Hoa trong đời sống người Nhật
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Kento; An Nhiên; Inako / Ảnh: Phan Võ; PIXTA
Ikebana – Nghệ thuật của sự tinh tế
Từ việc dùng hoa để trang trí nhà cửa, người Nhật khéo léo nâng lên tầm nghệ thuật - nghệ thuật Ikebana. Những nỗi buồn lo, chuyện nhân gian nặng nợ thế nào, chỉ cần cắm một bình hoa, mọi nỗi buồn đều có thể tan theo một cái chớp mắt. Nếu coi một tác phẩm Ikebana như vũ trụ tự nhiên thu nhỏ bao gồm trời, đất và con người, thì chủ thể của nó – hoa chính là cái cốt lõi để hình thành và kết nối vạn vật.
Một tác phẩm Ikebana là sự góp nhặt từ các loài hoa đơn chiếc mà những quy tắc về bố cục, sự sắp xếp đều được quy định chặt chẽ bởi các trường phái khác nhau. Bình hoa mùa xuân thì tiềm tàng nội lực, mùa hạ thì bung nở lộng lẫy, mùa thu thì ấm áp gợi cảm, mùa đông thì trang nghiêm lặng lẽ… có thể nói những nàng hoa với bao cung bậc màu sắc, dáng vẻ chính là chất liệu để người Nhật bày tỏ lòng yêu thiên nhiên đến đắm say như thể một tín ngưỡng căn cốt trong bản ngã của mình.
Hoa thổi hồn vào tranh
Hoa trường tồn mãi mãi trong hội họa. Đó là những bức bình phong, bích họa thời Kamakura, hay tranh Kachouga nằm trong dòng tranh khắc gỗ trứ danh thời Edo. Hoa không chỉ lưu hương lưu sắc vĩnh cửu mà nó còn kể những câu chuyện, gửi gắm những ước mơ con người: là lời cầu chúc may mắn, trường thọ hay con đàn cháu đống, công danh vinh hiển,… Có thể nói, chỉ qua nét bút mà thể hiện được thế giới quan của những con người sống trong thời đại mà chúng ra đời. Như bộ “Tứ quân tử”, mai – lan – cúc – trúc được ví với người quân tử cao quý, liêm khiết; hay bộ “Tuế hàn tam hữu”, tùng – trúc – mai tượng trưng cho người quân tử với khí khái bất diệt, kiên cường chống chọi mọi nghịch cảnh. Ngoài ra, các loài hoa cũng đi với chim muông để biểu đạt cảnh quan bốn mùa, như chim chích bụi trên cành hoa mai, uyên ương bên cúc muộn, hỉ thước và thủy tiên…
Hoa trong không gian sống
Người Nhật duy mỹ, yêu cái đẹp đến mức tuyệt đối. Thế nên, ngôi nhà để ở hằng ngày cũng phải đẹp. Theo quan niệm của phong thủy, hoa cỏ cũng có khả năng nâng cao vận khí cho gia chủ. Ta yêu những ngôi nhà Nhật chính bởi vài chi tiết đơn giản như lọ hoa nhỏ xinh đặt trên bàn ăn trong bếp, hoa trang trí trên kệ treo tường, lọ hoa tối giản trong nhà vệ sinh, hoa trắng thuần khiết bên bồn rửa mặt, hoa bên bậu cửa sổ tỏa rạng dưới ánh nắng mặt trời… Việc tận dụng và sắp đặt, trang trí hoa đã trở thành một phần cuộc sống thường ngày của các bà nội trợ Nhật.
Hoa cũng xuất hiện tinh tế trong các món đồ nội thất như gối, sofa, rèm cửa, khăn bàn... làm cho không gian sống của người Nhật trở nên đầy chất thơ.
