Giết chỉ huy đội kỵ sĩ - Hành trình ẩn dụ vẫn chưa kết thúc?
Sách Nhật Bản
Bài: Mayy
Ảnh bìa: sachkhaiminh.com
Bắt đầu với thanh âm cổ điển phát ra từ những chiếc đĩa than opera, hòa lẫn đó là tiếng nét cọ di chuyển trên vải. Đôi mắt nhân vật chính rơi tõm xuống căn hầm đá núp sau lùm cây, còn các ý tưởng thì gần như luôn hiện hữu và ẩn dụ mãi dịch chuyển từ thế giới này sang nơi chốn khác. Liệu trong thế giới ấy, siêu thực hay thực tại mới là thứ ngự trị? Ý tưởng khởi nguồn từ đâu? Phải chăng kẻ được xem là "chỉ huy đội kỵ sĩ" chính là suy tư của "tôi"? Hay tất cả mọi thứ từ "ý tưởng" đến "ẩn dụ" vẫn luôn ngủ quên trong "tôi"? Tác phẩm dẫn dụ độc giả đến với cuộc khám phá chính mình mà nếu nhắm mắt và đi sâu vào những góc khuất của bản thân, bạn sẽ thấy một thế giới khác. Nó giống như việc khám phá một vũ trụ bên trong con người bạn. Điều này có thể nguy hiểm, đáng sợ nhưng quan trọng là cần phải biết đường quay lại vì bạn rất dễ bị lạc trong mê cung siêu thực được bày ra bởi Murakami.
Vẫn chọn motif khá quen, nhưng lần này Murakami đặt hội họa ở vị trí trung tâm để dẫn dắt toàn bộ không gian đa chiều mà ông vẽ ra. Nhân vật chính là một họa sĩ chân dung ba mươi sáu tuổi không mấy thành công trong sự nghiệp lại còn bất ngờ bị hất tung khỏi cuộc hôn nhân. "Tôi" tuyệt vọng vứt bỏ mọi thứ để đi dọc Nhật Bản bằng ô tô như cho bản thân thời gian ngẫm nghĩ lại chuyện đã qua, dù chẳng có lối thoát nào. Anh trở về sau đó vài tháng và quyết định cắt đứt liên hệ với thế giới, dọn đến sống một ngôi nhà trên núi cùng dự định chỉ vẽ những thứ mình thích. Ở đây, "tôi"vô tình tìm thấy bức tranh chưa từng được công bố của Amada Tomohiko (một hoạ sĩ tranh truyền thống Nhật nổi tiếng và là chủ của căn nhà) giấu trên gác mái nhờ sự chỉ đường gián tiếp từ con cú đại bàng. Bức tranh sau này trở thành la bàn giúp anh tìm thấy nguồn cảm hứng mới, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến các sáng tác và cuộc sống của anh.
Chẳng mấy chốc, nhân vật "tôi" đã không thể giữ được trạng thái tĩnh mình muốn và bị cuốn vào dòng xoáy những câu hỏi: về nguyên do ông Amada che giấu kiệt tác này trên gác xép, về suy tính trong đầu vị khách đặc biệt kiêm hàng xóm bí ẩn Menshiki và về chuỗi sự kiện kỳ lạ xuất hiện sau đó. Những điều bỏ ngỏ trở thành chuỗi nghi ngờ, đúng lúc đó "tôi" bắt đầu nghe thấy tiếng chuông lạ hằng đêm rung lên như thể đang thôi thúc anh phải làm gì đó. Nhờ phát hiện bất ngờ về căn hầm mà sự sáng tạo, những ý tưởng trong "tôi" lâu nay ngủ quên đã được đánh thức. Chúng cùng lúc bật dậy sau cơn mê dài kéo theo cả niềm đam mê và nhiệt huyết với hội họa tưởng đã đánh mất từ lâu của "tôi". Chiếc chuông cổ và căn hầm bí ẩn là đầu dây mối nhợ dẫn lối đến các thế giới song song. "Tôi" lại bắt đầu vẽ những bức chân dung đặc biệt và cả căn hầm đó, nhưng dường như thứ anh đang họa ra bấy giờ không còn đơn thuần là khuôn mặt hay khung cảnh mà nó còn chứa đựng cả ẩn khuất nơi tâm hồn của đối phương và nỗi ám ảnh trong chính tâm hồn anh.
"Tôi" đã gặp "ý tưởng" dưới hình hài của chỉ huy đội kỵ sĩ – một người lùn hiền lành, bí ẩn nhưng cũng là người luôn đưa ra những gợi ý tốt trong suốt cuộc du hành vào thế giới ẩn dụ siêu thực. Khoảnh khắc đó, một vòng tròn liên giới đã được mở, những câu chuyện kỳ lạ cũng liên tiếp xảy ra, bí mật dần được bật mí và hồi ức trở lại vẹn nguyên đến thắt lòng. "Tôi" mất khá nhiều thời gian để đưa ra những lời giải và hoạ lại khung cảnh Giết chỉ huy đội kỵ sĩ ở hiện thực và bước vào cuộc hành trình được "ai đó" sắp đặt từ trước. Ý tưởng chỉ mới xuất hiện hay nó vẫn luôn ở trong tâm thức của "tôi"? Anh đã gặp điều gì khi bước chân vào thế giới của những ẩn dụ? Cuộc hành trình tìm lại chính mình của "tôi" cuối cùng có dừng lại ở đích đến như mong muốn? Tất cả đều phải chờ bạn từ từ lật mở và tự mình phác thảo trong đầu, sợi dây kết nối luôn mỏng vì vậy hãy cẩn thận trước những hỏa mù mà tác giả đã cài cắm. Hành trình đã kết thúc nhưng chúng ta đều biết, nó không thực sự kết thúc.
Tôi luôn thích Murakami, vì ông bao giờ cũng biết cách thuyết phục người đọc đi theo con đường mà mình đã vẽ nên bằng chính giọng kể, các mẩu đối thoại thú vị bên cạnh vô vàn hình ảnh mang tính biểu trưng khác. Nếu đã đọc nhiều tác phẩm trước đó của ông, bạn chẳng khó khăn để xâu chuỗi các “Haruki Murakami Bingo” trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ: về âm nhạc cổ điển, các phân cảnh miêu tả tình dục đầy nhục cảm hay sự liên đới với những nhân vật trước đó (ví như Menshiki cũng "không màu" hệt Tazaki Tsukuru) và cả niềm ngưỡng vọng dành cho Gatsby. Trong lần đặt hội họa, đặc biệt là vẽ chân dung ấn vào cuộc đời của nhân vật, ông dường như lại có thêm điểm tựa để đào sâu những ý tưởng và thuận lợi gán cho nó ẩn dụ kép – cuộc sống luôn tồn tại hai mặt, giữa nỗi đau và sự sợ hãi bao giờ cũng tồn tại lối thoát tốt đẹp hơn.
Như những bức chân dung bị bỏ dở và kiệt tác Giết chỉ huy đội kỵ sĩ bị thiêu rụi trong một cuộc hỏa hoạn, Murakami để lại cảm giác “vẫn còn thiếu một thứ gì đó, một thứ gì đó nữa”. “Con người, dù ở hoàn cảnh sung sướng đến mấy cũng vẫn có chuyện phải bận tâm” và chúng ta chẳng có cách nào khác ngoài đối diện với nó.
kilala.vn
Thông tin tác phẩm
Dịch giả: Mộc Miên
Số tập: 2 (Tập 1: Ý tưởng xuất hiện, Tập 2: Ẩn dụ dịch chuyển)
Đơn vị phát hành: Nhã Nam