Vũ Thị Thủy: “Wagashi mang tôi đến với những con người tuyệt vời!"
Nhân vật Nhật Bản
Bài: Natsume
Ảnh: NVCC
Xuất thân là một giáo viên nhưng trót phải lòng Wagashi – loại bánh truyền thống của Nhật Bản, chị Vũ Thị Thủy quyết định từ bỏ công việc ổn định, thành lập nên thương hiệu bánh Song Thủy Wagashi, không chỉ mang đến những chiếc bánh ngọt tinh tế mà còn giúp nhiều người có cơ hội phát triển bản thân.
Đôi khi bánh kẹo không chỉ dùng để thưởng thức bằng vị giác, mà có những loại được nâng tầm lên thành một tác phẩm nghệ thuật, một trong số đó chính là Wagashi, loại bánh ẩn chứa tinh thần của xứ sở Phù Tang.
Wagashi (和菓子 - Hòa Quả Tử) là tên gọi chung của các loại bánh kẹo có nguồn gốc từ Nhật Bản, phân biệt với bánh kẹo có nguồn gốc từ phương Tây Yogashi (洋菓子). Thành phần chính thường tìm thấy trong Wagashi là nhân đậu đỏ Anko, hoặc những thứ như Kanten (thạch), Wasanbon (loại đường hạt mịn thượng hạng của Nhật Bản)...
Chiếc bánh Daifukumochi trắng muốt gồm lớp bột nếp dẻo dai bọc ngoài nhân đậu đỏ nghiền ngọt lịm hay bánh nướng Dorayaki mềm mại có dạng tròn dẹt, gắn liền với nhân vật mèo máy Doraemon chỉ là hai trong vô vàn loại bánh thuộc thiên đường ẩm thực mang tên Wagashi.
Và ở Việt Nam cũng có những người trót đem lòng yêu mến các loại bánh truyền thống này, tâm huyết mang Wagashi đến với nhiều người hơn, đồng thời lan tỏa tình yêu với những chiếc bánh nhỏ xinh. Một trong số đó là chị Vũ Thị Thủy – người đồng sáng lập nên thương hiệu Song Thủy Wagashi, nơi bán những loại bánh Wagashi tươi ngon, tinh tế phù hợp để dùng làm quà tặng, lại vừa có những khóa học để nhiều người có cơ hội tiếp cận đến bộ môn nghệ thuật ẩm thực này.
Cuộc trao đổi ngắn giữa Kilala và chị Vũ Thị Thủy mở ra những câu chuyện thú vị về chuyện làm nghề.
Chào chị Thủy, cơ duyên của chị với Wagashi là “người chọn nghề” hay “nghề chọn người”?
Trước tiên cảm ơn quý báo đã kết nối tôi với cuộc trò chuyện này, để câu chuyện của tôi đến gần với độc giả hơn.
Xuất phát điểm ban đầu của tôi là giáo viên dạy văn cấp 3, còn “anh xã” thì lại làm bên chuyên ngành kinh tế. Chừng đó cũng đủ thấy rằng ngành nghề của chúng tôi và Wagashi như hai đường thẳng song song.
Nhưng từ hồi sinh viên, chồng của tôi đã yêu thích và tìm hiểu về nghệ thuật Wagashi. Về sau, sẵn có một chút “máu” nghệ thuật trong người, cùng thời gian học hỏi, anh đã làm thành công bánh Wagashi. Từ đó, cả hai vợ chồng cùng bén duyên với nghề và lấy tên của cả hai là “Thủy” để tạo nên thương hiệu Song Thủy Wagashi.
Từ việc thành thạo tay nghề đến thành lập thương hiệu là một hành trình không dễ dàng. Vậy mất bao lâu để hai anh chị đưa ra quyết định này?
Từ 12 năm trước tôi đã có thể làm ra những chiếc bánh Wagashi hoàn chỉnh, nhưng để đi đến việc kinh doanh, bán sản phẩm ra thị trường thì phải đến năm 2014. Đó là một chặng đường để chúng tôi không ngừng hoàn thiện, nâng cao tay nghề, với mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng nhất cho khách hàng.
