"Hoa cúc và gươm", những kiến giải về căn tính người Nhật
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Hoàng Long/ Ảnh: Pixta
Dù được viết ra vào năm 1946 và có những luận điểm nay đã không còn phù hợp, nhưng những tư tưởng chủ yếu về căn tính người Nhật và dân tộc Nhật của Ruth Benedict - nhà nhân loại học kiệt xuất của thế kỷ 20 - vẫn làm chúng ta kinh ngạc về sự đúng đắn vượt thời gian. Vì lẽ đó mà cho đến nay, “Hoa cúc và gươm” vẫn luôn là quyển sách gối đầu giường cho những người ngoại quốc muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản.
Đúng như tên gọi của quyển sách là "Hoa cúc và gươm", chúng ta có thể nhận ra ngay đặc trưng đầu tiên của văn hóa Nhật Bản là sự dung hòa những điều mâu thuẫn. Cả gươm và hoa cúc đều là một phần của bức tranh. Theo tác giả, “Người Nhật, ở mức độ cao nhất, vừa rất hung bạo lại vừa rất ôn hòa, vừa quân phiệt lại vừa có khiếu thẩm mỹ, vừa cao ngạo vừa lịch sự, vừa cứng nhắc vừa có khả năng thích ứng nhanh, vừa dễ phục tùng vừa không thích bị sai khiến, vừa trung thành vừa dễ bội tín, vừa dũng cảm lại vừa hèn nhát, vừa bảo thủ lại vừa hoan nghênh những cách thức mới”.
Hoa cúc - biểu tượng của sự thanh khiết và hoàn hảo
Hoa cúc là loài hoa cao quý, tượng trưng cho sự thẩm mỹ, thanh khiết và là biểu tượng của Hoàng gia, tượng trưng cho Thiên Hoàng.
Với thẩm mỹ vô cùng tinh tế, người Nhật luôn tìm kiếm sự hoàn hảo. Như một lời thoại tuyệt đỉnh trong phim “Samurai cuối cùng”: “Nụ hoa hoàn hảo rất hiếm thấy. Nó xứng đáng cho ta bỏ cả đời tìm kiếm và như thế sẽ không hoài phí”. Luôn vươn đến sự hoàn hảo tối thượng là mục tiêu khiến cho người Nhật phát minh lý thuyết Kaizen – 改善 (cải thiện) trong sản xuất.
Ngoài ra, việc “yêu thích sự thuần khiết và thù ghét những thứ dơ bẩn hình thành nên đặc dị tâm lý người Nhật”. Người Nhật coi trọng sự thanh khiết về cả thể xác (thích tắm nước nóng) và tinh thần (đền đáp ân huệ, gột rửa thanh danh, không để tâm hồn rỉ sét).
Văn hóa Nhật Bản vô cùng xem trọng nghĩa vụ và ân huệ “恩 - On” phải trả: ân huệ của cha mẹ, giáo viên và sư phụ, trên hết là ân huệ với Thiên Hoàng. “Người Nhật coi trọng cao độ việc đền ơn về mặt đạo đức đến độ người phương Tây không thể tưởng tượng nổi”. “Đức hạnh bắt đầu khi người đó tích cực cống hiến bản thân cho việc đền ơn”. Sự tôn sùng truyện “Bốn mươi bảy võ sĩ đạo” của người Nhật minh chứng cho điều đó.
Ba điểm khác biệt về văn hóa giữa người Mỹ và người Nhật
Lòng trung thành tuyệt đối của người Nhật với Thiên Hoàng xuất phát từ trật tự đẳng cấp của xã hội Nhật Bản và tính tất yếu của “người nào phận nấy”. “Sự tin tưởng của người Nhật về chế độ đẳng cấp là điều cơ bản trong ý niệm của họ về mối liên hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với quốc gia”. Chế độ đẳng cấp này xuất phát từ gia đình rồi mở rộng ra đến xã hội.
