Nico Nico Yasai làm nông nghiệp để trân trọng giá trị thiên nhiên
Kinh doanh Nhật Bản
Bài: Natsume
Ảnh: NVCC
Ra đời bằng tâm huyết của một chàng trai Nhật Bản trót phải lòng đất nước và con người Việt Nam, mong muốn tạo nên một nền nông nghiệp hữu cơ an toàn cho cả người nông dân, người tiêu thụ, lẫn môi trường, Nico Nico Yasai là “đứa con tinh thần” của anh Shiokawa Minoru cùng các cộng sự. Sau gần 10 năm hoạt động, Nico Nico Yasai đã có nông trường ở Buôn Ma Thuột, Mộc Châu, Măng Đen, Krông Bông, cung cấp rau sạch cho cả hai miền Nam - Bắc. Đặc biệt, nhờ hương vị rau củ tươi ngon, ngọt vị, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, mà sản phẩm nông sản của Nico Nico Yasai đã được nhiều hệ thống siêu thị lớn, cao cấp cũng như nhà hàng lựa chọn, trong đó có thể kể đến AEON Mall Việt Nam, An Nam Gourmet Market, Pizza 4P’s, Hum, Yen Sushi…
Để hiểu rõ hơn về hành trình của một người Nhật đến và tạo dựng thương hiệu cùng các cộng sự tại đất nước Việt Nam, Kilala đã có buổi phỏng vấn độc quyền cùng anh Shiokawa Minoru và anh Nguyễn Phước Thiện, những người đã cùng nhau tạo dựng nên Nico Nico Yasai.
Được biết anh Shiokawa là một kỹ sư chuyên ngành môi trường tại Nhật, vậy những điều được học đã giúp ích như thế nào cho anh trong việc canh tác hữu cơ?
Anh Shiokawa Minoru: Tôi tốt nghiệp Cử nhân Chính trị, chuyên ngành Chính sách môi trường tại Nhật Bản, chủ yếu là học bao quát về kinh tế, xã hội, chính trị cùng nhiều vấn đề môi trường khác. Đồng thời, chúng tôi được biết thêm về mối liên hệ giữa khoa học và tự nhiên, sử dụng công nghệ, tận dụng khí hậu để phát triển cây trồng an toàn. Điều đó giúp cho tôi có được vốn hiểu biết về việc thay đổi lối sống nhằm hướng cuộc sống của mình cũng như mọi người đến những điều tốt hơn. Đó là nền tảng lớn nhất để tôi đến Việt Nam, gieo những hạt mầm hữu cơ đầu tiên và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Về phía anh Thiện, nhiều người thích chọn công việc văn phòng "cho nhàn thân", vì sao anh lại quyết định cố gắng với công việc “dãi nắng dầm mưa” và nhiều khó khăn như nghề nông?
Anh Nguyễn Phước Thiện: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông, từ nhỏ tôi và các anh em đã biết phụ giúp gia đình. Hằng ngày cứ một buổi đi học, còn một buổi ở nhà phụ giúp công việc đồng áng cho gia đình cho đến khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khoảng thời gian này, tôi đã cảm nhận được sự vất vả của công việc nhà nông, không chỉ riêng gia đình tôi mà các hộ nông dân khác cũng vậy. Cứ mỗi buổi sáng vác cuốc ra đồng, làm đầu tắt mặt tối đến chiếu lại vác cuốc quay về. Vòng tuần hoàn ấy cứ kéo dài hết tháng này đến tháng nọ không có một kỳ nghỉ ngơi nào ngoại trừ ốm đau, vậy mà vẫn không dư dả cho các khoản chi tiêu trong cuộc sống.
Không chỉ cực khổ mà những người nông dân ấy còn phải chịu những độc hại do hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không chỉ gây hại đến bản thân người trồng mà còn đến môi trường, người mua và tiêu thụ cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Từ đó tôi đã nung nấu ý định phải làm điều gì đó để thay đổi nền nông nghiệp địa phương.
