Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Giải vô địch ném gối toàn quốc có một không hai tại Nhật Bản

Văn hóa Nhật Bản    • Sep 25, 2021

Bài: Rin

Lấy cảm hứng từ trò ném gối trước giờ đi ngủ của học sinh Nhật Bản trong những chuyến dã ngoại với trường, “Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản” đã được ra đời vào năm 2013, khiến bất kỳ người nước ngoài nào khi nghe đến cũng không khỏi trầm trồ ngạc nhiên.

Là một môn thể thao quốc gia, cuộc thi ném gối ở Nhật được hưởng ứng rất sôi nổi. Các đội gồm thành viên ở mọi lứa tuổi sẽ cùng tham gia sự kiện vòng loại khu vực. Sau khi vượt qua vòng loại, những đội chiến thắng sẽ gặp nhau tại thành phố nhỏ Ito nằm ở bờ biển phía Đông của bán đảo Izu, tỉnh Shizuoka, để tranh đấu trong Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản, từ đó tìm ra danh hiệu đội tuyển ném gối cừ nhất xứ Phù Tang.

giai-vo-dich-nem-goi-nhat-ban
Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản bắt đầu từ năm 2013. Ảnh: makuranage-magazine

Từ trò ném gối của học sinh đến giải vô địch toàn quốc

“枕投げ – Makura-nage” là trò chơi trong đó người chơi sẽ ném gối vào nhau, không hạn chế số lượng tham gia, miễn là có đủ gối. Không có nguồn gốc rõ ràng về thời điểm ra đời của trò chơi này. Tuy nhiên, thuật ngữ Makura-nage đã được các em học sinh sống sót sau cuộc di tản của học sinh tỉnh Okinawa lên con tàu Tsushima Maru (対馬丸) vào cuối chiến tranh Thái Bình Dương (1941-1945) nhắc đến: “Chơi trò Makura-nage trên tàu rất vui!”. Nó cũng được những học sinh tốt nghiệp vào năm 1943 của trường tiểu học Seisen (醒泉国民学校), quận Shimogyou, thành phố Kyoto đề cập khi nói về trải nghiệm của mình.

giai-vo-dich-nem-goi-nhat-ban-1
Không rõ nguồn gốc ra đời của trò ném gối Makura-nage. Ảnh: prtimes

Vào năm 2004, công ty Xe buýt Nishitetsu Kanko, tỉnh Fukuoka đã tái hiện lại chuyến du lịch dã ngoại dành cho những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomer) của Nhật (sinh từ năm 1947 đến năm 1949), và hoạt động mà họ muốn chơi cùng nhau nhất chính là Maruka-nage. Năm 2010, một lữ quán ở tỉnh Ishikawa đã lên kế hoạch chuẩn bị gối dành cho trò Makura-nage, hướng tới những vị khách đến trọ trong dịp họp lớp. Có thể thấy rằng, những người Nhật thuộc thế hệ baby boomer có nhiều kỷ niệm nhất với trò ném gối trong độ tuổi đi học của mình (khoảng năm 1950 đến 1970).

man-nem-goi-hap-dan
Màn ném gối kịch tính trong Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản. Ảnh:itospa.com

Từ trò chơi quen thuộc với học sinh Nhật, các cuộc thi ném gối quy mô cũng đã bắt đầu phát triển từ những năm 2000. Vào năm 2001, Giải đấu ném gối vô địch thế giới giữa các lữ quán đã được tổ chức bởi Arima Onsen, tỉnh Hyogo; Yubara Onsen, tỉnh Okayama và Miyahama, tỉnh Hiroshima. Đây chính là những cuộc thi đặt nền móng để đến năm 2013, Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản ra đời.

/banner

Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản

Vào tháng 2/2013, giải đấu quy mô quốc gia này đã được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Ito, tỉnh Shizuoka bởi chính quyền và Hiệp hội Du lịch thành phố. Một học sinh ở trường Trung học Ito, tỉnh Shizuoka đã đề xuất cuộc thi ném gối với mong muốn thu hút nhiều người trẻ đến với thành phố Ito. Sau năm đầu tiên khá thành công, chính quyền quyết định sẽ tổ chức định kỳ hằng năm. Mỗi năm, giải đấu thu hút hơn 400 người tham dự với phí tham gia là 20 USD (khoảng 455.000 VND). Các "vận động viên" đến đây với mong muốn trở thành đội võ sĩ ném gối “cừ khôi” và giành giải vô địch trị giá 100.000 yên (khoảng 21.000.000 VND).

giai-dau-thu-hut-hon-400-nguoi
Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản thu hút hơn 400 người tham gia mỗi năm. Ảnh: itospa.com

Một trận đấu ném gối sẽ gồm 2 đội, mỗi đội 8 thành viên trong trang phục Yukata dành cho khách trọ ở lữ quán. Gối dùng để đấu là loại gối đặc biệt làm từ cao su non và cuộc đấu diễn ra trên khu vực sân trải 40 tấm chiếu Tatami. Đội hình sẽ gồm 4 vị trí: đội trưởng, tấn công, libero (phòng thủ) và hỗ trợ. Điều đặc biệt là người chơi ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia, từ những đứa trẻ 9 tuổi đến người lớn ở độ tuổi U60.