Hoa là thơ, là văn
Nàng hoa ngọt ngào thanh mĩ đã sớm xuất hiện từ thời “Cổ sự kí” và “Nhật Bản thư kỉ” – những bộ sách sử cổ xưa nhất Nhật Bản với gần 100 loài. Hoa mang vẻ đẹp kiêu sa vào văn học, và giúp những tác phẩm văn chương thêm phần rực rỡ, sinh động. Người yêu hoa và yêu cả văn học Nhật Bản có lẽ đều biết “Vạn diệp tập”, “Cổ kim tập”, “Nguyên Thị vật ngữ”, “Chẩm thảo tử”... và sẽ “chết mê” với các hình ảnh như hoa – điểu – phong – nguyệt; hoa – tuyết – nguyệt; hoa – hồng diệp... là những ước lệ kinh điển để miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ vô song.
Hoa vương trên áo
Cũng bởi vì vẻ đẹp mỹ miều mà hoa làm mê đắm biết bao tâm hồn yêu thời trang. Dù bị cuốn vào trào lưu thời trang nào, hoa văn hoa lá cũng không bao giờ lỗi thời. Nàng hoa nhảy múa trên những chiếc Kimono lộng lẫy của các nữ quý tộc thời Heian, vương trên trang phục của người dân Edo mà những bức tranh khắc gỗ đã kịp ghi nhận lại. Các hoa văn truyền thống ở Nhật toát lên một vẻ đẹp đặc thù đến độ có hẳn một cụm từ dành riêng để nhận diện chúng – Wagara, và trong đó, hoa lá bao giờ cũng là dòng hoa văn được mến chuộng nhất. Những loài hoa phổ biến mà bạn có thể bắt gặp ở các mẫu thời trang truyền thống là: mai, anh đào, mẫu đơn, cẩm tú cầu, bìm bìm, cúc, hồ chi, trà, thủy tiên…
Trâm cài áo, bông tai, kẹp tóc, túi xách thêu, khăn tay lụa... càng toát lên vẻ đẹp đặc trưng Nhật Bản khi có thêm họa tiết hoa trang trí.
Bí quyết làm đẹp của phụ nữ Nhật
Đâu chỉ “hữu sắc vô hương”, các nàng hoa yêu kiều còn thầm lặng cống hiến vào công cuộc giữ gìn sắc đẹp hàng ngàn năm qua của phụ nữ Nhật Bản. Một trong những loài hoa mang công dụng làm đẹp đầu tiên đi vào sử sách Nhật Bản là hoa trà, vào thời đại Nara, tức khoảng hơn 1.200 năm về trước. Ngay từ khi khoa học hiện đại chưa bén rễ tại Nhật, với tâm hồn trân trọng hoa cỏ thiên nhiên, người Nhật đã nhạy bén phát hiện ra tính năng giữ ẩm cao, sát khuẩn trong dầu hoa trà và tận dụng chúng để làm dầu gội đầu, xà phòng. Chiết xuất từ hoa anh đào và một số loài hoa dân gian như sim, bán chỉ liên cũng được ưu ái bởi có tính năng làm trắng da, ngăn ngừa các dấu hiệu của lão hóa như nếp nhăn, đốm nâu, nám…
Dược liệu quý từ thiên nhiên ban tặng
Chiết xuất của các loài hoa trong nhóm “Hòa Hán dược”, chỉ dược liệu thiên nhiên trong y học dân gian Nhật Bản, còn thấm sâu và nuôi dưỡng cơ thể từ bên trong, góp phần phòng ngừa và chữa trị nhiều loại bệnh với hiệu quả không ngờ. Chẳng hạn, với bệnh biếng ăn, có thể sử dụng dược phẩm làm từ hoa mai, bồ công anh…; giải độc thì dùng nữ lang hoa, thài lài…; muốn phục hồi sức khỏe thì dùng phong lữ, sơn bách hợp… Nhiều loài hoa còn mang hương thơm thần diệu có thể tác dụng lên não thông qua khứu giác, giúp giải tỏa căng thẳng, tăng khả năng miễn dịch, chữa mất ngủ...
kilala.vn