Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Phố đèn đỏ Yoshiwara: Ngày ấy và bây giờ

Văn hóa Nhật Bản    • Dec 28, 2021

Bài: Ái Thương

Nếu là fan của bộ truyện Gintama, bạn hẳn đã từng nghe qua khu phố đèn đỏ Yoshiwara. Là một địa điểm có thật trong lịch sử, từng là khu ăn chơi hưởng lạc sầm uất thời Edo, nay Yoshiwara chỉ còn lại chút tàn tích về một chốn phồn hoa, náo nhiệt đất kinh thành xưa.

Đến với thành phố Tokyo xinh đẹp, chúng ta thường ghé thăm các địa điểm nổi tiếng như Shibuya, Shinjuku hay Ginza... Và một địa điểm mà bất kỳ du khách nào cũng nhất định phải ghé thăm là Asakusa. Nơi đây tỏa ra bầu không khí hoài cổ từ những công trình xưa cũ gắn liền với bề dày lịch sử phong phú của khu vực. Và ẩn mình ở phía Bắc ngôi chùa Sensoji của Asakusa là một nơi chốn được mệnh danh là "phố đèn đỏ" nổi danh của thành Edo xưa - khu phố Yoshiwara.

phố đèn đỏ thời Edo

Ảnh: News Dog Media

Yoshiwara xưa - “thế giới nổi” với những “chiếc lồng”

Yoshiwara (吉原) là một khu phố đèn đỏ (遊廓 - yukaku) được phép mở cửa hoạt động từ năm 1617 với mục đích kiểm soát tình trạng mại dâm ở những khu vực nhất định của thành Edo, nay là Tokyo. Sau một trận hỏa hoạn thảm khốc thiêu rụi khu vực này vào năm 1656, khu kỹ viện đã chuyển đến vùng đầm lầy, phía bắc Sensoji, gần Asakusa và được đổi tên thành Shin Yoshiwara (tức là Yoshiwara mới). Sau này, trải qua nhiều năm tháng, từ "Shin" bị bỏ đi, chỉ còn lại chữ Yoshiwara và cái tên này tồn tại cho đến nay.yoshiwara

Quận Yoshiwara dài khoảng 266 mét và rộng 355 mét, được bao quanh bởi một con hào, và thường chỉ có thể vào được bằng một cổng lớn trung tâm. Con phố chính Nakanocho rợp bóng cây anh đào, có các quán trà làm trung gian cho các nhà thổ. Ảnh: Nippon

Bao quanh khu phố đèn đỏ là con hào với lối vào có bảo vệ nghiêm ngặt. Đối với những vị khách, nơi đây giống như một hòn đảo, vì vậy dân gian còn gọi Yoshiwara là "thế giới nổi". Địa điểm này hoạt động theo quy định nghiêm ngặt, các kỹ nữ không được phép ra khỏi khu vực khi chưa được phép và những ai muốn vào trong cũng phải có giấy phép thông hành. 

Theo luật, khách hàng đến nhà thổ chỉ được phép ở lại một đêm nhưng điều này hiếm khi được thực thi và nhiều khách đã ở lại Yoshiwara nhiều ngày để chìm đắm trong hoan lạc. Khách làng chơi thường xuất thân ở tầng lớp khác nhau, từ giới quý tộc đến thường dân đều có đủ, ai cũng được chào đón.

yoshiwara

 Ảnh: News Dog Media

Vào thế kỷ 18, Yoshiwara là nơi sinh sống của khoảng 3.000 phụ nữ đến từ khắp mọi nơi ở nước Nhật. Phần lớn kỹ nữ tại đây đều bị bán từ các gia đình nghèo khó tại vùng nông thôn, có những bé gái sáu hay bảy tuổi đã sớm phải rơi vào chốn lầu xanh, bị bán làm nô lệ. Hợp đồng ràng buộc giữa họ với nhà thổ chỉ kéo dài từ 5 - 10 năm nhưng với khoản nợ khổng lồ tích dần qua năm tháng, những cô gái bán hoa đành phải chôn chặt cả cuộc đời ở Yoshiwara. 

oiran

Kỹ nữ hạng sang và người hầu gái. Ảnh: Nippon

Số phụ nữ cứ tăng lên hàng năm và đến năm 1893, ước tính nơi đây đã có khoảng hơn 9.000 người, họ là nhân viên phục vụ tại hơn trăm quán lầu xanh. Ở mỗi nhà chứa, kỹ nữ được chia làm ba cấp bậc, hạng nhất gọi là O-mise, hạng hai là Naka-mise hạng ba là Ko-mise.

Kỹ nữ cao cấp được biết đến là Oiran, họ không chỉ xinh đẹp mà còn am hiểu về cầm kì thi họa, được học đọc, học viết, nghiên cứu âm nhạc, nghệ thuật và lịch sử. Ngoài ra các nàng còn được phép kinh doanh, trở nên giàu có để mua lấy tự do của chính mình.

yoshiwara

Ảnh: itsyourjapan

Kỹ nữ hạng sang luôn có người hầu là hai bé gái bên cạnh để phục vụ và đón khách trong những căn phòng được trang hoàng lộng lẫy. Ngược lại, kỹ nữ thấp kém sẽ chịu kiếp “hẩm hiu”, họ bị đưa vào lồng trưng bày "Harimise" tựa một món hàng bán ngoài chợ để khách lựa chọn.

