Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hình ảnh những cành cây mảnh mai, buông rũ xuống trong góc nhà đã trở nên quen thuộc trên mạng xã hội. Có thời điểm, việc trưng loại cây này trong nhà đã trở thành trend (xu hướng) của những người trẻ hiện đại. Loại cây này mang một cái tên rất đẹp: thạch nam Nhật Bản.
Thạch nam có tên khoa học là Ericaceae, là một họ thực vật có hoa bao gồm 124 - 135 chi và khoảng 4.250 loài. Nơi sống chủ yếu của Ericaceae là khu vực ôn đới với các cây phổ biến như: nam việt quất, thạch nam, đỗ quyên… Họ này được chia thành 8 - 9 phân họ, trong đó Enkianthoideae gồm 16 loài chủ yếu sinh trưởng ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản. Và loại thạch nam được nhập khẩu về Việt Nam, dùng để trang trí không gian sống thuộc chi Enkianthus.
Theo đại diện của L’amour Flower - một shop hoa có tiếng ở TP.HCM, thạch nam là một loại cây bụi dễ dàng tìm thấy ở Nhật Bản, đa phần sẽ được trồng trong các khu vườn Nhật. Tuy nhiên, loại cây cắt cành thường dùng trang trí trong nhà là loại thu hoạch từ miền núi cao tỉnh Fukushima, nơi chất lượng của thạch nam là tốt nhất.
Thời điểm đẹp nhất để thu hoạch thạch nam, vận chuyển sang các nước là vào mùa xuân - hè (từ tháng 4 đến tháng 8, 9). Lúc này, thạch nam khoác lên mình một màu xanh lá trong trẻo, tạo nên cảm giác tươi mát cho ngôi nhà. Còn vào mùa thu - đông là thời điểm chuyển mùa, lá cây sẽ chuyển sang màu đỏ vàng và nhanh chóng thay lá.
Mảng xanh tô điểm cho không gian hiện đại
Trái với suy nghĩ cần không gian rộng để trồng nhiều loại cây giúp thanh lọc không khí, với xu hướng ngày nay là những căn nhà có diện tích cơ bản trong thành phố, các loại cây vừa có tác dụng làm đẹp lại vừa giúp thư giãn tâm hồn là một lựa chọn hợp lý. Chính vì thế, khi thạch nam xuất hiện, loài cây này đã tạo nên một “cơn sốt” bởi sự đơn giản và tinh tế của mình. Với thân cành dáng mảnh mai, những chiếc lá non xếp tròn như hình ngôi sao, tán cành rộng theo bề ngang và xòe rũ xuống tạo cảm giác “cây mini” trong nhà.Nhật Bản nổi tiếng với nghệ thuật cắm hoa Ikebana thì thạch nam dường như là cách dễ dàng nhất để cảm thụ phong cách này, ngay cả với dân không chuyên. Chỉ một cành cây mang vẻ đẹp nguyên bản, không cần tô điểm thêm bất cứ loài hoa nào lại sở hữu nét rất riêng, như mang một phần thiên nhiên vào không gian sống.
Thạch nam phù hợp với tất cả mọi người và mọi không gian. Bạn không cần phải nắm vững các tiêu chí cắm hoa hay cách phối màu sao cho “nịnh mắt” nhất. Điều duy nhất bạn cần là một chiếc bình, cắm thạch nam vào và đặt tại nơi yêu thích. Chỉ đơn giản như vậy nhưng sẽ mang đến sự tinh tế, tươi mới và sức sống cho căn nhà. Dù vậy, thạch nam đẹp nhất trong những không gian tối giản để làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên của nhánh cây.
Là một trong những đơn vị đầu tiên đưa loài cây này về Việt Nam, L’amour bắt đầu mang thạch nam đến với khách hàng Việt từ tháng 6 - 7 năm 2020 bởi đây là loại cây cắt cành trang trí lạ mắt. Thời điểm quyết định nhập hoa về cũng là lúc dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, mọi người có nhu cầu kết nối với thiên nhiên nhiều hơn, tạo cảm giác yên bình, dễ chịu để từ đó tiếp thêm động lực vượt qua quãng thời gian khó khăn phía trước.
Bí quyết giúp cây luôn bền đẹp
Dù thạch nam là loại cây thân gỗ rất bền nhưng cũng cần có một số lưu ý khi trưng bày để cành tươi được lâu nhất. Sử dụng dao hoặc kéo sắc cắt chéo gốc cây, đây cũng là phương pháp áp dụng cho tất cả các loại hoa và cây. Có thể chẻ đôi phần gốc từ dưới lên khoảng 3 - 5cm để gia tăng độ hút nước của cây. Thường xuyên xịt nước lên bề mặt lá để hạn chế tối đa tình trạng thoát hơi nước. Tuyệt đối không đặt cành lá ngay dưới họng gió điều hoà hoặc gió quạt, tránh nơi có ánh nắng gắt chiếu trực tiếp hoặc hơi nóng từ tivi, bếp lửa. Nhiệt độ phòng lý tưởng nhất để đặt cành lá thạch nam là từ 25 - 28 độ C, nên vị trí đẹp nhất để trưng bày là trong phòng ngủ hoặc phòng khách.
Có thể kết hợp thạch nam với các loại hoa khác không? Câu trả lời là có, vì nghệ thuật thì không có giới hạn, bạn có thể sáng tạo tùy sở thích, miễn là bản thân cảm thấy vui và hài lòng với tác phẩm của mình. Thông thường, vì mang một vẻ đẹp rất riêng nên mọi người sẽ lựa chọn cắm thạch nam một mình để tôn vinh vẻ nguyên sơ của loài cây này. Một số Florist (nghệ nhân cắm hoa) có thể kết hợp cắm thạch nam cùng một số loại hoa, lá trong bình hoa hoặc giỏ hoa, tuy nhiên đòi hỏi người cắm phải có kỹ thuật cao để giữ trọn vẻ đẹp nguyên bản của từng loại hoa lá trong tác phẩm.
So với mặt bằng chung, thạch nam có giá nhỉnh hơn một chút, dao động từ khoảng 350.000 đồng – 1 triệu/cành, tùy theo chiều cao, độ dày lá và nét độc đáo của từng cành. Các cành thạch nam kích thước từ 1,2 - 1,5m sẽ có giá dao động từ 350.000 - 500.000 đồng. Cành cao 1,6 - 1,7m sẽ có giá khoảng từ 750.000 - 850.000 đồng. Đặc biệt đối với những cành có chiều cao trên 1,8m hoặc có dáng cong lạ và ấn tượng sẽ có giá lên đến hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khác với những loại hoa chỉ trưng được trên dưới 1 tuần, thạch nam lại có sức sống lâu hơn, ít nhất từ 15 ngày đến hơn 1 tháng. Nếu so thời gian với mức giá để có được loại cây tạo điểm nhấn cho không gian sống của mình thì cũng là một khoản đầu tư xứng đáng.