May mắn vào lúc ấy, tôi biết đến một trung tâm đào tạo nông nghiệp hữu cơ, tổ chức tại Buôn Ma Thuột, nhờ đó tôi có cơ duyên gặp gỡ và được một người đàn anh giới thiệu đi Nhật để học tập. Sau khi trở về nước, tôi luôn đặt câu hỏi cho chính bản thân mình “Tại sao người Nhật họ trồng được rau sạch, có nguồn tiêu thụ ổn định, mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế về nông nghiệp thì lại lạm dụng hóa chất?”. Tôi bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình, tạo nên những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất về mọi mặt.
Điều gì đã thôi thúc các anh thành lập Nico Nico Yasai tại Việt Nam?
Anh Shiokawa Minoru: Từ năm 2005 đến năm 2010, tôi có tham gia một dự án trường học nông nghiệp hữu cơ tại Buôn Ma Thuột. Thời gian ấy, tôi đi đi về về giữa Việt Nam và Nhật Bản để đảm bảo chương trình học tại đại học, vừa phụ trách việc dạy tiếng Nhật cho các bạn thực tập sinh người Việt trước khi qua Nhật trải nghiệm thực tế. Nhờ dịp đó, tôi có cơ duyên biết đến nông nghiệp hữu cơ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có gặp một số người, trong đó có Thiện, cùng nhiều bạn thực tập sinh khác. Sau nhiều lần trò chuyện, nhận ra mọi người đều có chung chí hướng với nhau nên dù chưa ai từng làm qua nông nghiệp hữu cơ, nhưng chúng tôi vẫn muốn thử sức, và từ đó Nico Nico Yasai ra đời.
Anh Nguyễn Phước Thiện: Từ khi bắt đầu nhận thức được vấn đề đối với nông nghiệp địa phương và trong suốt quá trình học tập, tôi đã luôn đau đáu trong lòng những câu hỏi: Vì sao người nông dân làm việc cần mẫn mà không có đủ miếng cơm manh áo? Vì sao Việt Nam là một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp đứng vị trí top đầu thế giới nhưng người nông dân vẫn phải lao đao, nghèo khổ mãi vậy?...
Từ đó tôi đúc kết được lý do:
- Chúng ta không tuân thủ theo quy luật tự nhiên.
- Lạm dụng các hóa chất độc hại trong quá trình canh tác như: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích, chất tăng trưởng… làm cho đất bị cạn kiệt, môi trường ngày càng suy thoái.
- Canh tác theo phong trào, manh mún, không có tổ chức.
- Canh tác chuyên canh, độc canh.
- Thị trường bấp bênh, giá thành rẻ, chất lượng sản phẩm thấp, không đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng…
Vì thế tôi đã quyết định đi tiếp trong ngành nông nghiệp này để có thể góp phần thay đổi được điều gì đó, mang đến sự cải tiến cho gia đình, xã hội. Đối với tôi, để phát triển được nền nông nghiệp theo hướng bền vững thì cần phải thay đổi về mặt tư duy, thay đổi về hình thức, cải cách hoàn toàn trong canh tác nông nghiệp. Vì thế tôi đã chọn con đường nông nghiệp hữu cơ.
Dù cùng một loại cây trồng nhưng ở hai quốc gia với khí hậu, thổ nhưỡng… khác biệt như Việt Nam và Nhật Bản, các anh có gặp khó khăn khi bắt đầu công việc của mình?
Anh Nguyễn Phước Thiện: Thật ra hai nền nông nghiệp của hai quốc gia đều khác nhau rất nhiều. Như Nhật là một quốc gia ôn đới còn Việt Nam thì sở hữu khí hậu nhiệt đới quanh năm ở miền Nam, nên nhiều quy trình tại Nhật không thể áp dụng ở xứ ta. Vì thế chúng tôi phải chắt lọc những gì phù hợp nhất, có thể kể đến công nghệ vi sinh, khi ở trong môi trường có nhiệt độ cao thì độ sinh nhiệt sẽ hoạt động rất tốt. Nên khó khăn nhất thường là ở giai đoạn đầu, khi đưa vào thử nghiệm những công nghệ, quy trình của Nhật Bản áp dụng tại Việt Nam. Nhưng thật ra là một người hiểu rõ nông nghiệp Việt thì chính bản thân tôi cùng các cộng sự cũng biết được những gì phù hợp và tốt nhất khi áp dụng. Hiện tại chúng tôi cũng đã có quy trình cơ bản trồng trọt để hướng dẫn bà con nông dân về mô hình sản phẩm hữu cơ này.