Luật chơi của trận đấu ném gối có phần tương tự như môn bóng né khi mục tiêu của các đội là dùng gối để ném vào các cầu thủ của đội đối phương. Trước khi bắt đầu trận đấu, thành viên của hai đội sẽ nằm, giả vờ ngủ trên một bộ Futon hoàn chỉnh gồm một tấm nệm Shikubuton và tấm chăn bông đắp bên trên Kakebuton. Khung cảnh trên tái hiện lại cảnh học sinh chuẩn bị đi ngủ trong các chuyến dã ngoại của mình.

gia-vo-ngu-truoc-tran-nem-goi
Hai đội sẽ giả vờ ngủ trước khi trận đấu bắt đầu. Ảnh: pillow.co.jp

Ngay khi tiếng còi của trọng tài cất lên, tất cả thành viên của hai đội sẽ đứng dậy và chiến đấu. Đứng ở vị trí đầu tiên là người chơi giữ vai trò phòng thủ, người này sẽ sử dụng Kakebuton để bảo vệ các thành viên phía sau. Còn người ở vị trí đội trưởng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, đứng ở giữa đội bởi nếu đánh trúng vào đội trưởng thì hiệp đấu cũng kết thúc. Nếu đội nào có thể thắng cả 2 hiệp (khoảng 2 phút) thì sẽ trở thành đội chiến thắng. Điểm độc đáo khác của trận đấu ném gối ở Nhật Bản chính là khi một đội hét lên “Giáo viên đang tới” thì đội đối thủ buộc phải rút lui dưới Futon trong khoảng 10 giây, giả vờ ngủ. Lúc này, đội hét lên khẩu hiệu có thể đi qua “vùng đất cấm” của đối phương và lấy trộm nhiều gối nhất có thể. Sau khoảng 10 giây, trận đấu sẽ được tiếp tục trở lại.

man-nem-goi-kich-tinh
Người chơi dùng hết sức lực để tạo những pha ném "đầy lửa" đến đội đối phương. Ảnh: itospa.com

Sau 1 năm tổ chức, vào năm 2014, công ty Nhật Bản Makura đã cho ra mắt một chiếc gối đặc biệt được thiết kế dành riêng cho giải đấu và nó trở thành chiếc gối duy nhất hợp lệ trong cuộc thi. Chiếc gối này được làm bằng cao su, đủ nặng để ném và đủ độ đàn hồi để không gây ra bất kỳ thương tích nào. Thêm vào đó, lớp vải ngoài có màu trắng và xám giúp người chơi dễ nhận ra khi nó được ném thẳng vào mặt lúc thi đấu, cũng như không có dây buộc và bất kỳ nhãn vải nào để tránh bị thương. Giá của chiếc gối dành riêng cho cuộc thi ném gối là 3.150 yên (khoảng 640.000 VND).

goi-giai-nem-goi-nhat-ban
Loại gối đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản. Ảnh: soranews

Hơn nữa, Ban tổ chức Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản cũng rất đầu tư về mặt quảng bá. Vào năm 2019, giải đấu đã tung ra poster đầy ấn tượng với người mẫu là Airi Hatakeyama, cựu vận động viên thể dục dục cụ đã tham gia nhiều kỳ Thế vận hội Olympic, hiện cô đã từ giã nghiệp đấu và đảm đương vai trò phóng viên truyền hình. Poster thể hiện 3 tư thế ném gối, né gối và phòng thủ, hút hồn người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Airi-Hatakeyama-nem-goi
Poster đặc sắc quảng bá Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản. Ảnh: spoon-tamago.com

Với Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản, người chơi không chỉ được thoả đam mê thể thao và nhận được giải thưởng 100.000 yên dành cho đội chiến thắng, mà hơn hết nó đưa họ trở về những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, góp phần bảo tồn một trò chơi dân gian có từ những năm 1940. Hơn nữa, đây cũng là ý tưởng độc đáo góp phần quảng bá hình ảnh thành phố ven biển Ito xinh đẹp của tỉnh Shizuoka đến với những vùng khác của nước Nhật và cả thế giới.

Thưởng thức những pha ném gối hấp dẫn tại Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản qua video!

kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top