Khoảng thời gian 2015 – 2016, Song Thủy khi ấy đã nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng, chúng tôi quyết định mở thêm các lớp đào tạo học viên ở mọi miền đất nước.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn hợp tác với các công ty tổ chức sự kiện, mở workshop trải nghiệm làm bánh cho mọi người.
Để tạo nên hình dáng cho những chiếc bánh nhỏ xinh, theo chị một người muốn “chinh phục” loại bánh này sẽ cần sở hữu nét tính cách như thế nào?
Môn này không quá khó nhưng quả thật không dễ để tạo nên những chiếc bánh có hồn. Chính vì thế, người làm bánh cần có tính cách điềm đạm, đặc biệt là thật kiên nhẫn, tỉ mỉ để có thể chăm chút từng tiểu tiết.
Tất nhiên không thể thiếu sự sáng tạo, khả năng cảm thụ màu sắc. Có vậy bạn mới tạo nên được những chiếc bánh không chỉ đẹp, mà phải có hồn và độc đáo.
Đối với chị, loại Wagashi nào mang lại nhiều thử thách nhất?
Đó chính là nhóm bánh Namagashi, mà cụ thể là Nerikiri, đây là loại bánh mọi người thường thấy và thuộc hàng đại diện cho Wagashi. Loại bánh với vỏ đậu trắng và nhân đậu đỏ này thật sự cần nhiều kĩ năng như sự khéo tay, lòng kiên nhẫn và tính sáng tạo để có thể tỉa từng cánh hoa, khắc họa từng đường vân của lá... trên chiếc vỏ bánh mỏng.
Như chị chia sẻ có thể thấy, làm bánh Wagashi không chỉ là công việc, mà chị thật sự đã coi đây là một phần của cuộc sống?
Quả thật như vậy, nhiều lúc tôi cảm thấy biết ơn Wagashi, bởi chúng đã mang lại cho tôi liên kết sâu rộng với mọi người, cả ở trong nước lẫn bạn bè quốc tế. Những chuyến đi dạy khắp nơi như mang theo tình yêu bánh của tôi lan tỏa đến khắp mọi người. Và chắc chắn, Wagashi đã mang lại kinh tế ổn định cho gia đình tôi và cả những bạn học viên.
Được biết Song Thủy Wagashi có chi nhánh kinh doanh bánh và đào tạo học viên ở nhiều tỉnh thành. Vậy cái khó khăn nhất chắc chắn là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm được đồng đều ở mọi nơi, vì đây là loại bánh được làm hoàn toàn bằng tay, không có sự hỗ trợ về máy móc.
Bí quyết để chị có thể kiểm soát chất lượng của sản phẩm là gì?
Tôi rất tâm đắc một câu nói “Tâm ở đâu thì sự nghiệp mình ở đó”, tôi luôn dặn dò các giảng viên, nhân viên của mình rằng đặt mình vào vị trí khách hàng, học viên thì dù bất cứ ở đâu cũng có thể làm hài lòng họ. Song song đó, tôi cũng thường xuyên luân chuyển hoạt động ở nhiều cơ sở nhằm kịp thời điều chỉnh những vấn đề đang “đi lệch hướng”.
Nhân dịp 08/03 và Valentine Trắng 14/03 sắp đến, Song Thủy Wagashi có tung ra sản phẩm đặc biệt nào dành riêng cho dịp này không, thưa chị?
Song Thủy Wagashi luôn có những sản phẩm đặc biệt dành cho những dịp đặc biệt. Sản phẩm chính vẫn là hộp gỗ cao cấp đựng những chiếc bánh tạo hình hoa lá cầu kì, tượng trưng cho vẻ đẹp của các quý bà quý cô trong ngày Quốc tế phụ nữ. Hãy cùng đón nhận sản phẩm mới này nhé!
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
kilala.vn
- Song Thủy Wagashi:
- Tại Vũng Tàu: 10.11 Lapen Center, số 33A đường 30/4, Thành Phố Vũng Tàu.
- Tại TP. Hồ Chí Minh: 132 Quốc Lộ 13, phường 26. Quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh.
- Tại Hà Nội: Gian hàng Meizan Demo center – BH10 tầng BH Vincom 54A Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Thành Phố Hà Nội.