Vì sao phải cất búp bê sớm trong lễ hội Hina Matsuri?
Lễ hội Nhật Bản
Bài: Rin
Ảnh bìa: tougyoku
Lễ hội búp bê Hina Matsuri ra đời với ý nghĩa cầu chúc sức khỏe cho các bé gái và mong ước đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành những người phụ nữ có cuộc sống hôn nhân viên mãn. Tuy nhiên, người Nhật cho rằng những con búp bê Hina Ningyo được trưng bày trong ngày ngày nếu không được cất đi sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến các bé. Quan niệm này xuất phát từ điều gì?
Lễ hội búp bê Hina Matsuri là gì?
"Hina Matsuri" (雛祭り) hay còn gọi là “Lễ hội búp bê”, “Lễ hội của bé gái”, diễn ra vào ngày 03/03 hằng năm để cầu chúc sức khỏe và một cuộc sống hôn nhân ấm êm sau này dành cho các bé gái.
Lễ hội này được đặc trưng bởi việc sắp xếp kệ búp bê Hinadan vô cùng công phu. Một kệ bày búp bê đầy đủ nhất có 5 hoặc 7 bậc, với 15 búp bê Hina Ningyo được trưng bày trên một tấm nhung đỏ.
Bậc cao nhất của kệ là hai búp bê Dairi, đại diện cho Thiên hoàng và Hoàng hậu. Các bậc dưới là búp bê Nữ quan, Nhạc công cung đình, Lính cận vệ, cùng các vật dụng trang trí khác.
Lễ hội búp bê Hina Matsuri là một trong năm lễ hội theo mùa “五節句 – Gosekku” được tổ chức hằng năm. Gosekku diễn ra vào ngày lẻ đầu tháng nhằm mục đích xua đuổi tà ma, điều xui xẻo khi chuyển mùa và cầu mong một cuộc sống không bệnh tật. Điều này xuất phát từ quan niệm rằng các ngày lẻ, đặc biệt là ngày lẻ trùng với số tháng lẻ, được xem là ngày xấu.
Năm nghi lễ của Gosekku bao gồm:
- Ngày 7/1: “人日の節句 – Jinjitsu no Sekku – Ngày con người”, được chỉ định là ngày không xử tội các phạm nhân. Vào ngày 7/1, người Nhật có phong tục ăn cháo Thất Thảo (Nanakusa Gayu) với 7 loại thảo mộc nhằm phục hồi hệ tiêu hóa sau dịp Tết, cũng như cầu chúc cho một năm mới khỏe mạnh.
- Ngày 3/3: “上巳の節句 – Joushi/Joumi no Sekku”, diễn ra lễ hội búp bê Hina Matsuri để cầu nguyện cho sức khoẻ của các bé gái. Đây cũng là khoảng thời gian hoa đào momo nở rộ, nên còn được gọi là “Momo no Sekku”. Vào ngày này, các bé gái được thưởng thức các món ăn truyền thống như bánh dày Hishi-mochi, cơm đậu đỏ Sekihan.
- Ngày 5/5: “端午の節句 – Tango no Sekku – Ngày thiếu nhi” nhằm cầu sức khoẻ và hạnh phúc cho trẻ em Nhật. Ngoài ra, nó còn được gọi là lễ “Đoan Ngọ” dành riêng cho bé trai. Vào ngày này, người Nhật có phong tục treo cờ cá chép, các bé được thưởng bánh gạo nếp đậu đỏ Kashiwa Mochi và Chimaki.
- Ngày 7/7: “七夕の節句 – Shichiseki/Tanabata no Sekku – Lễ thất tịch". Vào ngày này, người Nhật thường viết nguyện ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc rồi treo lên cành trúc trước nhà để cầu chúc mình sẽ khéo léo hơn trong việc may vá, viết chữ đẹp, hoặc mong một mùa vụ bội thu.