Anh Shiokawa Minoru: Thú thật thì tôi chưa học cách làm nông từ người Nhật bao giờ, mà chính những người nông dân Việt Nam đã dạy tôi. Lần đầu tiên làm nông theo kiểu Việt Nam, tôi không gặp nhiều khó khăn vì có mọi người tận tình hướng dẫn. Tuy nhiên, nhìn chung thì chắc chắn rằng khí hậu của Nhật và Việt khác nhau cho nên về cách làm nông cũng sẽ khác. Tôi thấy phân bón hữu cơ ở Việt Nam giá thành khá cao. Ở Nhật những thứ như phân bón, cám... gần như là miễn phí, ngược lại ở Việt Nam thì phải mua, do vậy vấn đề phát sinh thêm các chi phí là điều không thể tránh khỏi.
Thuốc dùng để tăng sức đề kháng cho cây đều được bào chế từ nguyên liệu tự nhiên: gừng, tỏi, ớt..."
Những loại cây trồng tại Nico Nico Yasai có gì khác biệt với những loại tương tự trên thị trường, thưa anh?
Anh Nguyễn Phước Thiện: Phương châm hoạt động của Nico là “Làm nông nghiệp để trân trọng thiên nhiên, bào chế nguồn dinh dưỡng tốt nhất và tạo ra sản phẩm tốt nhất mang giá trị đặc biệt”, chính vì thế chúng tôi cũng trân trọng tất cả những phế phẩm nông nghiệp, biến chúng thành nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng. Ví dụ như các loại thuốc dùng cho nông sản đều được bào chế từ dược liệu: gừng, tỏi, ớt… nhằm tăng sức đề kháng cho cây, giúp chúng có thể chống chọi được với thời tiết, thiên nhiên. Đó là những điều chúng tôi có thể làm trong khả năng của mình, nếu cây trồng gặp những trường hợp nặng hơn thì buộc phải bỏ chứ không cố gắng cứu chữa bằng hóa chất.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là dòng sản phẩm sinh trưởng, phát triển đủ theo thời gian quy chuẩn, loại nào, giống nào cũng sẽ có đặc tính sinh trưởng khác nhau. Chính vì thế, chúng tôi trồng theo đúng thời gian cần thiết để đảm bảo sự phát triển, không sử dụng chất hóa học khiến cây trồng bị biến đổi, giúp sản phẩm chuyển đổi được tất cả các chất dinh dưỡng. Nhờ đó rau củ hữu cơ của Nico Nico Yasai có vị và mùi khác hoàn toàn với những mặt hàng bên ngoài thị trường.
Ngoài phát triển nông trại của mình, Nico Nico Yasai còn tiếp cận với nông dân để hướng dẫn họ cách trồng rau hữu cơ. Vậy bằng cách nào các anh có thể thuyết phục những người dân đã quen với việc trồng rau truyền thống, an toàn để đổi sang phương pháp tốn nhiều thời gian và tiền bạc như trồng rau hữu cơ?
Anh Nguyễn Phước Thiện: Quả thật, ban đầu khá khó khăn cho Nico Nico Yasai khi thuyết phục những người nông dân đi theo quy trình trồng cây hữu cơ. Bước đầu chúng tôi cũng đi tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu thông qua các dẫn chứng khoa học, chính bản thân người nông dân cũng cảm nhận được sự độc hại của các loại hóa chất này cho bản thân họ và thế hệ sau. Khi họ đã nhận ra sự độc hại của chất hóa học thì chúng tôi tiếp tục kể về câu chuyện nông nghiệp hữu cơ.
