Lễ hội Oji Kitsune no Gyoretsu: Cuộc diễu hành của loài cáo vào đêm giao thừa
Lễ hội Nhật Bản
Bài: Rin
Nguồn: voyapon.com
Cứ vào ngày 31/12 hằng năm, lễ hội Oji Kitsune no Gyoretsu với đám rước của loài cáo lại được tổ chức tại thị trấn cổ xanh mát nằm ở phía Bắc của Tokyo với nhiều lễ nghi nhuốm màu thần thoại để cầu chúc một năm mới an lành.
Lễ hội Oji Kitsune no Gyoretsu diễn ra vào đêm ngày 31/12, bao gồm đoàn người diễu hành trong trang phục truyền thống Kimono và lớp trang điểm giống loài cáo, mang theo những chiếc mặt nạ cáo khổng lồ. Oji Kitsune no Gyoretsu được cho là gắn liền với truyền thuyết về cáo (Kitsune), loài vật linh thiêng trong văn hóa dân gian Nhật Bản.
Nguồn gốc của lễ hội Oji Kitsune no Gyoretsu
Lễ hội Oji Kitsune no Gyoretsu (王子狐の行列) được tổ chức tại thị trấn Oji, Tokyo. Tại đây có một ngôi đền Thần đạo tên là Shozoku Inari, nơi từng có cây thiêng Enoki của loài cáo.
Trong Thần đạo – tôn giáo bản địa của Nhật Bản, thần Inari (稲荷) mang hình dáng của loài cáo là một trong những vị thần quan trọng nhất. Ban đầu, Inari được xem là thần bảo hộ cho gia tộc Hata có quyền lực ở Kyoto, cai quản mùa màng, nhưng dần theo thời gian, vị thần này còn bảo trợ cho nhà cửa, nghệ thuật và ngành công – thương nghiệp của Nhật Bản.
Thần Inari rất được người Nhật tôn sùng và là vị thần sở hữu số đền thờ nhiều nhất Nhật Bản, chiếm 1/3 số đền thờ, tức khoảng 32.000 đền. Các đền Inari còn được gọi với cái tên thân thương là “Oinari-san – お稲荷さん”. Do vậy, loài cáo gắn liền với thần Inari được người Nhật đặc biệt tôn trọng.
Còn Enoki là cây thiêng được trồng ở nhiều đền thờ tại Nhật Bản từ xa xưa. Đến thời Edo, chúng còn được trồng dọc theo những con đường trọng yếu của nước Nhật để đánh dấu khoảng cách cho người đi đường. Với loài cáo, cây Enoki là nơi chúng tụ tập rồi biến hình thành con người và khoác lên những bộ Kimono sặc sỡ nhất. Khi tiếng chuông báo hiệu thời khắc giao thừa đến, đoàn cáo giả dạng người, cầm theo đèn lồng và di chuyển từ cây Enoki đến đền Thần đạo Oji Inari.
Truyền thuyền trên đã mang đến cảm hứng cho họa sĩ Hiroshige Utagawa, một trong những bậc thầy vĩ đại của dòng tranh khắc gỗ Ukiyo-e, vẽ nên bức tranh về cảnh loài cáo tụ họp dưới cây Enoki vào năm 1856. Đây cũng là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của bậc danh họa.
Truyền thuyết và bức họa trên tiếp tục truyền cảm hứng để vào năm 1993, người dân thị trấn Oji bắt đầu tổ chức lễ hội Oji Kitsune no Gyoretsu, tái hiện lại khung cảnh đám rước bí ẩn của loài cáo.
Ngày nay, cây thiêng Enoki đã không còn nữa mà thay vào đó là ngôi đền nhỏ mang tên Shozoku Inari (装束稲荷). Đây cũng chính là nơi người dân Oji hóa trang thành cáo và bắt đầu diễu hành đến đền Oji Inari giống như trong truyền thuyết.
Xem thêm: Vì sao người Nhật đặc biệt tôn trọng loài cáo?