- Ngày 9/9: “重陽の節句 – Choyo no Sekku – Lễ hội Hoa cúc” được tổ chức vào thời điểm hoa cúc nở rộ, nhằm cầu mong cho sự trường thọ. Ngoài ra, ngày này còn diễn ra Lễ hội hạt dẻ bởi trùng với mùa thu hoạch hạt dẻ tại Nhật. Vào ngày này, người Nhật thường thưởng thức các món ăn làm từ hoa cúc, cơm hạt dẻ và cà tím. Đặc biệt, họ cho các cánh hoa cúc vào rượu sake lạnh bởi quan niệm uống rượu với hoa cúc sẽ giúp kéo dài tuổi thọ.
Vì sao búp bê trưng bày trong Hina Matsuri phải được dọn dẹp sớm?
Kệ bày búp bê Hinadan là không thể thiếu vào ngày lễ dành cho bé gái. Tuy nhiên, chiếc kệ này cần phải được dọn dẹp sớm xuất phát từ 2 giả thuyết sau:
Những tai ương, xui xẻo quay trở lại
Vào thời Heian (794 – 1185), trò chơi Hina Asobi rất phổ biến với trẻ em giới quý tộc Nhật Bản, nó giống như trò “ままごと – Mamagoto” ngày nay (trò chơi đóng giả thành các thành viên trong một gia đình gồm ba mẹ, em bé, thú cưng rồi bắt chước việc nấu ăn tại nhà, giặt giũ quần áo, mua sắm).
Từ “雛 – Hina” trong tiếng Nhật có nghĩa là “những thứ nhỏ nhắn, dễ thương”. Những con búp bê được sử dụng trong trò chơi Hina Asobi được cho là hình nhân thế mạng, chịu những xui xẻo, tai ương thay cho con người.
Do vậy, sau khi trò chơi kết thúc, chúng được thả xuống sông hoặc biển và trôi đi, tượng trưng cho những xui xẻo, bất hạnh cũng theo đó mà cuốn trôi. Đây chính là nguồn gốc của búp bê Hina Ningyo.
Kể từ thời Edo (1603 – 1868), trò chơi Hina Asobi đã trở thành lễ hội búp bê Hina Matsuri để cầu chúc sức khoẻ cho các bé gái, tuy vậy, ý nghĩa búp bê trở thành hình nhân thế mạng gánh sự xui xẻo cho các bé vẫn được giữ nguyên như thời Heian.
Vì thế, người Nhật quan niệm rằng ngay sau khi lễ hội kết thúc, nếu bố mẹ vẫn tiếp tục trưng bày búp bê thì những xui xẻo, tai ương được gánh thay cho các bé gái sẽ quay trở lại.
Không thể trở thành người vợ tốt
Việc trưng bày và dọn dẹp kệ bày búp bê Hina Ningyo trong lễ Hina Matsuri không phải là việc dễ dàng.
Một kệ búp bê Hinadan đầy đủ có từ 5 hoặc 7 bậc, do vậy, số lượng búp bê và các đồ dùng trang trí kèm theo là rất lớn. Khi dọn dẹp kệ Hinadan, phải cẩn thận lau sạch từng búp bê cũng như các vật dụng, sau đó gói chúng trong giấy và tỉ mẩn cho vào hộp. Đây là công việc đòi hỏi thời gian, công sức và độ kiên nhẫn cao.
Người Nhật cho rằng việc tiếp tục trưng bày kệ búp bê Hinadan sau khi lễ Hina Matsuri kết thúc tạo cảm giác không biết cách dọn dẹp, cẩu thả. Do vậy, việc dọn kệ búp bê Hinadan tốt hơn hết là nên thực hiện sớm.
Từ nhỏ, các bé gái Nhật Bản đã được chỉ bảo làm các công việc dọn dẹp nhà cửa như dọn kệ búp bê Hinadan nói trên với lời dạy: “Nếu con không thể làm những công việc nhọc nhằn này, con sẽ không thể trở thành người vợ tốt”.