Nhưng vấn đề quan trọng tiếp theo là tài chính, khi chuyển đổi sang một phương pháp khác thì cần rất nhiều tiềm lực về tiền và cả công sức. Nên chúng tôi cũng phải làm tư tưởng sẽ hỗ trợ quy trình canh tác đơn giản nhất để người nông dân có thể chuyển đổi dần từ phương thức hóa học sang phương thức hữu cơ. Chúng tôi cũng chủ động tìm kiếm những đối tác đồng ý thu mua sản phẩm hữu cơ do người nông dân trồng với giá gấp 2, 3 lần giá thị trường (so với những loại cây trồng theo phương pháp bình thường) để đảm bảo thu nhập cho họ.
Để thuyết phục người nông dân, chúng tôi phải xây dựng một quy trình canh tác đơn giản và hiệu quả để ai cũng có thể làm được."
Mưa dầm thấm lâu, khi mọi người cảm thấy có thể sống ổn định với phương thức canh tác này thì họ sẽ yên tâm làm việc và lan truyền điều ấy đến với nhiều người hơn. Nhưng quan trọng nhất là người nông dân cần phải thay đổi tư duy, muốn tốt cho khách hàng, cho môi trường và chính sức khỏe của mình thay vì chạy theo lợi nhuận, thì đến lúc đó nền nông nghiệp hữu cơ mới có thể phát triển. Bên cạnh đó, khi đi tư vấn cho các hộ nông dân cũng có sự tham gia của anh Shiokawa nên mọi người cũng yên tâm và tin tưởng hơn.
Được biết hiện nay Nico Nico Yasai đang cung cấp rau cho những nhà hàng lớn, những đơn vị rất khắt khe trong việc kiểm định chất lượng sản phẩm vì nó ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. Vậy khởi đầu, mọi người đã làm cách nào để nhận được cái gật đầu của những khách hàng khó tính này?
Anh Shiokawa Minoru: Ở Nhật luôn lấy tiêu chí “An toàn - An tâm" đặt lên hàng đầu. An toàn nằm trong sản xuất, còn an tâm là nhận được lòng tin từ khách hàng, người tiêu thụ. Cả tôi và Thiện đều hiểu chữ tín là rất quan trọng. Khi bán hàng trực tiếp, người tiêu dùng có thể thấy tận mắt nhờ đó mang đến cho họ những quyết định chính xác hơn.
Nhờ truyền miệng mà nhiều người từ thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đến tham quan nông trại của chúng tôi hơn, từ đó có thể quan sát trực tiếp nguồn nước, loại phân, cách trồng rau... tất cả mọi công đoạn đều được “phơi bày". Nhờ công khai thông tin như vậy mà chúng tôi có được lòng tin của người tiêu dùng, nếu như chỉ một lần nói dối thì cũng không thể nào giữ chân được khách hàng. Thêm vào đó, khi thành lập công ty, nhân tố con người cũng rất quan trọng. Tôi tập hợp những người thích nông nghiệp hữu cơ, muốn ăn những thực phẩm đảm bảo, tiêu thụ đồ organic, thích làm nông để từ đó xây dựng nên một văn hóa hữu cơ ngay trong doanh nghiệp của mình.
Nico Nico Yasai xây dựng văn hóa hữu cơ ngay trong chính doanh nghiệp của mình."
Đối với loại rau hữu cơ sạch như Nico Nico Yasai thì cách bảo quản có khác biệt so với rau củ bình thường để đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng hay không, thưa anh?
Anh Nguyễn Phước Thiện: Để rau tươi ngon thì chúng tôi phải đảm bảo từ khâu thu hoạch cần phải xử lý ngay để đưa đến khách hàng, không để tình trạng hàng tồn kho. Đặc biệt, khâu sơ chế sau khi thu hoạch cũng khá quan trọng, rau cần phải rửa qua hai bước. Bước đầu tiên là tại farm (nông trại), khi chuyển đến nhà xưởng để sơ chế lại thì sẽ dùng nước sát khuẩn làm từ trà tự nhiên nhằm loại bỏ khuẩn vi sinh còn tồn dư trong quá trình trồng trọt. Sau đó để ráo, đóng gói, bỏ vào thùng lạnh và vận chuyển đến các siêu thị để cung cấp cho khách hàng. Sao cho toàn bộ quy trình từ thu hoạch, xử lý, vận chuyển, cung ứng đến các siêu thị, khách hàng mua về bảo quản và sử dụng chỉ được gói gọn trong 7 ngày, đây là “thời điểm vàng” để các loại rau có thể giữ được giá trị dinh dưỡng cao nhất.
