Chương trình tự nguyện nghỉ hưu sớm - nỗi lo mới của lao động Nhật
Kinh doanh Nhật Bản
Bài: Rin
Nguồn: mainichi.jp, japantoday
Ảnh bìa: ctvnews.ca
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải điều chỉnh lại chiến lược nhân sự bằng cách cắt giảm tiền lương thông qua chương trình tự nguyện nghỉ hưu sớm.
T heo "Luật hưu trí mới được sửa đổi" có hiệu lực từ ngày 01/04/2021, tuổi nghỉ hưu chính thức của Nhật Bản được nâng từ 65 lên 70 tuổi. Tuy nhiên gần đây, chính sách tình nguyện nghỉ hưu sớm đã và đang được nhiều công ty Nhật Bản đưa ra đối với người lao động. Đây được hiểu là việc người sử dụng lao động cung cấp các gói tài chính cho nhân viên để khuyến khích họ ra đi. Là quốc gia có dân số già và người lao động có xu hướng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, điều này đã trở thành nỗi lo của nhiều người Nhật.
Theo công ty nghiên cứu tín dụng cá nhân Tokyo Shoko Research, trong năm 2021 đã có ít nhất 80 công ty niêm yết của Nhật Bản đưa ra chính sách tự nguyện nghỉ hưu sớm để cắt giảm chi phí tiền lương phải trả cho nhân viên. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất hiện hiện tượng này, sau khi 93 công ty niêm yết đề ra chính sách tương tự vào năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng nổ ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh doanh.
Vào năm 2020, 18.635 người Nhật chọn nghỉ hưu sớm trên khắp nước Nhật. Đến năm 2021, con số này là 15.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ giai đoạn năm 2002 - 2003, hơn 15.000 người lao động Nhật Bản quyết định nghỉ hưu sớm trong hai năm liên tiếp. Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn cao hơn rất nhiều vì nghiên cứu của Tokyo Shoko Research không bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức chưa niêm yết khác.
Tuy nhiên, đại dịch không phải là tác nhân duy nhất. Xu hướng toàn cầu cũng tạo ra một sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của các công ty lớn.
Đơn cử như ngành công nghiệp ô tô, hóa dầu là hai trong số các lĩnh vực kinh doanh đang cân nhắc lại chiến lược kinh doanh theo xu hướng giảm lượng khí thải carbon để ngăn chặn hậu quả do sự nóng lên toàn cầu. Trong đó, Honda Motor Co. mặc dù đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 40% trong năm tài chính 2021, họ vẫn tiếp tục áp dụng chương trình nghỉ hưu sớm từ mùa xuân 2022 cho nhân viên từ 55 tuổi trở nên.
Điều này đã khiến cho hơn 2.000 nhân viên Honda phải nghỉ hưu sớm. Đây là quyết định được đưa ra sau khi công ty chọn không sản xuất các loại xe chạy bằng khí đốt và chỉ bán các loại xe chạy bằng pin hoặc điện vào năm 2040. Theo đó, Honda nằm trong số 5 công ty lớn dư thừa ít nhất 1.000 lao động vào năm 2021.
Là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực thuốc lá, Japan Tobacco Inc. dù dự báo doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trong năm tài chính 2022 nhưng vẫn áp dụng chính sách tình nguyện nghỉ hưu sớm. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá tại Nhật đang giảm dần và doanh số bán hàng cũng ít có triển vọng phục hồi nên Japan Tabacco đã đưa mục tiêu 3.000 người lao động nghỉ hưu sớm như một phần nỗ lực tái cơ cấu. Ngoài ra, công ty cũng thông báo đóng cửa hai nhà máy ở Kyushu dẫn đến tình trạng mất 400 việc làm.
Nếu vào năm 2020, lĩnh vực may mặc và sợi đứng đầu về việc áp dụng chính sách nghỉ hưu sớm thì đến năm 2021, 9 nhà sản xuất thiết bị điện và 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm du lịch, đã đưa chính sách này vào chiến lược hoạt động.
Khoảng 60% các công ty áp dụng chính sách này đã ghi nhận khoản lỗ ròng trong kết quả tài chính năm 2020. Theo Akiyoshi Niki của Tokyo Shoko Research, đã có hai xu hướng đối lập nhau diễn ra với các công ty đưa ra chính sách nghỉ hưu sớm. Một bên áp dụng việc nghỉ hưu sớm để ngăn chặn việc lỗ vốn, bên còn lại là do định hướng trong tương lai.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, đại dịch COVID-19 đã
giáng một đòn chí mạng vào vấn đề việc làm nói chung. Đã có khoảng
123.000 người mất việc làm trong thời gian đại dịch diễn ra từ tháng
2/2020 đến tháng 12/2021.
Ban đầu, chiếm phần lớn số liệu thống kê là lao động thời vụ, nhưng những con số gần đây cho
thấy hơn nửa số người mất việc là nhân viên văn phòng chính thức. Do ảnh
hưởng kinh tế kéo dài từ đại dịch COVID-19, nhiều công ty buộc phải bắt
đầu cho nhân viên chính thức nghỉ việc, một trong số đó là thông qua
chương trình nghỉ hưu sớm.
Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và nhiều công ty trong lĩnh vực này đã bắt tay vào các biện pháp cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Điển hình như tập đoàn du lịch KNT-CT Holdings Co., điều hành Kinki Nippon Tourist Co., đã thực hiện chương trình nghỉ hưu sớm từ tháng 1 đến tháng 2/2021. Ngoài ra, tập đoàn cũng lên kế hoạch cắt giảm 7.000 lao động hoặc hơn, giảm số nhân viên xuống còn 2/3 đến cuối tháng 3/2025 qua nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như hạn chế tuyển dụng nhân sự mới.
kilala.vn