Vì sao độ tuổi kết hôn bị kéo dài nếu cất búp bê trễ?
Đặc biệt, người Nhật còn quan niệm rằng khi lễ hội Hina Matsuri kết thúc mà không cất búp bê đi ngay thì con gái của gia chủ sẽ muộn chồng. Nếu cất trễ một ngày thì sẽ lấy chồng muộn một năm.
Lời truyền miệng này đã trở thành cảm hứng cho đạo diễn Mamoru Hosoda làm nên phim anime "Mirai" (Mirai: Em gái đến từ tương lai, 2018), trong đó có tình tiết ông bố mải mê làm việc mà quên cất búp bê Hina Ningyo trong ngày lễ Hina Matsuri của con gái Mirai.
Hina Ningyo tượng trưng cho hôn lễ của 2 búp bê Dairi, đại diện cho Thiên hoàng và Hoàng hậu. Do vậy, xuất hiện mối gắn kết giữa hôn nhân của bé gái, nhân vật chính của lễ Hina Matsuri, với các búp bê trưng bày trong ngày lễ.
Vào thời xưa, kết hôn là lẽ đương nhiên và người phụ nữ trở nên hạnh phúc sau khi kết hôn. Với lối nghĩ này, việc trang trí búp bê Hina Ningyo và dọn dẹp sớm giúp bé gái sau này sẽ được kết hôn sớm. Cha mẹ ngày xưa muốn con gái kết hôn sớm và hôn nhân hạnh phúc thường tiến hành trang trí và dọn dẹp sớm kệ búp bê trong lễ Hina Matsuri.
Tuy vậy, đây vẫn chỉ là lời truyền miệng trong dân gian chứ không có căn cứ cụ thể. Có lẽ ý nghĩa của việc này là nhằm hối thúc các bố mẹ nên sớm dọn dẹp kệ búp bê.
Thời điểm tốt nhất để cất búp bê trong lễ hội Hina Matsuri
Chọn thời gian để dọn dẹp búp bê Hina Ningyo cũng là một điều rất quan trọng được các bố mẹ Nhật Bản quan tâm. Thời gian tốt nhất để cất búp bê là vào ngày “啓蟄の日 – Keichitsu no Hi”.
Ngày này được gọi là “Tiết Kinh Trập”, tiết thứ 3 trong 24 tiết khí. Vào ngày này, thời tiết thường ấm áp và các loài sâu bọ thức giấc sau thời gian dài ngủ đông, báo hiệu mùa xuân về. Ngày Keichitsu thường rơi vào ngày 5 - 6/3 hằng năm. Trong năm 2022 này, ngày Keichitsu no Hi rơi vào ngày 05/03.
Tuy nhiên, không có quy định ngày cụ thể buộc phải dọn dẹp búp bê. Nhưng một điều quan trọng nên lưu ý khi cất búp bê Hina Ningyo là phải quan sát thời tiết. Lời khuyên là nên dọn dẹp vào ban ngày khi thời tiết đẹp và khô ráo nhằm ngăn nấm mốc và côn trùng phát triển trên các búp bê.
Thông thường, các bố mẹ Nhật dọn dẹp búp bê đến khoảng giữa tháng 3. Đặc biệt, tuỳ vào khu vực, ở vùng Kansai, việc dọn dẹp búp bê kéo dài đến ngày 03/04.
Như vậy, việc dọn dẹp búp bê sớm trong lễ Hina Matsuri được cho là giúp các bé tránh điều xui xẻo và có thể kết hôn sớm trong tương lai theo quan niệm dân gian. Tuy nhiên, thời đại ngày càng đổi thay, điều quan trọng có lẽ là việc cha mẹ và con gái có thể cùng nhau trang trí và dọn dẹp búp bê trong ngày lễ quan trọng này để những bài học về tính tỉ mỉ được truyền dạy, tập tục truyền thống tiếp tục được lưu giữ.
kilala.vn