Việc Nhật Bản tham gia Thế chiến thứ hai cũng nhằm xây dựng trật tự đẳng cấp do mình thống trị trên toàn cõi Đại Đông Á. Vũ khí để Nhật Bản tham chiến xuất phát từ nền văn hóa đặc thù với ba điểm khác biệt so với người Mỹ. Thứ nhất, “Nhật Bản luôn coi trọng tài nguyên phi vật chất trong khi Mỹ luôn theo đuổi sự thịnh vượng”. Thứ hai, “Người Mỹ hướng toàn bộ cuộc sống của mình vào một thế giới đầy thử thách và luôn sẵn sàng đón nhận thử thách. Niềm tin của người Nhật xây dựng trên một lối sống mà mọi sự đều đã được dự liệu, và theo họ, mối đe dọa lớn nhất đến từ việc không dự liệu”. Cuối cùng, "Người Mỹ rất cảm động đối với mọi hành động cứu trợ, đối với mọi sự giúp đỡ người gặp khó khăn. Một hành động dũng cảm, nếu khiến cho kẻ gặp nạn được cứu, càng là một hành động anh hùng. Sự dũng cảm của người Nhật Bản thì bài xích sự cứu trợ như vậy". Với người Nhật, “sự mạo hiểm coi nhẹ cái chết mới được coi là cao thượng nhất”. Chính điều đó đã kết hợp cùng lòng trung thành với Thiên Hoàng để hình thành nên phi đội cảm tử Thần phong Kamikaze trong những năm sau cùng của cuộc chiến.
“Sự rỉ sét của con người” cũng tồi tệ như sự rỉ sét của thanh gươm
Thanh gươm trong nền văn hóa Nhật Bản có thể được xem như biểu tượng của danh dự, lòng tự trọng và sự tự tu dưỡng của người Nhật Bản. Là vũ khí tối thượng của Samurai, thanh gươm luôn cần phải được mài sáng giống như đức hạnh của con người.
Để tránh bị rỉ sét, người Nhật nhấn mạnh đến lòng tự trọng và sự tự kiềm chế. Xem trọng lòng tự trọng (自重 - Jichou) tức là “xem trọng bản thân”. “Tự trọng luôn có nghĩa là kiềm chế và kiềm chế cũng có giá trị như tự trọng, và việc người Mỹ nhấn mạnh sự tự do như là một điều kiện tiên quyết của thành tựu là điều không bao giờ có vẻ thích hợp với người Nhật khi đi cùng những trải nghiệm khác biệt”. Đối với người Nhật, việc tự kiềm chế giúp bản thân trở nên giá trị.
Điểm quan trọng thứ hai để cho tâm hồn luôn thanh khiết và sáng ngời đó là sự tự tu dưỡng (修養 - Shuyou). Tự tu dưỡng giúp gột sạch sự “rỉ sét của thân xác”. Nó làm cho con người ta trở thành một thanh gươm sắc bén. “Tự tu dưỡng còn giúp con người ta trở nên “vô ngã” (無我 - Muga). Cảnh giới này chính là “nhất điểm”, là hành động tái tạo hoàn hảo mà người ta vẽ nên trong tâm trí hay đạt được giác ngộ trong Thiền Tông.
Mặt khác, văn hóa Nhật Bản không chỉ trích sự thoả mãn dục vọng. Họ xem lạc thú thân xác như tắm nước nóng, ngủ, say rượu, yêu đương lãng mạn,... là điều tốt đáng theo đuổi. Thỏa mãn nhu cầu tình dục không liên quan gì đến vấn đề đạo đức.
Đặc biệt, tác giả Ruth Benedict nhận ra rằng nền văn hóa Nhật Bản đặt tầm quan trọng nơi sự xấu hổ chứ không phải là tội lỗi. “Nền văn hóa tội lỗi khắc sâu những tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối và đặt lương tâm làm cơ sở cho sự phát triển của con người”. Trong khi đó, ở nền văn hóa xấu hổ, sự hổ thẹn (恥 - Haji) là cội rễ của đạo đức. Sự hổ thẹn có cùng vị trí quyền lực trong nguyên tắc xử thế của người Nhật giống như vị trí của “một lương tâm trong sạch” và sự tránh xa tội lỗi trong luân lý phương Tây. Bức tường của nỗi hổ thẹn là điều rất thực với người Nhật.
Với những kiến giải sâu sắc và lập luận chặt chẽ, “Hoa cúc và gươm” luôn là quyển sách tiêu biểu để chúng ta tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản, giúp chúng ta có một cái khung nhận thức về nền văn hóa đặc sắc của xứ sở Phù Tang để có thể trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong việc kinh doanh và giao tiếp với người Nhật Bản trong môi trường toàn cầu hóa ngày nay.
Hoàng Long/kilala.vn
Hoa cúc và gươm
Những mẫu hình văn hóa Nhật Bản
Ruth Benedict, Thành Khang, Diễm Quỳnh dịch, NXB Hồng Đức, 2015.