“Mùa nào thức ấy”, Wagashi không chỉ được chế biến từ những nguyên liệu đặc trưng theo mùa, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật cầu kì và tài hoa ngợi ca vẻ đẹp của bốn mùa thiên nhiên luân chuyển. Wagashi không ngừng thay hình đổi sắc, lúc hóa thành một cánh hoa anh đào chớm nở, một chú đom đóm ven đầm, một ngọn núi trùng trùng lá đỏ, lúc lại là một cánh rừng tuyết trắng tịch mịch thê lương… Ở Wagashi, nét sống động như gói trọn cả trời đất rộng lớn vô cùng vào chiếc bánh nhỏ bé vô cùng có thể khiến thực khách mãn nhãn và trầm trồ mà tuyệt nhiên không một món ăn nào sánh bì kịp.
Tháng 1 - Hanabiramochi
Là loại bánh đại diện cho tháng 1, Hanabiramochi làm nao lòng thực khách bởi phần nhân là bột Miso trộn rễ ngưu bàng được ninh trong nước đường hoặc rượu mirin thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Bánh được xếp thành hình bán nguyệt với vành rìa trắng mịn, trong nhuộm phớt hồng như một cánh hoa (hanabira). Hanabiramochi không thể vắng bóng trong dịp mừng năm mới.
Một số loại Wagashi khác: Matsu no Yuki (Lá tùng trong tuyết), Kankobai (Hồng mai mùa đông), Hanabayashi (Rừng hoa),…
Tháng 2 - Kantsubaki
Đây là chiếc bánh mô phỏng hình ảnh hoa sơn trà (Tsubaki) trong ngày đông giá lạnh. Bánh có nhân đậu đỏ béo ngậy, với lớp bột đậu trắng Nerikiriko dẻo mịn nhuộm hồng bọc ngoài tạo hình búp hoa và một ít nhuộm vàng gắn thêm làm nhụy để tô điểm.
Một số loại Wagashi khác: Sakiwake (Đua nở), Kusa no Haru (Cỏ xuân), Akebono (Bầu trời hừng đông),…
Tháng 3 - Warabimochi
Nét đặc sắc của chiếc bánh này là hương thơm nồng đượm và vị ngọt tan thấm của lớp bột đậu nành Kinako phủ quanh, gợi nhắc đến mùa xuân ở miền thôn dã xứ Phù Tang. Nguyên liệu chính dùng để làm Warabimochi là tinh bột được chế biến từ rễ cây dương xỉ (Warabi) – sản vật nổi tiếng của tỉnh Nara. Loại bánh kết hợp nhân đậu đỏ nghiền Anko cũng rất được dân Kyoto yêu mến. Có thể bắt gặp vô số cửa hàng Warabimochi danh tiếng tại Nara và Kyoto.
Một số loại Wagashi khác: Yaegasumi (Sương dày), Cho no Yume (Giấc mơ của bươm bướm), Akoya (Trai Akoya),…
Tháng 4 - Sakuramochi
Đây là loại bánh màu hồng có hương thơm thanh thoát được gói bằng lá anh đào. Tại vùng Kanto, nguyên liệu dùng để làm bánh thường là bột mì, còn ở Kansai thường là bột Domyoji. Sakuramochi là bánh đại diện cho mùa xuân và là một trong những dòng bánh đặc trưng của Kyogashi – Wagashi truyền thống của xứ Kyoto.
Một số loại Wagashi khác: Hanafubuki (Bão hoa), Hana no Mai (Vũ điệu của hoa),…
Tháng 5 - Kashiwamochi
Đây là loại bánh bột gạo nhân đậu đỏ nghiền hoặc Miso được gói bằng lá sồi (Kashiwa). Nhờ đặc tính không bao giờ rụng cho đến khi chồi mới xuất hiện mà lá sồi được xem là vật may mắn bảo hộ cho gia đình, tượng trưng cho sự sinh sôi đời đời không tuyệt diệt. Vì vậy phong tục làm bánh Kashiwamochi để ăn và biếu tặng họ hàng, láng giềng vào ngày Tết Đoan Ngọ (Tango no Sekku) vẫn còn rất thịnh hành ở Nhật Bản.
