Mojie Ringo là một kỹ thuật đặc biệt của Nhật Bản, sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo ra chữ hoặc hình vẽ trên trái táo.
Khi đi dạo qua một vườn táo ở tỉnh Aomori, Nhật Bản, có những khi bạn sẽ không nhìn thấy bất kỳ trái táo nào. Thực ra, chúng vẫn ở đó nhưng lại được bọc kín trong những chiếc túi nhỏ treo lủng lẳng trên cành. Đó là những quả táo Mojie Ringo (文字絵りんご) đang trong quá trình tạo hình. Với sự trợ giúp của ánh sáng mặt trời và giấy nến, chúng sẽ sớm trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Quá trình tạo hoa văn trên táo Mojie Ringo
Trong nhiều thập kỷ, những nông dân trồng táo ở tỉnh Aomori của Nhật Bản đã tạo ra những quả táo tuyệt đẹp bằng kỹ thuật Mojie Ringo. Cụ thể, trong suốt quá trình: từ khi kết trái đến khi thu hoạch, người nông dân sẽ ngăn quả táo tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sử dụng giấy nến để tạo các họa tiết trên vỏ táo. Chỉ khi quả táo được thu hoạch, lớp giấy này mới được loại bỏ.
Quá trình này bắt đầu vào tháng Giêng, khi cây táo được cắt tỉa để đảm bảo mỗi bông hoa nhận được đủ ánh sáng mặt trời. Sau khi những bông hoa tàn vào mùa xuân, người trồng táo sử dụng những cây đũa mềm để thụ phấn bằng tay cho từng bông còn lại.
Khi quả bắt đầu phát triển, họ sẽ bọc nhiều lớp túi xung quanh để giữ cho quả táo an toàn khỏi sâu bệnh và tránh ánh nắng mặt trời. Sau khi đạt đến kích thước phù hợp, lớp túi sẽ được loại bỏ. Giữ táo trong bóng tối với thời gian dài làm tăng độ nhạy ánh sáng, vì vậy khi tháo bỏ túi nilon, táo sẽ sản sinh chất anthocyanin, một thành phần làm cho vỏ có màu đỏ. Tiếp đến, các khuôn hình giấy nến được dán lên vỏ táo sao cho, chỉ phần vỏ không có giấy nến chuyển sang màu đỏ.
Để tạo ra loại táo này đòi hỏi nhiều sự chăm chút và kiên nhẫn trong suốt một năm. Riêng việc dán giấy lên táo cũng chiếm nhiều công sức. Người nông dân phải cẩn thận sử dụng nhíp và khía các đường nhỏ trên hình dán để nó có thể bám chắc vào bề mặt trái táo vốn không trơn mịn, bằng phẳng. Những quả táo sẽ lên màu chỉ vài giờ, sau khi loại bỏ túi nilon, nên công đoạn này phải được thực hiện thật nhanh chóng và chuẩn xác.
Người phát minh ra kỹ thuật Mojie Ringo là ông Haruo Iwasaki, một nông dân trồng táo ở Aomori vào khoảng những năm 1970. Tiếp nối nghiên cứu của cha mình, ông Chisato Iwasaki được ngành công nghiệp táo công nhận là nghệ nhân táo tài năng nhất hiện nay. Các giống táo Mutsu hay Stark Jumbo được cho là thích hợp nhất để áp dụng kỹ thuật Mojie Ringo.
Những quả táo Mojie Ringo mang lại may mắn
Ông Chisato giải thích, người Nhật quan niệm đỏ và trắng là hai màu sắc tượng trưng cho may mắn và sức khỏe. Ở Nhật, đồ trang trí màu đỏ và trắng thường được sử dụng trong đám cưới, dịp năm mới và nhiều sự kiện quan trọng khác. Màu đỏ cũng mang ý nghĩa đặc biệt trong Thần đạo, với các cổng đền sơn một màu đỏ - được cho là có khả năng bảo vệ con người khỏi ma quỷ. Ngoài ra, quốc kỳ Nhật Bản là nền trắng với mặt trời đỏ tươi.
Vì vậy, những quả táo Mojie Ringo được xem là biểu tượng mang thông điệp của sự may mắn, thịnh vượng. Chúng thường được tặng trong đám cưới hoặc các sự kiện kỷ niệm khác.
Có những người trả giá rất cao trong các cuộc đấu giá để mua các tác phẩm nghệ thuật táo có hoa văn đặc biệt, cầu kỳ. Một tác phẩm nghệ thuật táo chất lượng cao có thể được bán với giá lên đến 100.000 yên (khoảng 21 triệu đồng).
Đáng tiếc là truyền thống trồng táo Mojie Ringo đang dần mai một. Theo một người trồng táo, vì quy trình tốn nhiều thời gian và công sức nên ngày càng ít nhà vườn hào hứng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm thấy những quả táo có hình vẽ may mắn này tại một số vườn cây ăn quả ở Aomori và các cửa hàng trên nước Nhật.
kilala.vn