Phía sau nét đẹp tinh tế của Wagashi
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Lăng Vi/ Ảnh: PIXTA, iStock
Wagashi hấp dẫn người đối diện bởi nét đẹp tinh tế và thanh tao trong hình thức. Dù giản dị hay cầu kì, Wagashi luôn toát ra một sức hút khó cưỡng. Và bạn biết không, nét đẹp tinh tế đó được tạo nên bởi những dụng cụ vô cùng đơn giản và không quá khó để tìm thấy.
Rây lưới
(Ảnh: PIXTA, iStock)
Rây lưới được dùng làm những sợi bánh bao bọc bên ngoài loại bánh Kinton. Tùy theo kích thước của sợi bánh mà người làm tùy chọn rây có mắt lưới nhỏ hay lớn. Cách làm sợi bánh vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần đặt khối bột đã nhào lên rây và ấn xuống, bột bánh rơi qua mắt lưới sẽ thành hình sợi.
Khăn vải
(Ảnh: PIXTA)
Dùng để tạo những nếp gấp thanh thoát, tự nhiên và mềm mại trên bề mặt bánh. Thấm ướt khăn vải, bọc lấy bánh, túm lại và vặn chặt. Khi mở khăn ra, bạn sẽ vô cùng thích thú khi nhìn ngắm những nếp gấp mềm mại được tạo nên bởi dụng cụ hết sức bình thường này.
Kéo bấm
Để tạo nên cánh hoa cho những chiếc bánh Namagashi lấy cảm hứng từ hoa cúc, người ta dùng một chiếc kéo bấm chuyên dụng với lưỡi kéo nhọn và sắc. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng để tạo nên những cánh hoa đều đặn người làm cần phải biết điều tiết lực bấm kéo thật vừa phải.
Sankaku-bera
(Ảnh: Jonathan Austin Daniels/iStock)
Sankaku-bera là tên gọi một loại dụng cụ có hình khối lăng trụ tam giác thường dùng để tạo rãnh giữa các cánh hoa. Đôi khi một đầu của Sankaku sẽ có mặt tròn chạm khắc những hạt tròn li ti để tạo hình nhụy hoa. Sankaku-bera là một dụng cụ vô cùng hữu dụng trong việc tạo hình bánh Namagashi.
Khuôn bánh
(Ảnh: tantatatan/PIXTA)
Khuôn bánh là dụng cụ không thể thiếu khi làm bánh Rakugan hay tạo hình cho bánh Namagashi. Ngày nay, những chiếc khuôn bánh, khuôn cắt nhỏ nhắn và xinh xắn có thể tìm thấy dễ dàng tại khắp các siêu thị, cửa hàng dụng cụ làm bánh hay cửa hàng đồng giá Nhật Bản,... Tuy vậy, những chiếc khuôn Wagashi bằng gỗ, tiếng Nhật gọi là Kashigata, vẫn là những bảo vật vô cùng quý giá với những nghệ nhân Wagashi. Thậm chí, bản thân chiếc khuôn gỗ cũng có thể được gọi là tác phẩm nghệ thuật bởi những chi tiết chạm khắc tinh xảo và tỉ mỉ. Giá trị của chiếc khuôn sẽ thay đổi tùy theo loại gỗ và mức độ phức tạp của hình chạm khắc. Khi nhìn ngắm những chiếc khuôn gỗ Kashigata đẹp đến nao lòng, bạn có cảm thấy háo hức khi mường tượng chiếc bánh Wagashi ra đời từ đó không?
Lăng Vi/ kilala.vn