Shizuoka - Không chỉ có núi Phú Sĩ
Du lịch Nhật Bản
Bài: Noriko Tabata (AJ)/ Ảnh: Yuji Tozawa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Shizuoka/ biên dịch: Trần Quốc Tuấn
Người ta biết đến Shizuoka là một trong hai tỉnh sở hữu núi Phú Sĩ - ngọn núi cao nhất Nhật Bản (tỉnh còn lại là Yamanashi), đại diện cho hình ảnh đất nước Nhật Bản và cũng là di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận năm nay. Nhưng Shizuoka còn tự hào là vùng đất "rừng vàng, biển bạc" với vô số đặc sản nổi danh toàn cầu và hệ thống suối nước nóng nổi danh bậc nhất Nhật Bản.
Không chỉ vậy, nơi đây còn được biết đến như quê hương của Momoko Sakura, tác giả cuốn truyện tranh cực kỳ được yêu thích tại Việt Nam: Nhóc Maruko.
Mang trong mình nhiều ưu ái từ thiên nhiên, hẳn núi Phú Sĩ và những nét hấp dẫn khác của Shizuoka sẽ đưa bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Núi Phú Sĩ - Tâm hồn của người Nhật
Phủ lên mình một lớp tuyết trắng xóa, e ấp ló dạng từ trên ngàn mây, đó là ấn tượng ban đầu về núi Phú Sĩ. Xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa một sắc thái, ngọn núi này từ ngàn xưa đã là biểu tượng tâm linh của người Nhật, là suối nguồn của vẻ đẹp, của nghệ thuật được khắc họa trong vô số thơ ca nhạc họa.
Có thể nói núi Phú Sĩ đã trở thành một sự hiện hữu không gì thay thế được trong tâm hồn người Nhật.. Mỗi năm thắng cảnh hùng vỹ cao 3.776m này chào đón khoảng 300 ngàn du khách, là đại danh du lịch không thể bỏ qua khi đến xứ sở hoa anh đào. Từ Shinjuku (Tokyo) hay sân bay Narita, bạn có thể đón xe buýt đến thằng núi Phú Sĩ, rất thuận tiện. Nhưng để đặt chân lên đỉnh cao nhất, bạn phải "nai nịt sẵn sàng" bằng nhiều dụng cụ leo núi trợ giúp. Trước tiên xe hơi sẽ đưa bạn lên Gogome (ở độ cao 2.000m - 2.400m. Sau khi nghỉ ngơi, thư giãn với sự phục vụ tận tình của hệ thống hàng quán đa dạng tại đây, bạn có thể bắt đầu leo tiếp.
Ít ai biết, núi Phú Sĩ là một "hỏa diệm sơn" đúng nghĩa, chỉ có điều nó đang ngủ mà thôi. Thế nên, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy có một ngôi đền mang tên Fujisan Hongu Sengen nằm ở chân núi thuộc thành phố Fujinomiya. Tương truyền đây là nơi thờ vị thần nắm giữ ngọn lửa núi Phú Sĩ. Theo tục lệ từ ngàn xưa được truyền đến nay, du khách đến đây sẽ trải nghiệm nghi lễ Misogi (tục lệ dùng nước sông hồ để gột sạch những bẩn nhơ và xấu xa trong tâm hồn). Và nếu may mắn được đặt chân đến đền vào mùa xuân, bạn sẽ có cơ hội thưởng ngoạn khuôn viên ngôi đền với hơn 500 cây hoa anh đào phủ bóng mát rượi, tạo nên chốn tiên cảnh tràn ngập sắc hoa.
Hồ Hamanako - Khởi nguồn món lươn tuyệt phẩm
Những ai là tín đồ món Nhật, hẳn cũng "khoái khẩu" món lươn, một trong những đặc sản nổi tiếng của Nhật Bản. Nhưng có thể bạn chưa biết Shizuoka là nơi khai sinh phong trào nuôi lươn từ những năm 1890. Phong trào này khởi nguồn từ hồ Hamanako, một hồ nước ngọt nổi tiếng thuộc thành phố Hamamatsu nằm ở phía tây tỉnh Shizuoka. Mặc dù ngày nay lượng lươn được nuôi ở đây chỉ còn khoảng 1/3 so với thời kỳ hưng thịnh nhưng Hamanako vẫn được mọi người nhắc đến như một địa danh khai sinh ra món lươn được cả thế giới đánh giá là tuyệt phẩm ẩm thực.
