Tin vui cho nhà nông! Nhật Bản phát triển thành công giống lúa chịu mặn
Tin 60s
Nguồn: Kyodo News
Một nhóm các nhà khoa học sinh học tại Nhật đã phát triển một giống lúa mới bằng việc cải tiến gen để tăng năng suất cây trồng trên đất mặn.
Nhóm nghiên cứu do Tổ chức Nghiên cứu Lương thực và Nông nghiệp Quốc gia đứng đầu đã thông báo họ đã thành công trong việc tìm ra gen xác định góc độ phát triển của rễ. Khám phá này sẽ khắc phục được thiệt hại về năng suất trong bối cảnh triều cường ngày càng tăng, đất và nước dễ bị nhiễm mặn. Theo nhóm nghiên cứu này, nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến khoảng một nửa diện tích đất cách tác hiện có trên thế giới vào năm 2050. Những quốc gia phải đối mặt với thách thức này bao gồm các khu vực ven biển ở Nhật và một số nước khác, kể cả Việt Nam.
Nhà khoa học chủ chốt trong tổ chức, ông Yusaku Uga cho biết: "Bằng cách phát triển và sử dụng loại gen này, chúng tôi có thể thiết kế được sự phát triển của rễ lúa để phù hợp với điều kiện canh tác."
Trong thời gian khô hạn, khả năng đất bị nhiễm mặn cao, cản trở cây trồng hút nước. Hơn nữa, do có lượng muối cao, đất sẽ trở nên cứng hơn, khiến cây trồng bị cạn kiệt oxy. Giả định rằng lúa sẽ chống chịu được tốt hơn nếu rễ của chúng có thể mọc lan theo bề mặt đất, nhóm nghiên cứu đã tiến hành và theo dõi trong bốn năm kể từ 2015. Các nhà khoa học cho biết loại lúa cải tiến này đã tăng 15% sản lượng thu hoạch ở những vùng nước mặn. Trong khi đó, hiệu suất tăng trưởng trong ruộng lúa bình thường cũng không thấy khác biệt.
Nhóm nghiên cứu cho rằng khi tìm được cách xác định góc phát triển của rễ, ứng dụng này có thể dùng cho một số loại cây trồng khác như ngô, đậu tương. Đại diện nhóm nói rằng: "Với những nghiên cứu và thử nghiệm sâu hơn, việc phát triển những giống cây chịu mặn có thể sẽ giúp ích cho nông dân ở các khu vực khác nhau trên thế giới."
kilala.vn