa Land ở tỉnh Mie nổi tiếng với hồ bơi nước mặn lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh: Nagashima Spa Land) 
/banner

Leo núi Phú Sĩ 

leo núi Phú Sĩ

(Ảnh: takegraph/PIXTA) 

Núi Phú Sĩ phô bày vô vàn diện mạo khác nhau theo từng nấc độ cao không chỉ hấp dẫn người Nhật mà còn cả du khách thế giới. Khi những khối tuyết nhấp nhô trên bề mặt núi tan đi, hàng trăm ngàn người yêu mạo hiểm lại đổ về nơi đây để chinh phục đỉnh núi cao và linh thiêng nhất Nhật Bản. Trên các chặng đường leo núi, du khách sẽ có cơ hội được thưởng lãm vẻ đẹp kì vĩ của rừng thông và bạch dương xanh trải rộng ngút ngàn, thả hồn trên những thảm hoa xinh đẹp nở ven đường để thấy mọi mệt nhọc như được xoa dịu đi. Càng leo lên cao, thiên nhiên hữu tình ấy sẽ được thay thế bằng những bãi đá trơ trọc, hoang vu với lịch sử tồn tại lên đến hàng nghìn năm tuổi. Và sau khi vượt qua 10 trạm cơ bản để đáp đến đỉnh núi, trong phút chốc đứng nhìn ra biển mây mênh mông trải rộng dưới chân, toàn bộ khung cảnh bên dưới độ cao 3.776m như bức tranh thu gọn vào tầm mắt, bạn sẽ hiểu thế nào là niềm cảm động khó thốt nên lời của khoảnh khắc đứng trên “tột đỉnh nhân gian”.

bình minh trên núi Phú Sĩ

Bình minh trên núi  Phú Sĩ (Ảnh: genki/PIXTA)

Lời khuyên: Khi muốn đi ngắm bình minh trên núi, đặc biệt cần mang theo đèn pha (headlamp). Đây là vật dụng không thể thiếu giúp di chuyển đến nơi có thể trông thấy mặt trời trực diện giữa lúc trời còn tối. 

Xem thi đấu bóng chày tại Koshien 

xem thi đấu bóng chày tại Koshien
Cổ động viên ngồi dàn kín khán đài. Màu sắc và bài hát cổ vũ đều được thống nhất từ trước (Ảnh: PIXTA)

Koshien là tên một sân bóng chày lớn thuộc tỉnh Hyogo. Cứ đến tháng 8 hàng năm, ở đây lại diễn ra Đại hội bóng chày cứng toàn quốc dành cho nam sinh trung học. Ở Nhật có khoảng 4.000 trường cấp 3 có Câu lạc bộ bóng chày, nhưng chỉ có 49 trường vượt qua được vòng loại diễn ra ở địa phương để đặt chân đến Đại hội toàn quốc mà thôi. Bởi con đường đến Koshien gian truân như thế nên các tín đồ dã cầu mới tôn xưng Koshien là “Miền đất thần thánh”. Năm nay Koshien sẽ đón chào mùa giải thứ 98 và hứa hẹn trở thành một kỉ niệm khó quên trong mùa hè Nhật Bản đầy nóng bỏng. 

Thật tuyệt vời khi vừa được thưởng thức kem vừa theo dõi các trận đấu trên tivi hoặc radio, nhưng chắc chắn cảm xúc sẽ càng thăng hoa nếu được tận mắt chứng kiến khung cảnh ấy trên sân bóng thật sự. Những màn trình diễn âm nhạc của các ban nhạc trẻ, điệu nhảy sôi động của các đội cổ vũ cũng là thứ làm nên sức hút đặc biệt của trận đấu. 

sân bóng chày Koshien

Làm lễ trước và sau trận đấu (Ảnh: PIXTA)

Ngoài ra, khi đến đây, bạn sẽ có cơ hội bắt gặp một tập tục khá thú vị được “lưu truyền” qua các mùa giải, đó là những tuyển thủ của đội thua cuộc sẽ mang những nắm đất trên sân trở về với mục đích lưu lại bên cạnh kỉ niệm của những ngày thi đấu sục sôi trên mảnh đất Koshien thần thánh. 

Khi vòng chung kết Koshien chuẩn bị khép màn thì Nhật Bản đã bước vào cuối tháng 8. Hình ảnh ăn mừng chiến thắng và nụ cười rạng rỡ của những nhà vô địch khi ấy cũng đồng thời báo hiệu cho một điều tiếc nuối nho nhỏ rằng mùa hạ sắp sửa qua rồi.