Các nghi lễ nhuốm màu thần thoại
Cuộc diễu hành thường bắt đầu lúc 10:30 tối ngày 31/12 và kết thúc lúc 01:30 ngày 1/1. Ngoài việc tham gia vào đoàn rước, du khách có thể thử các món ăn đến từ nhiều gian hàng khác nhau tại lễ hội.
Giữa tiết trời mùa đông lạnh giá, trong khi chờ đón đoàn diễu hành của lễ hội đi qua đại lộ Kita Hon Dori, rượu sake nóng hay Amazake - loại sake ngọt không cồn, hẳn sẽ giúp cho trải nghiệm tham dự lễ hội của bạn thêm phần ấm áp, khó quên.
Đúng vào thời khắc giao thừa cũng là lúc đoàn diễu hành trong trang phục Kimono và lớp hóa trang cáo khởi hành từ đền Shozoku Inari đến đền Oji Inari, trong âm thanh hòa quyện giữa tiếng sáo và tiếng trống. Ngoài loài cáo, nhiều sinh vật khác nhau cũng xuất hiện trong lễ diễu hành như sư tử với ý nghĩa xua đuổi tà ma trong lễ mừng năm mới.
Đoàn diễu hành đi đến điểm cuối là đền Oji Inari vào khoảng 00:45 đến 01:00. Họ bắt đầu leo lên cầu thang của ngôi đền để tiếp tục thực hiện nghi lễ cuối cùng của lễ hội. Đó là buổi biểu diễn điệu múa Kagura (神楽), một nghi lễ trong Thần đạo để tôn vinh các vị thần và chào đón năm mới, được diễn ra tại khu vực ngay cạnh sảnh của ngôi đền.
Điều đặc biệt là ngay khi điệu múa kết thúc cũng là vào sáng sớm ngày 1 của năm mới. Do vậy, với những du khách tham gia lễ hội Oji Kitsune no Gyoretsu, họ đã hoàn thành được chuyến viếng thăm đền Thần đạo đầu tiên trong năm được gọi là Hatsumoude (初詣), một trong những phong tục đón năm mới quan trọng của người Nhật.
Xem thêm: Mưa bóng mây và truyền thuyết về đám cưới bí ẩn của loài cáo
Tham gia đoàn diễu hành của Oji Kitsune no Gyoretsu như thế nào?
Đoàn diễu hành của lễ hội luôn có 108 thành viên với một số yêu cầu bắt buộc như phải mặc Kimono và trang điểm theo phong cách của loài cáo. Du khách có thể tự trang điểm tại nhà nếu biết cách hoặc đến trước khi lễ hội diễn ra để được trang điểm với phí 500 yên (khoảng 99.000 VND).
Ngoài ra, vì số lượng thành viên giới hạn, nên bất kỳ ai muốn trở thành một phần của đoàn diễu hành cần đăng ký càng sớm càng tốt tại website chính thức kitsune.tokyo-oji. Chi phí đăng ký là 1.000 yên/người (khoảng 198.000 VND).
Các khu vực chính diễn ra lễ hội chỉ cách ga Oji vài phút đi bộ nên du khách có thể đến đây bằng tàu điện tuyến JR Keihin-Tohoku hoặc tuyến Tokyo Metro Namboku. Ngoài ra, bạn còn có thể đến ga Oji-ekimae bằng tuyến xe điện Toden-Arakawa.
Khép lại một năm cũ, chào đón một năm mới cùng lễ hội của loài cáo Kitsune no Gyoretsu có lẽ là trải nghiệm khó quên với bất kỳ du khách nào có dịp ghé đến thị trấn Oji cổ kính, tọa lạc giữa đô thị sầm uất Tokyo. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lễ hội năm nay đã buộc phải hủy bỏ. Hy vọng năm 2022 sắp tới sẽ là một năm mới bình yên, tốt đẹp hơn, và chúng ta lại có cơ hội được tham gia vào đám rước cáo vào đêm Giao thừa sau.
kilala.vn