Những món súp truyền thống của Nhật Bản
Ẩm thực Nhật Bản
Bài: Nguyên Giang/ Ảnh: flickr
1. Súp Miso
Miso có lẽ là món súp nổi tiếng nhất của Nhật với độ phủ sóng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hương vị súp Miso quen thuộc mà chúng ta thường thưởng thức tại các nhà hàng Nhật Bản chỉ là loại súp cổ điển phổ biến. Thật ra, súp Miso truyền thống của người Nhật đa dạng và phức tạp hơn nhiều.
Súp Miso được làm từ hỗn hợp nước dùng Dashi và tương Miso trộn lẫn với nhau. Dashi là một loại nước dùng để nấu canh được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Nhật Bản. Nguyên liệu dùng làm Dashi thường có Niboshi (khô cá mòi), Kombu (tảo bẹ), Katsuobushi (khô cá ngừ bào mỏng), đôi khi là nấm Shitake (nấm đông cô) sấy khô. Ở các quốc gia khác ngoài Nhật Bản, nước dùng rau củ cũng được sử dụng thay thế cho Dashi. Ngoài ra, tương Miso trộn lẫn với nước dùng để tạo ra súp Miso cũng mang nhiều nét độc đáo. Súp Miso truyền thống thường được chế biến từ ba loại tương Miso khác nhau là đỏ, trắng hoặc hỗn hợp. Tương Miso đỏ được ủ trong một thời gian dài, có vị mặn và mùi hắc nên được xem là tương Miso vị mạnh. Còn tương Miso trắng được lên men trong thời gian ngắn và có hương vị ngọt ngào, tinh tế. Trong khi đó, hỗn hợp tương Miso, theo đúng như tên gọi, là một sự pha trộn các loại tương Miso khác nhau. Nhìn chung, tương Miso hỗn hợp sẽ tạo cho súp hương vị trọn vẹn hơn, có lẽ nhờ sự bù đắp lẫn nhau về điểm mạnh và điểm yếu giữa các loại tương Miso có trong hỗn hợp.
Thành phần nguyên liệu đặc trưng trong các món súp Miso truyền thống cũng thay đổi theo mùa, có thể là rong biển, khoai tây, nấm, hành tây, tôm, cá hoặc củ cải trắng thái lát.
2. Tonjiru
Tonjiru, đôi khi còn được gọi là Butajiru, là món canh của người Nhật được làm từ rau củ và thịt heo thái lát mỏng hầm trong nước dùng Dashi. Miso cũng thường được thêm vào để tăng hương vị cho món ăn.
Rong biển, hành lá, củ cải trắng, cà rốt, đậu phụ, nấm, khoai tây, bột Konjac (chiết xuất từ cây khoai nưa) và rễ cây ngưu bàng là những thành phần phổ biến trong món canh này. Trong đó, rễ cây ngưu bàng là một loại rễ thon dài, rất giàu kali, magiê, sắt, inulin và cellulose. Nguyên liệu này ít được sử dụng bên ngoài Nhật Bản nên có thể hơi khó tìm, tuy nhiên bạn vẫn có thể tìm mua tại các cửa hàng bán thực phẩm Nhật Bản.
Là sự lai trộn giữa súp và "nước cốt", Tonjiru là một món súp thịnh soạn rất giàu chất dinh dưỡng và vitamin, thường được những người sành ăn lựa chọn. Nếu so sánh với súp Miso thì Tonjiru có vẻ giống canh hơn. Bởi chứa đựng các thành phần bổ dưỡng mà Tonjiru thường được dùng như món chính kèm với cơm. Đây là món ăn nổi tiếng ngon lành và bổ dưỡng của Nhật Bản và rất phổ biến trong những tháng lạnh của mùa đông.
3. Imoni
Imoni là một món súp nhiều khoai tây và thịt được ăn vào mùa thu nổi tiếng ở vùng Tohoku của Nhật Bản. Súp Imoni ở vùng này có thể được chế biến theo nhiều cách với những hương vị khác nhau. Súp có thể chứa thịt bò (hoặc thịt lợn), đường và nước tương cho hương vị ngọt ngào, hoặc sử dụng hương liệu Miso. Tuy nhiên, các món súp Imoni đều nhất thiết phải có rễ khoai môn, thịt bò hoặc thịt lợn xắt lát mỏng, Konnyaku (một loại thạch được làm từ bột Konjac pha trộn với nước và nước cốt chanh) và nước tương.
Riêng tại tỉnh Yamagata, Imoni thường được nấu trong các dịp lễ hội Imoni mùa thu gọi là Imoni-kai. Du khách và dân địa phương sẽ cùng nhau tụ tập trên bờ sông trong dịp lễ hội để thưởng thức món Imoni từ các ấm sắt khổng lồ.
4. Súp mì Ramen
Một món súp được yêu thích ở Nhật và trên toàn thế giới là súp mì Ramen. Ramen là một loại mì làm từ lúa mì và thường được ăn kèm với các món súp Nhật Bản khác nhau. Mì Ramen vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, và tên “Ramen” của nó bắt nguồn từ cách phát âm “la mian” của người Trung Quốc, có nghĩa là kéo mì bằng tay. Tuy sợi mì và các nguyên liệu bổ sung đều là những thành phần quan trọng, thế nhưng nước dùng mới chính là linh hồn của món mì Ramen. Làm canh mì Ramen đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, đôi khi phải mất đến hàng giờ, thậm chí là cả ngày.
Ba loại súp mì thường gặp và phổ biến nhất của Ramen là Miso, Tonkotsu và Shoyu. Dưới đây xin giới thiệu hai phong cách nước dùng Ramen phổ biến còn lại là Tonkotsu và Shoyu:
Tonkotsu
Tonkotsu, nghĩa là "xương lợn", là nước dùng màu trắng sữa có nguồn gốc từ miền Nam, vùng Kyushu. Đây là một loại canh đặc, có vị ngọt và thơm ngon được làm bằng cách luộc xương heo, chất béo và collagen trên lửa cao trong một thời gian dài. Thông thường trên lớp nước dùng thơm ngon của tô mì Ramen này sẽ được phủ thêm một lớp dầu mè.
Shoyu
Thường đi chung với mì Ramen, Shoyu là một loại nước dùng có màu nâu trong, thường được làm từ thịt gà, cá, hoặc thịt bò với rau củ, nước tương để tăng hương vị. Đây là một món nước dùng có hương vị tinh tế, thơm ngon và đậm đà.
Tiết trời se lạnh của mùa thu là thời điểm tuyệt vời để bạn trổ tài làm các món súp Nhật Bản thơm ngon và bổ dưỡng. Công thức nấu ăn hiện nay được đăng tải khá nhiều trên mạng Internet cũng như trong các sách chuyên về ẩm thực, bạn chỉ cần tìm mua dụng cụ nấu ăn và những nguyên liệu cần thiết là có thể thử tay nghề của mình. Chắc chắn gia đình và bạn bè của bạn sẽ hoan nghênh nồng nhiệt trước những món súp độc đáo mang đậm nét Nhật Bản!
Ngoài hương vị thơm ngon, súp Nhật Bản còn nổi tiếng với những lợi ích sức khỏe mà chúng mang lại. Chẳng hạn như trong súp Miso có chứa nhiều vitamin B12 giúp duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh và tạo ra các tế bào máu mới, còn lecithin được hình thành trong quá trình lên men Miso có công dụng làm hạ huyết áp.
Nguyên Giang/kilala.vn