Ngắm đom đóm 

ngắm đom đóm
(Ảnh: mugenbito/PIXTA)

Không như nhiều loài côn trùng khác, đom đóm chỉ sống ở những khúc sông sạch và nơi có nhiều cây cối, vì vậy mà ngày nay cơ hội để mọi người thưởng thức vẻ đẹp của đom đóm trở nên hiếm hoi. Tuy nhiên ở Nhật, cứ mỗi độ hè về, nhiều gia đình sẽ dành thời gian chở con về vùng ngoại ô để ngắm đom đóm. Từ ngàn xưa, loài sinh vật lãng mạn thường phát ra thứ ánh sáng đẹp đẽ để tìm kiếm bạn đời vào những đêm hè này đã được đưa vào thơ ca, truyện cổ của Nhật. Khi từng đàn đom đóm bay đến, khung cảnh trước mắt sẽ trở nên huyền ảo giống như có muôn ngàn đốm lân tinh đang lững lờ trôi đến trong đêm. Ở Nhật, có khoảng 40 – 50 loài đom đóm đã được đặt tên, trong đó tiêu biểu có Genji-botaru, Himebotaru và Heike-botaru. Ánh sáng của đom đóm có màu lục, vàng, đỏ hoặc cam tùy chủng loại. Đặc biệt, đom đóm chỉ phát sáng trong điều kiện không trăng, gió lặng và độ ẩm cao, mùa ngắm đom đóm cũng rất ngắn nên người Nhật sẽ kiểm tra thời tiết và thông tin về thời gian sinh trưởng của đom đóm kĩ càng trước khi lên kế hoạch đi xa.

Địa điểm gợi ý: Nông trường Koiwai (Iwate), “Hotarium” ở thảo cầm viên Tobu (Saitama), Trúc đình Ukai (Tokyo),... 

Một số nguyên tắc khi ngắm đom đóm: Đom đóm là loài có nguy cơ tuyệt chủng nên tuyệt đối không được phép bắt chúng. Ngoài ra, đom đóm ghét ánh sáng mạnh nên phải tắt hết đèn pha xe hơi, đèn pin, đèn flash máy ảnh lẫn màn hình điện thoại khi đến đây! 

Trong 1 đêm đom đóm sẽ phát sáng khoảng 3 lần: lần 1 trong khoảng 19:30 – 21 giờ, lần 2 vào khoảng 23 giờ, lần 3 vào khoảng 2 giờ. Do đó khoảng thời gian 20 – 21 giờ khi đom đóm phát sáng lần đầu là thời điểm thích hợp để ngắm nhất. 

Đừng bỏ qua lễ hội mùa hè! 

lễ hội Tanabata

(Ảnh: prof258507/PIXTA)

Lễ hội là một trong những hoạt động tiêu biểu của mùa hè mà người Nhật luôn tự hào với thế giới. Cứ đến thời điểm này, tại các đền thờ, chùa chiền và phố thương mại trên toàn quốc, sẽ có vô số lễ hội được tổ chức thu hút đông đảo người tham dự. Không chỉ là không gian mở để mọi người vui chơi “thả ga”, lễ hội còn là cơ hội tuyệt vời để du khách khám phá văn hóa, lịch sử của các địa phương cũng như sức hấp dẫn thực thụ của đất nước Nhật Bản, thứ mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được khi chỉ tham quan du lịch thông thường. Hãy cùng tìm hiểu xem người Nhật thường làm gì trong các lễ hội nhé!

Ăn hàng vặt ở các Yatai 

Tham dự lễ hội Nhật Bản thì nhất định không được bỏ qua các sạp hàng rong gọi là Yatai. Yakisoba, đá bào, dưa leo ướp đá,... được bày bán ở đây đều là những món ăn vặt mà người Nhật yêu thích.

ăn hàng vặt ở các Yatai

Các gian hàng ẩm thực đường phố Yatai (Ảnh: chibakaeru/PIXTA)

Xem rước kiệu Omikoshi

rước kiệu Omikoshi

Khung cảnh người người chung tay khiêng Omikoshi. 

Vốn dĩ người đảm nhận nhiệm vụ khiêng Omikoshi sẽ là các Ujiko - người sống trong khu vực được ngôi đền che chở hay các tín đồ Thần đạo, nhưng nếu số lượng Ujiko không đủ để khiêng kiệu thì người ngoài cũng có thể tham gia.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy chiếc kiệu lớn hình tứ giác, lục giác hoặc bát giác được những người đàn ông lực lưỡng khiêng diễu hành trong các lễ hội chưa? Chiếc kiệu ấy được gọi là Omikoshi – nơi thần linh ngự tọa. Nóc kiệu thường được gắn thêm bức tượng hình phượng hoàng, loài chim trường sinh bất tử trong truyền thuyết Trung Quốc và được mệnh danh là vua của các loài lông vũ, tượng trưng cho sức mạnh vô song của thần thánh. Trong khi ngồi trên Omikoshi, các thần sẽ được đưa ra khỏi đền, diễu hành quanh khu phố để thanh tẩy mầm mống tai ương và dịch bệnh, cuối cùng được đưa trở về đền. Trong khi đó, những người khiêng kiệu sẽ vừa đi vừa hô to “Wasshoi! Wasshoi!” để khuấy động lễ hội. Tương truyền cụm từ “Wasshoi” có nguồn gốc từ cụm “和を背負う” (Wa wo seou) hay “和と一緒” (Wa to issho), hàm chứa thông điệp mọi người phải cùng nhau chung sống hòa bình.

