Là môn thể thao đá bóng không cạnh tranh tại xứ Phù Tang, Kemari có lịch sử lâu đời khoảng 1.400 năm nhưng vẫn được người Nhật yêu thích và bảo tồn cho đến ngày nay.
Vào ngày 4/1 vừa qua, trong sự kiện đón chào năm mới được tổ chức hàng năm tại đền Shimogamo ở Kyoto, trò chơi bóng đá cổ Kemari đã diễn ra với sự tham gia của người chơi trong trang phục quý tộc thời Asuka (592 - 710). Đây là lần trở lại đầu tiên của Kemari sau 2 năm bị hủy vì đại dịch COVID-19.
Nguồn gốc lâu đời của trò chơi đá bóng Kemari
Theo những ghi chép cổ, trò chơi đá bóng Kemari (蹴鞠) đã có mặt ở Nhật Bản vào năm 644 trong thời Asuka, được cho là du nhập từ Trung Quốc. Kemari chịu ảnh hưởng từ môn thể thao Cuju (Thúc cúc - hình thức đá bóng xuất hiện đầu tiên trên thế giới) của Trung Quốc. Đồng thời, Hán tự của Kemari cũng giống với từ "Cuju" (蹴鞠) trong tiếng Trung.
Vào thời Heian (794 - 1185), Kemari rất được giới quý tộc ưa chuộng và là trò chơi phổ biến trong Hoàng cung. Đến thời Kamakura (1185 - 1333), ngoài Hoàng gia, các tầng lớp chiến binh cũng tham gia chơi môn thể thao này. Qua đến thời Muromachi (1336 – 1570) và thời Edo (1600 – 1867), danh tiếng của Kemari ngày càng phổ biến khi được nhắc đến trong các vở kịch Noh, hài kịch Kyogen và tiểu thuyết thời Edo. Trò chơi Kemari cũng được dân chúng cực kỳ yêu thích trong thời Edo.
Tuy nhiên, vào thời Minh Trị (1868 - 1912), mức độ phổ biến của Kemari giảm dần và môn thể thao này gần như biến mất. Đến năm 1903, nhờ sự ủng hộ của Thiên hoàng Minh Trị, Shukiku Hozonkai - hiệp hội bảo tồn Kemari đã được thành lập. Kết quả là Kemari đã được lưu giữ và truyền lại cho đến tận ngày nay.
Hiện nay, trò Kemari thường được chơi tại các đền thờ Thần đạo trong dịp lễ hội. Đặc biệt, vào năm 1992, trong một chuyến công du đến Nhật Bản, cựu Tổng thống Mỹ George H. W. Bush đã tham gia chơi trò Kemari tại cung điện Kyoto.
Xem thêm: Hanetsuki - Trò chơi cầu lông truyền thống dịp năm mới
Cách chơi Kemari
Khác với bóng đá hiện đại, Kemari là môn thể thao không cạnh tranh với mục tiêu là tất cả người chơi phải hợp tác với nhau, chuyền bóng sao cho quả bóng không chạm đất. Người chơi có thể sử dụng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể như đầu, chân, lưng, đầu gối và tùy vào luật chơi từng nơi, cũng có thể dùng khuỷu tay. Tuy nhiên, không được phép dùng bàn tay và cánh tay để chuyền bóng.
Quả bóng dùng để chơi trong trò Kemari được gọi là Mari, có đường kính khoảng 18cm và được làm vô cùng công phu. Mari làm từ lớp da hươu với phần lông hướng vào bên trong và phần da hướng ra ngoài. Quả bóng được nhồi bằng hạt lúa mạch để tạo hình tròn, sau khi hình dạng của quả bóng hình thành, các hạt này được lấy ra ngoài. Tiếp đó, người ta dùng da ngựa để khâu quả bóng lại.
Kemari thường được chơi trên mặt sân bằng phẳng rộng khoảng 15m2 được gọi là Kakari, với bốn góc trồng bốn loại cây khác nhau: cây hoa anh đào ở phía Đông Bắc, cây thông ở phía Tây Bắc, cây liễu ở phía Đông Nam và cây phong ở phía Tây Nam. Nhưng theo thời gian, bốn cây này đã được thay thế bằng cây tre.
Số lượng người chơi trò Kemari có thể gồm 4, 6 hoặc 8 người, trong đó, đội 8 người trở thành tiêu chuẩn của trò chơi Kemari hiện nay. Người chơi trong trò Kemari được gọi là Mariashi. Một Mariashi giỏi là người giúp cho người nhận bóng có thể dễ dàng điều khiển quả bóng và giữ nó được lâu trên không trung.
Trọng tài của trò chơi Kemari (gọi là Kensho) sẽ hỗ trợ cho trận đấu. Trong số các Mariashi, có một người được chỉ định là "Ken" - nhận nhiệm vụ phát bóng bắt đầu trận đấu. Khi đá bóng, các Mariashi sẽ nói "Ari!", "Ya" hoặc "O!" tạo nên không khí chơi bóng rất vui vẻ, hào hứng.
Quả cầu Mari thường được đá lên không trung ở độ cao khoảng 3 đến 4m vì người ta cho rằng độ cao này sẽ tạo ra âm thanh dễ chịu nhất và cú xoay đẹp nhất trên không. Mỗi Mariashi nên chuyền bóng cho người chơi khác trong vòng 3 cú đá thì được cho là đẹp nhất. Một trận bóng Kemari kết thúc khi người chơi ở vị trí "Ken" thực hiện cú đá cuối cùng, sau đó dùng tay phải lăn bóng vào giữa sân.
Trang phục của người chơi Kemari cũng rất đặc biệt, nó gợi nhớ về kiểu thời trang thịnh hành vào thời Asuka được gọi là Kariginu với cổ tay áo rộng và một chiếc mũ Eboshi trên đầu.
Kemari trở lại sau 2 năm vắng bóng vì dịch COVID-19
Vào ngày 4/1 vừa qua, trò chơi Kemari đã được tổ chức trong trong sự kiện Năm mới hằng năm tại đền Shimogamo, Kyoto sau hai năm bị hủy bỏ vì đại dịch COVID-19. Sự kiện đá bóng được tổ chức bởi Shukiku Hozonkai, hiệp hội bảo tồn Kemari.
Trong trang phục thời Asuka sặc sỡ, 8 thành viên của Hiệp hội đã thay phiên nhau chuyền quả bóng Mari màu trắng trên không trung, trong khi ống tay áo rộng của họ nhẹ nhàng đung đưa theo từng cú chuyền bóng, tất cả mang đến một khung cảnh đẹp đẽ, gợi nhớ về thời huy hoàng của Kemari xưa.
Trước đại dịch, các buổi học về Kemari được tổ thức 3 lần/tháng tại thành phố Kyoto bởi Hiệp hội Shukiku Hozonkai. Sau khi tạm ngừng trong khoảng 1 năm 10 tháng do dịch bệnh, cuối cùng vào tháng 12/2021, các lớp học đã được mở lại. Tsunehiro Ueda, 75 tuổi, Giám đốc Hiệp hội Shukiku Hozonkai bày tỏ: “Thật vui khi quả bóng được chuyền đi và giữ được lâu trên không trung. Đây là một khởi đầu tốt đẹp để chào đón năm mới”.
Dù ra đời từ rất lâu nhưng Kemari vẫn giữ được sức hút đặc biệt với tất cả người xem. Trong không khí đầu xuân, trò chơi chuyền bóng không chạm đất như lời cầu mong cho một năm mới thuận lợi và phát triển.
kilala.vn