Trong mùa dịch này, có một nghịch lý xảy ra là tại thành phố đôi khi không có rau củ để cung cấp cho người dân, trong khi rau ở các nhà vườn lại không được ai thu mua do một số quy định giãn cách. Nico Nico Yasai có gặp phải tình huống như vậy hay không? Các anh đã làm cách nào để những cây rau chất lượng như vậy không bị bỏ phí?
Anh Nguyễn Phước Thiện: Đây là một vấn đề gây đau đầu không chỉ cho chúng tôi mà rất nhiều người trồng trọt khác. Tuy nhiên, đối với Nico Nico Yasai, dù việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn duy trì mức giá bán ổn định, không tăng giá, chấp nhận quay lại điểm huề vốn hoặc chịu lỗ để tất cả những người cần sử dụng rau có thể có cơ hội dùng. Chính vì thế may mắn là nông trại của chúng tôi không bị ứ đọng rau và tất cả rau củ thu hoạch đều được phân phối hết.
Xem thêm: Nhật ký nông trại của Nico Nico Yasai
Hai anh có thể chia sẻ thêm về dự án “Japan Natural Farming” đang được thực hiện ở tỉnh Sơn La?
Anh Nguyễn Phước Thiện: “Japan Natural Farming” là dự án chia sẻ quy trình, công thức và những vấn đề liên quan đến nông nghiệp hữu cơ để hỗ trợ bà con, với mong muốn tạo ra sân chơi cho những người yêu thích nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời có các lớp học để giúp mọi người tìm hiểu sâu về lĩnh vực này. Dự án cũng đang được bắt đầu thực hiện từ tháng 8 và đến giờ cũng có được một số hoạt động.
Người ta thường nói rằng “Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau” vậy đối với anh Shiokawa Minoru thì anh Thiện là một cộng sự như thế nào, và ngược lại.
Anh Shiokawa Minoru: Tôi quen biết với Thiện là do có dịp dạy tiếng Nhật cho Thiện. Sau đó thì cùng nhau mở công ty, dù chung chí hướng nhưng đôi khi cũng bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, chúng tôi luôn hiểu và thông cảm vì cả hai đều muốn mang những gì tốt nhất cho nông nghiệp Việt Nam. Thiện là người có chí phấn đấu vì giấc mơ đem lại rau hữu cơ cho người dân, nên dù gặp nhiều khó khăn nhưng cậu vẫn vượt qua được. Từ người làm nông cho tới trở thành giám đốc, Thiện vẫn chu toàn được mọi thứ. Dù hiện tại thì chúng tôi ở những nơi khác nhau để lo cho dự án nhưng những hoạt động đều có thể cùng nhau thực hiện dễ dàng vì chúng tôi đã hiểu cách làm việc của đối phương.
Anh Nguyễn Phước Thiện: Đối với tôi, anh Shio (tên gọi thân mật của anh Shiokawa Minoru) cũng như một người anh, người thầy. Đôi khi trong quá trình làm việc, sinh sống thì anh cũng có những chia sẻ giống như một người cha. Vì đã cùng làm việc, cùng nhau trải qua những khó khăn nên chúng tôi cũng học cách cảm thông, chia sẻ công việc lẫn nhau để cùng vì mục tiêu chung là giúp Nico Nico Yasai phát triển, lan tỏa nông nghiệp xanh đến với nhiều người hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh Shiokawa Minoru và anh Nguyễn Phước Thiện. Chúc cho Nico Nico Yasai sẽ phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai!
kilala.vn
Theo dõi Nico Nico Yasai tại:
Xem địa chỉ phân phối rau hữu cơ Nico Nico Yasai tại đây.