Hòa mình vào các làn điệu Bon Odori 

Bon Odori
(Ảnh: PIXTA)

Bon Odori

Quang cảnh Bon Odori (Ảnh: sprmrbrs41/Flickr)

Bon Odori là hoạt động nổi bật trong lễ hội mùa hè Nhật Bản. Đến hẹn lại lên, người dân Nhật Bản sẽ cùng hòa theo nhịp trống và các điệu nhạc dân gian gọi là Ondo để nhảy múa quanh Yagura – một giàn tháp gỗ đặc biệt được dựng lên trong lễ hội. Nếu người tham gia mặc Yukata và Happi thì không khí lễ hội sẽ càng thêm vui nhộn. Bon Odori có nguồn gốc từ một vũ điệu thịnh hành vào khoảng giữa thời Heian mà trong đó mọi người sẽ vừa nhảy múa vừa niệm Phật gọi là “Nembutsu Odori”. Lễ hội múa này được tổ chức để tưởng niệm những người đã khuất, tùy từng địa phương và ngôi chùa chủ trì hội mà hình thức cũng khác nhau, trong số đó có những điệu múa còn truyền lại đến tận hôm nay. Khi bước sang thời Kamakura, các vũ điệu mang tính nghi thức và tôn giáo ấy bắt đầu được thêm thắt các yếu tố mang tính giải trí. Đến thời Edo, lễ hội múa này trở nên quen thuộc như một nơi để mọi người giao lưu gặp gỡ nhau. 

Bon Odori

Hội trường rực rỡ ánh đèn lồng (Ảnh: kimisaki/PIXTA)

Hiện nay ở Nhật Bản có ba lễ hội múa Bon nổi tiếng hàng đầu là Nishimonai no Bon Odori ở Ugomachi, Akita; Gujo Odori ở Gifu và Awa Odori ở Tokushima. Vào thời kì diễn ra lễ Obon mùa hè (một dịp lễ tương tự như lễ Vu Lan ở Việt Nam), sẽ có vô số lễ hội múa Bon lớn nhỏ được tổ chức rải rác trên khắp nước Nhật. Đây sẽ là cơ hội vui chơi hiếm có khiến đêm hè thêm phần sôi động.

Xem trình diễn pháo hoa

xem trình diễn pháo hoa

(Ảnh: lastpresent/PIXTA)

Tháng 7 thường là mùa mà các thành phố ở Nhật thi nhau trình diễn pháo hoa. Mỗi màn trình diễn như thế có thể kéo dài từ 30 phút đến 2 tiếng. Không nhằm mục đích chúc mừng lễ lộc như nhiều nơi trên thế giới, các lễ hội pháo hoa truyền thống ở Nhật được tổ chức với ý nghĩa tâm linh sâu xa là trấn áp linh hồn ma quỷ, cầu chúc sức khỏe cho mọi người. Pháo hoa của Nhật luôn được đánh giá là đẹp và công phu nhất thế giới, kĩ thuật chế tác tiến bộ qua từng năm. Từ những đốm sáng nhỏ bay vút lên bầu trời, sau những tiếng đì đùng đầy ấn tượng lại nở bung thành hoa cúc, mẫu đơn, vô số ngôi sao, các loài động vật, nhân vật hoạt hình nổi tiếng và còn thay hình đổi sắc nhiều lần để tô điểm cho bầu trời đêm, cảnh tượng ngoạn mục ấy có thể khiến bạn kinh ngạc đến mức xem mãi mà không biết chán.

Các lễ hội pháo hoa nổi tiếng: Lễ hội pháo hoa tại hồ Suwa (Nagano), lễ hội pháo hoa toàn quốc trên sông Nagara (Gifu), lễ hội pháo hoa trên sông Sumida (Tokyo).

pháo hoa mùa hè

(Ảnh: biwakonokaze/PIXTA)

Những vật dụng không thể thiếu khi đi xem pháo hoa: 

Bạt trải, đồ ăn vặt và túi đựng rác: Bạt lót để ngồi, quà bánh để nhâm nhi trong lúc chờ đến thời điểm khai pháo đương nhiên không thể bỏ qua. Bên cạnh đó, những người Nhật có nếp sống văn minh còn mang theo cả túi nilon để đem rác về nhà.

Quạt: Ngoài công dụng làm đẹp cho phái kẹp nơ, những chiếc quạt còn vô cùng hữu ích trong các lễ hội mùa hè đông người và nóng bức. Không những vậy, chúng còn được tận dụng để che chắn tàn pháo nữa đấy.

Inako, Mayu Senda/ kilala.vn


Đón xem trên KILALA Vol.19:
Sôi động mùa hè Nhật Bản
Mùa mưa Tsuyu - Vị sứ giả mùa hè

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top