Lễ hội Kami-hinokinai: Thiên đăng mang nguyện ước lên trời cao
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Quỳnh Trịnh
Ảnh: Pixta
Lễ hội đặc trưng cho mùa đông ở tỉnh Akita
Lễ hội Thiên đăng “Kami-hinokinai” là một lễ hội mùa đông truyền thống của tỉnh Akita. Khi hỏi về lịch sử của lễ hội thì người dân ở Akita nói rằng họ cũng không biết chính xác lễ hội bắt đầu được tổ chức từ lúc nào. Theo những lời truyền miệng, nhà khoa học lừng danh thời Edo – Hiraga Gennai – trong một chuyến đi đến tỉnh Akita đã hướng dẫn người dân ở đây trò chơi ứng dụng nguyên lý bay của khinh khí cầu. Và nhiều người cho rằng đây là lịch sử ra đời của lễ hội Thiên đăng “Kami-hinokinai”.
Trước đây, lễ hội được tổ chức kết hợp với một sự kiện mang tín ngưỡng dân gian là đốt rơm rạ trên đồng ruộng để cầu nguyện cho vụ mùa mới và gia đạo bình an. Tuy nhiên, do chiến tranh mà lễ hội đã bị dừng tổ chức trong một thời gian dài. Cho đến năm Showa 49 (1974), dưới sự kêu gọi nhiệt tình của người dân địa phương mà lễ hội được “tái sinh”. Dần dần nó đã trở thành một lễ hội đặc trưng cho mùa đông ở tỉnh Akita, thậm chí còn có những tour du lịch địa phương được thiết kế để du khách có thể tham gia lễ hội. Lễ hội Thiên đăng “Kami-hinokinai” đã được công nhận là Tài sản Văn hóa Dân gian phi vật thể của thành phố Semboku.
Chiếc thiên đăng khổng lồ mang theo bao lời ước nguyện
Trước kia, những chiếc thiên đăng được làm bằng giấy chuyên dùng để luyện viết chữ, nhưng vì dạo gần đây kích thước của thiên đăng ngày càng lớn nên người ta đã chuyển qua dùng giấy Nhật công nghiệp để giảm kinh phí. Họghép nhiều tờ giấy lớn lại với nhau, tạo thành một khối hình trụ cao từ 3 – 5 mét. Chiếc thiên đăng lớn nhất có thể cao đến 12 mét. Ở phía trên, người ta dùng một tờ giấy lớn dán lại để khí nóng trong thiên đăng không bị thoát ra ngoài, giúp nó có thể bay lên. Bên dưới sẽ dùng một khung tròn bằng tre có đường kính khoảng 1 – 3 mét để cố định, ở tâm khung tre là chỗ đặt nút bắt lửa làm bằng vải bông đã được thấm dầu.
Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân ở làng Hinokinai đã phải chuẩn bị thiên đăng từ tháng 12, tức khoảng hai tháng trước khi lễ hội diễn ra. Vào thời gian này, dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên, tất cả thành viên trong làng đều tập trung lại ở hội trường lớn để cùng nhau làm và thiết kế những chiếc thiên đăng. Mỗi năm, người dân ở đây thường làm khoảng 100 chiếc thiên đăng lớn nhỏ khác nhau. Thiên đăng giấy dùng trong lễ hội thường được trang trí bằng hình vẽ samurai, geisha hoặc tranh phong cảnh theo nét vẽ truyền thống của Nhật.
Vốn là dùng để ước nguyện nên trước kia người ta sẽ ghi sẵn lên thiên đăng những lời nguyện như “Cầu mùa màng bội thu”, “Cầu gia đạo bình an”, “Cầu thi đậu”,… Nhưng vì dạo gần đây, khách tham gia lễ hội ngày càng đông nên họ sẽ để nhiều giấy trống để du khách có thể tự viết lời nguyện của mình. Những chiếc thiên đăng sau khi viết lời nguyện sẽ được thả lên trời, với mong muốn thiên đăng sẽ mang lời nguyện của con người lên với thánh thần ở trên cao và biến những ước nguyện đó thành hiện thực.
kilala.vn