Geisha Manryu: Biểu tượng của bưu thiếp Nhật, từng bị cấm đến trường vì quá xinh đẹp
Nhân vật Nhật Bản
Bài: Natsume
Nguồn: intojapanwaraku
Vào cuối thời Minh Trị, Geisha Manryu đã được ca tụng là "Người phụ nữ đẹp nhất Nhật Bản", và những tấm bưu thiếp sử dụng ảnh của bà được yêu thích như những thần tượng hiện nay.
Từng bị cấm đi học vì xinh đẹp?
Manryu tên thật là Shizu Tamukai, sinh vào năm 1894 tại Tokyo. Cha của bà lâm bệnh nặng và qua đời năm bà lên 7 tuổi, sau đó mẹ cũng tái hôn và xây dựng gia đình mới. Cô bé Shizu được Some Hiruma – chủ của ngôi nhà Geisha (Okiya) ở Akasaka, Tokyo nhận nuôi. Từ ấy bà đổi tên thành Shizuko Hiruma và về sau lấy nghệ danh là Manryu.Lúc đầu, Manryu theo học tại một trường tiểu học ở Akasaka, nhưng có nhiều giai thoại kể rằng, bà đã bị cấm đến trường vì xinh đẹp và luôn mặc quần áo lộng lẫy, gây ảnh hưởng không tốt đến những đứa trẻ khác.
Manryu trở thành biểu tượng sắc đẹp của Nhật Bản
Sở hữu bưu thiếp được yêu thích
Năm 1900, Bộ Truyền thông Nhật Bản bắt đầu cho phép tư nhân được tự do sản xuất các mẫu bưu thiếp. Điều đó đã thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp bưu thiếp, đặc biệt là trong chiến tranh Nga – Nhật, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm này mở rộng quy mô trên toàn quốc.Trong số các loại bưu thiếp thì “Bijin Ehagaki - 美人絵葉書” là phổ biến hơn cả. Trong tiếng Nhật “Bijin - 美人” có nghĩa là người đẹp, "Ehagaki - 絵葉書" là bưu thiếp có ảnh.
Chính vì thế, ý nghĩa ban đầu của tấm bưu thiếp Bijin là để an ủi những người lính viễn chinh trong chiến tranh, nhưng sau đó nó vẫn phổ biến và được yêu thích như những “Bromide - ブロマイド”* của các thần tượng hiện nay.
*Bromide hay Buromaido là thể loại chụp ảnh thương mại chân dung những người nổi tiếng như: Geisha, ca sĩ, diễn viên, ngôi sao thể thao... Tên gọi Bromide liên quan đến loại giấy Bromide dùng để in ảnh. Ngày nay từ này để chỉ chung những sản phẩm có hình ảnh của người nổi tiếng (poster, card...) và khá thịnh hành trong ngành giải trí Hàn Quốc.
Về sau, hiện tượng Geisha ở Hanamichi (thị trấn hoa), dùng để chỉ một quận nơi các Geisha sinh sống, trở nên phổ biến trên toàn quốc. Vào thời điểm đó, các Geisha không chỉ xinh đẹp mà còn là những chuyên gia vừa có kiến thức vừa có văn hóa, định hướng phong cách thời trang cho phụ nữ Nhật. Chính vì thế, những bưu thiếp có hình Geisha luôn được săn lùng.
Trong số đó, phổ biến nhất là bưu thiếp in hình Manryu, những bức ảnh được chụp khi bà 14 tuổi, trong đó tỏa ra nét đẹp thu hút ở giữa ranh giới của một thiếu nữ và người phụ nữ trưởng thành.
Chính vì thế, bà trở thành biểu tượng của bưu thiếp Bijin thời bấy giờ. Sức hút của cô gái 14 tuổi lớn đến nỗi ngay cả những người không quan tâm đến Geisha đều biết đến Manryu nhờ những tấm bưu thiếp.
Được bình chọn là người đẹp nhất Nhật Bản
Vào tháng 11/1908, tạp chí Bungei Kurabu đã tiến hành cuộc bình chọn của độc giả đối với những Geisha mà họ yêu thích. Và với 90.000 phiếu bầu, Manryu đã trở thành Geisha được yêu thích nhất thời điểm đó.Sự nổi tiếng của Manryu cao đến nỗi, “Manryu Monogatari” – Những câu chuyện về Manryu được đăng nhiều kỳ trên báo; hình ảnh bà xuất hiện trên áp phích của cửa hàng bách hóa nổi tiếng Mitsukoshi, xà phòng KAO...; tên của bà được sử dụng trong một bài hát nổi tiếng.
Vẻ đẹp của Manryu cũng được Hasegawa Shigure – nhà viết kịch, nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng, ca ngợi như một bông hoa mẫu đơn: “Dáng hình nàng năm 14-15 tuổi tựa như nụ hoa mẫu đơn hiện lên trước mắt tôi". ”Đôi mắt hai mí của nàng ẩn chứa vẻ dịu dàng, nhẹ nhàng như sao Hôm, được bao phủ bởi lớp sương mù mỏng”...
Người phụ nữ đi qua “hai lần đò”
Vào mùa hè năm 1910, một trận lũ lụt đã xảy đến ở khu nhà trọ Fukuzumiro, Hakone, nơi Manryu sinh sống và khiến bà suýt chết đuối. May mắn bà được Yoichiro Tsunekawa - sinh viên tốt nghiệp Đại học Teikoku, cứu thoát.Trải qua vô vàn sóng gió, cuối cùng hai người cũng đã có thể tiến tới hôn nhân vào năm 1913. Mối tình lãng mạn của chàng sinh viên đại học và nàng Geisha đã được đăng trên báo “Tokyo Asahi Shimbun” vào ngày 27/03/1913. Tháng 07/1914, Tsunekawa tốt nghiệp Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Luật - Đại học Hoàng gia Tokyo.
Cùng năm, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết tự truyện "Đường xưa” và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Những tưởng cuộc sống của Manryu sẽ luôn được hạnh phúc bên người chồng tài giỏi thì chỉ 3 năm sau khi kết hôn, ngày 29/08/1916, Tsunekawa qua đời do cơn bạo bệnh và Manryu trở thành góa phụ khi còn rất trẻ.
Một năm sau đó, Manryu tái hôn cùng KTS Shinichiro Okada, người thiết kế Tòa thị chính Trung tâm Thành phố Osaka, Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô Tokyo, Nhà hát Kabukiza và tòa nhà Meiji Seimei Kan.
Sau khi tái hôn với Okada, Manryu đã tận tâm chăm sóc chồng và hỗ trợ công việc của văn phòng thiết kế. Ngày 04/04/1932, Shinichiro Okada qua đời, Manryu lại trở thành góa phụ.
Về sau, Manryu trở thành một bậc thầy về “Enshu-ryu - 遠州流”, trường phái trà đạo và nghệ thuật cắm hoa Ikebana, và được nhiều đệ tử yêu mến, kính trọng. Tháng 12/1973, bà Manryu qua đời (hưởng thọ 79 tuổi), kết thúc cuộc đời rực rỡ nhưng cũng lắm thăng trầm của nàng Geisha từng là biểu tượng cho ngành bưu thiếp Nhật Bản.
Xem thêm: Mineko Iwasaki: Nguyên mẫu phim "Hồi ức của một Geisha"
kilala.vn