Nói đến đặc sản làm từ lươn thì không thể không nhắc đến món cơm lươn nướng được gọi là Unajyu và Unadon. Người ta chế biến món này bằng cách tẩm lên lươn một loại sốt đặc biệt, đem nướng cho thơm phức rồi ăn với cơm trắng.
Tuy nguyên liệu, cách chế biến và mùi vị giống nhau nhưng bạn có thể phân biệt hai món này bằng kiểu chén ăn dành riêng cho từng món. Trong khi Unajyu dùng loại chén sơn mài hình tứ giác thì Unadon lại sử dụng chén sứ hình tròn. Ngoài ra, giá của Unajyu thường đắt hơn Unadon. Lý do được giải thích là Unajyu dùng loại lươn "hảo hạng" hơn, hoặc lượng lươn nhiều hơn v.v... Nhưng cho dù "chất" và "lượng" của nguyên liệu có như nhau đi nữa thì một số nhà hàng vẫn tạo ra sự khác biệt về giá bằng cách "trang trí" thêm cho Unajyu bằng các món đồ ăn kèm.
Và không chỉ có cơm lươn, bạn còn có thể thưởng thức món bánh Unagi Pie đậm hương vị loại hải sản cao cấp được nhiều người yêu thích này.
Bán đảo Izu – Ngâm suối nước nóng và thưởng thức Wasabi!
Nằm ở phía đông tỉnh Shizuoka, đảo Izu là một địa danh suối nước nóng nổi tiếng, đến mức những danh lam thắng cảnh khác của đất nước Mặt trời mọc cũng phải ganh tị. Bạn có thể đi thẳng vào thị trấn Shuzenji khảo sát một loạt điểm Onsen (suối nước nóng) được khai phá từ 1.200 năm trước, hay ghé qua Amagi nơi các thi hào xa xưa từng chọn làm nguồn cảm hứng sáng tác, hoặc quá bộ đến Nakaizu ngâm mình trong dòng nước nóng trong vắt tinh khiết, rồi cũng có thể vượt qua vịnh Suruga, dừng chân ở thị trấn Nishiizu và thị trấn Toi thưởng ngoạn núi Minami Alps và núi Phú Sĩ ngút tầm mắt. Khi đã thấm mệt, bạn sẽ dừng chân tại Onsen Ryokan (nhà trọ truyền thống Nhật Bản) – một địa điểm rất được du khách nước ngoài yêu thích – vừa thưởng thức những "sơn hào hải vị" không đâu có, vừa tận hưởng cảm giác ngâm mình thư thái trong dòng suối nóng bốc khói lãng đãng giữa khung cảnh bồng lai tiên cảnh.
Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một "sản vật" vô cùng nổi tiếng khác của đảo Izu: mù tạt (wasabi). Hẳn bạn chẳng lạ gì với wasabi vốn được dùng trong các món sushi hay sashimi rồi nhỉ? Đây là gia vị được chiết xuất từ loại cây cùng tên và trở thành gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Nhật từ ngàn xưa. Shizuoka tự hào là nơi sản xuất wasabi nổi tiếng bậc nhất ở Nhật Bản. Chỉ riêng thị trấn Nakaizu thôi đã chiếm hơn 70% sản lượng wasabi toàn quốc.
Đến Izu, bạn không thể bỏ qua "biệt thự Shirakabe So" (tọa lạc bên trong ngọn núi) Izu nếu muốn có những trải nghiệm kỳ thú với "tiệc Wasabi" được thiết kế cực kỳ sang trọng. Trên một chiếc bàn lớn, thực khách có vô vàn chọn lựa các món ăn trứ danh biến tấu từ wasabi như lẩu wasabi, bánh mì wasabi, pasta wasabi, ngay cả món sushi cũng cuộn bằng wasabi, v.v... Một cơ hội thưởng thức "sản vật" mà ngay cả người Nhật cũng không thể ngờ rằng wasabi có thể "biến hóa" khôn lường đến vậy.
Hãy thử một lần đến Izu, tự mình trải nghiệm hương vị tuyệt vời của các món trứ danh từ wasabi sau khi đã thỏa thích ngâm mình trong hai bồn tắm nước nóng lộ thiên nổi tiếng: một được khoét từ khối đá nham thạch khổng lồ 53 tấn và một làm từ gốc đại thụ 1.200 tuổi.