Cách để những cô gái lầu xanh hạng thấp này thoát khỏi Yoshiwara là may mắn lọt vào mắt xanh của vị khách giàu có, bỏ tiền chuộc họ ra khỏi kỹ viện, nhưng chuyện này rất hiếm khi xảy ra. Về sau, việc trưng bày các kỹ nữ trong lồng bị cấm từ năm 1916 do sức ép từ cộng đồng quốc tế. 

phố đèn đỏ Yoshiwara

Những kỹ nữ trong chiếc lồng Harimise. Ảnh: Kusakabe Kimbei

Hầu hết số phận của gái lầu xanh rất bạc bẽo, họ dùng thân xác mua vui cho đời, bị bóc lột chà đạp và sau đó là chết đi trong cô đơn, lạnh lẽo. Họ qua đời mà không có lễ chôn cất đàng hoàng, thi thể bị ném đi hoặc chôn bí mật tại chùa Jokan-ji, nơi yên nghỉ của hàng nghìn gái mại dâm ở Yoshiwara, địa điểm này còn gọi được là Nage-komi dera (nghĩa là "ngôi chùa ném đi").

đền nagekomi

Chùa Nage-komi, nơi yên nghỉ của những cô gái mại dâm Yoshiwara. Ảnh: ladentdeloeil

Yoshiwara là một vùng đất trải qua nhiều biến cố, năm 1913 khu vực này bị hư hại bởi một trận hỏa hoạn lớn và mười năm sau khi phục hồi, nó lại gần như bị hủy diệt vì thảm họa động đất Kanto. Mỗi lần tái xây dựng, Yoshiwara lại mang diện mạo mới nhưng hoạt động mua bán dâm vẫn tiếp tục tấp nập cho đến năm 1958 thì chính thức bị xóa sổ. Chính phủ Nhật lúc ấy ban hành chính sách đặt mại dâm ngoài vòng pháp luật và những nhà thổ đã dừng hoạt động, “thế giới nổi” dần "chìm" xuống rồi biến mất.

[subscribe]

/banner

Yoshiwara nay - khu phố hiện đại với tàn tích xưa

Ngày nay, Yoshiwara tương ứng với khu Tokyo Senzoku 4 Chome của quận Taito. Khi đến đây, du khách không còn trông thấy những chiếc lồng chứa các cô gái lầu xanh vẫy gọi khách hay chốn kỹ viện đèn hoa náo nhiệt nữa. Yoshiwara ngày nay mang kiến trúc giống như bao khu phố hiện đại khác và hoạt động mua dâm dù vẫn diễn ra nhưng không rầm rộ công khai mà “âm thầm kín đáo” hơn. 
khu phố yoshida
Yoshiwara ngày nay trông hệt như những khu phố khác ở Nhật Bản.

Tại đây phát triển hình thức kinh doanh "nhà thổ xà phòng" (Soapland - ソープランド), một dịch vụ nhà tắm kết hợp mại dâm. Các phòng tắm tư nhân vẫn hoạt động trên cơ sở hợp pháp nhưng bên trong đó diễn ra tình trạng mại dâm trái phép. Khách hàng đến tắm rửa, massage và giữa họ sẽ có thỏa thuận, quyết định xảy ra sự việc gì ở tại phòng riêng. Qua đây chủ nhà tắm sẽ thêm các dịch vụ mại dâm vào để thu lợi nhuận.

Còn địa điểm nổi tiếng lưu lại những dấu tích xưa cũ về kỹ viện bậc nhất thời Edo là Yoshiwara Benzaiten, ngôi đền thờ Benzaiten - nữ thần tri thức, nghệ thuật và vẻ đẹp, đặc biệt là âm nhạc. Đây là một trong bảy vị thần mang lại may mắn trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản. Đã có nhiều kỹ nữ xưa đến đây để cầu nguyện. 

lễ hội Yoshiwara
Ảnh: misatokyousitu

Ngoài ra, nơi đây còn diễn ra Lễ hội Yoshiwara vào thứ bảy, tuần thứ hai của tháng 4 hàng năm. Trong lễ hội có cuộc diễu hành Oiran truyền thống với các cô gái trang điểm và mặc trang phục cổ. Họ nhảy những điệu múa cáo (Kitsune mai), vũ điệu thường diễn ra vào lúc giao thừa ở Yoshiwara trong quá khứ.

Thời nay, Oiran chỉ phục vụ dưới hình thức đàn hát, trò chuyện nhưng không bán thân. Du khách có thể thưởng thức những buổi trình diễn đặc sắc của Oiran và tìm hiểu về văn hóa xưa của người Nhật tại Edo Wonderland ở Tochigi.

Xem thêmLịch sử rùng rợn phía sau lời hứa ngoắc ngón tay Yubikiri Genman

kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top