Một số loại Wagashi khác: Ayameman (Bánh bao xương bồ), Aokaede (Lá phong xanh), Chimaki (một loại bánh giống bánh ú tro ăn vào Tết Đoan Ngọ),…
Tháng 6 - Ajisai
Đây là loại bánh thạch màu tím nhạt làm từ bột rễ sắn dây rừng (Kuzuko), được cắt thành hình khối với các góc tròn để mô phỏng hoa cẩm tú cầu (Ajisai), nhân bánh là một lớp An vàng thơm ngon. Bánh thường được đặt lên một chiếc lá tươi xanh để chiêu đãi thực khách, tất cả đều toát lên phong vị của mùa mưa tháng 6.
Một số loại Wagashi khác: Miyamatsutsuji (Đỗ quyên trong núi sâu), Aoume (Mơ xanh), Yakiayu (Cá thơm chiên), Sawabe no Hotaru (Đom đóm ven đầm),…
Tháng 7 - Rakugan
Thừa hưởng đầy đủ những đặc điểm của Higashi, Rakugan được làm từ hỗn hợp bột gạo (ngũ cốc) nhào với mạch nha và đường, ép vào khuôn rồi sấy khô lại. Được xem là một loại Wagashi cao cấp, Rakugan thường chỉ được dùng để thết đãi trong các tiệc trà hoặc làm đồ cúng Phật.
Một số loại Wagashi khác: Konetsumochi (Bánh hoa súng), Aonashi (Lê xanh), Kuzuyaki (Sắn dây rừng chiên),…
Tháng 8 - Mizuyokan
Là một chủng loại của bánh thạch Yokan nhưng Mizuyokan sử dụng ít bột đậu và thạch hơn, tạo cho bánh độ mềm ướt vừa phải để ăn trong những ngày hè nóng bức. Có nhiều hương vị như đậu đỏ, hạt phỉ, Matcha, mơ,… để khách hàng lựa chọn.
Một số loại Wagashi khác: Hanakikyo (Hoa cát cánh), Nadeshiko (Cẩm chướng), Hatsuaki (Chớm thu),…
Tháng 9 - Kikunoka
Nhắc đến mùa thu thì không thể bỏ qua hoa cúc (Kiku). Các loại bánh kẹo liên quan đến hoa cúc cũng khá phong phú và đa dạng, trong đó Kikunoka (Hương cúc) là một loại bánh được nắn thành hình hoa cúc đơn giản mà vẫn trang nhã.
Một số loại Wagashi khác: Yone no Hana (Hoa lúa), Konerigaki (Hồng ngọt), Kurikinton (bánh làm từ hạt phỉ và khoai lang),…
Tháng 10 - Icho
Đây là loại bánh bột vàng mô phỏng hình cánh hoa rẻ quạt (Icho). Bánh có hương vị thanh thoát và giá trị dinh dưỡng cao.
Một số loại Wagashi khác: Zangetsu (Trăng tàn), Tsuta no Hosomichi (Lối nhỏ thường xuân), Uzuramochi (Bánh chim cút), Chidori (Chim choi choi),…
Tháng 11 - Momiji
Đây là loại bánh làm bằng bột đậu có màu sắc và hình dáng giống với lá phong, không thể thiếu vắng trong các lễ tiệc tháng 11.
Một số loại Wagashi khác: Hatsushimo (Sương đầu mùa), Inokomochi (Bánh heo con),…
Tháng 12 - Yuzumochi
Yuzu là giống quả lai giữa quýt và chanh Nghi Xương, có hương thơm nồng, đại diện cho các loại quả mùa đông. Mang vỏ Yuzu bào nhuyễn trộn với bột gạo rồi hấp chín, sau đó bọc hỗn hợp này quanh lớp nhân An, ta sẽ có được chiếc bánh mang hương vị Yuzu thơm ngon đặc trưng.
Một số loại Wagashi khác: Shojomochi (loại bánh mô phỏng mái tóc đỏ của Shojo – một loài tinh tinh nghiện rượu xuất hiện trong truyền thuyết Trung Quốc), Yakoeman (loại bánh được làm từ lòng đỏ trứng gà, có màu vàng nhạt), Takanekan (loại bánh thạch hình chữ nhật mà bên trong có hình núi Phú Sĩ, được dùng vào dịp cuối và đầu năm),…
Inako/ kilala.vn