"Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ": không chỉ đơn thuần là tự truyện
Sách Nhật Bản
Bài: Mayy review
Nếu là fan của Haruki Murakami thì chắc "Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ" sẽ hiển nhiên chễm chệ xuất hiện trên kệ sách của bạn, bởi thế nào thì nó dường như vẫn cần cho "bộ sưu tập" sách thuộc tác giả yêu thích. Nhưng khi không phải fan thì liệu quyển sách này có trở thành lựa chọn của bạn khi ngoài kia quá nhiều tựa sách được đặt với cái tên nghe hấp dẫn và còn trình bày bắt mắt hơn?
Một cuốn tự truyện của tiểu thuyết gia về chạy bộ sẽ có điểm gì đặc biệt? Murakami đã hóa phép thế nào vào văn chương của mình từ những bước chạy, để tác phẩm trở nên thu hút và khiến nhiều tác giả, người viết không ngớt lời khen ngợi quyển sách này trên các diễn đàn? Họ đã học được gì ở cương vị của một người viết? Thành thật thì, quyển sách này không có gì to tát cả, cũng chẳng thể tìm thấy bất cứ sự nhiệm màu hay vô thực nào, duy chỉ một Murakami luôn tiến về phía trước trên đường đua marathon, bằng rất nhiều nỗ lực.
Cuộc sống của Murakami là những ngày thật dễ chịu, “khi trời lạnh, tôi ngồi vào bàn, viết đủ thứ… Tôi chạy chừng một giờ mỗi ngày, sáu ngày một tuần. Tôi chạy trong tiếng nhạc Lovin’ Spoonful phát ra từ chiếc Walkman cũ bên đường bờ biển Hawaii”, nhưng chính những điều bình dị mộc mạc ấy đã góp phần không nhỏ giúp ông trở nên quyến rũ hơn trong văn chương chăng? Tôi không biết, chỉ là lúc đọc cứ có cảm giác mình bị thôi miên bởi những trải nghiệm đầy thú vị mà Murakami kể, như thể bản thân đã sẵn sàng cho cuộc chạy đường dài dẫu cho dưới cái rét căm căm của mùa đông hay nắng nóng tựa đổ lửa giữa hè. Chạy một cách bền bỉ và nghiêm túc.
Ba mươi tuổi, Murakami bắt đầu chạy bộ, “ở cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fitzgerald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi ấy có thể là một kiểu giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia”. Chỉ với điểm xuất phát của mình, ông cũng đã phần nào đánh một đòn tâm lý ngọt ngào vào những người trẻ đầy âu lo, nhiều hoài bão nhưng hay loay hoay không biết làm gì, họ quên rằng cách duy nhất để lên được đỉnh của vinh quang chính là bắt đầu. Bởi mọi thứ đều là một quá trình rất dài và luôn không dễ chịu, vậy có cách nào khác ngoài bắt tay thực hiện những điều hay ho hoặc điên rồ để đạt được mục đích của mình đâu?
Tôi thích cách ông thành thật với độc giả của mình, rằng thứ ông đạt được nhiều nhất khi chạy trên đường là những khoảnh khắc tĩnh tại và đơn độc, dù rằng ông đến với chạy bộ cùng mong muốn giảm cân, bỏ thuốc lá, tăng cường sức bền. Có lẽ chính vì vậy mà trong văn chương của Haruki Murakami, ta luôn nhìn thấy sự đơn độc được khắc họa rất rõ nét, “ở đó mỗi người đều là một cá thể độc lập, có ý thức riêng biệt, và có thể thấu suốt được tận cùng tâm hồn của mình”. Sau mỗi lần thả lỏng để bản thân với cái đầu trống không trên đường chạy, ông dường như cũng đã chậm lại để nhìn vào tận sâu bên trong, hiểu ra sự quan trọng của việc có mục đích sống. Đừng mong ngày mai thức dậy ta sẽ làm được gì đó thật lớn lao, chỉ cần thấy mình còn sống trong đời, mãnh liệt và trọn vẹn là đủ. Như cách ông kiên trì vượt qua những giới hạn của bạn thân, nâng dần thử thách lên và hoàn thành các đường chạy, đặc biệt trong lần ông vượt qua 26.2 dặm tại Athens giữa mùa hè rồi bị cho là điên rồ vậy.
Không ai ngay từ khi bắt đầu đã có thể làm tốt và không phải mục đích sống nào cũng được người khác xem trọng hay tung hô, nhưng hãy nhìn cách Murakami kiên trì suốt hai mươi năm ròng rã trên rất nhiều đường đua, bạn chắc chắn sẽ biết mình nên làm gì. “Không phải là người về nhất trong văn chương. Tôi tiếp tục viết những thứ tôi muốn viết, đúng như cách tôi muốn viết, và nếu điều đó cho phép tôi sống bình thường thì tôi không thể đòi hỏi gì hơn”. Là một người bình thường cũng chẳng phải điều gì đáng buồn, bởi chính bạn là người quyết định mình sẽ thế nào, cả vui - buồn - sướng - khổ đều không có ngoại lệ.
Haruki Murakami không nhắc nhiều đến sự nghiệp văn chương khổng lồ của mình, cũng chẳng ghen tị với ai khi mình xuất phát chậm trễ hơn so với những cái tên gạo cội trong văn đàn, thứ duy nhất khiến ông quan tâm là làm sao để bản thân và tác phẩm luôn đổi mới. Trong cuộc chạy đua văn chương, Murakami dường như chỉ nhìn thấy một đối thủ duy nhất và xuyên suốt là bản thân ông - người đang ngày càng luống tuổi và rất dễ bị tuột lại phía sau. Nhìn thấy một người đàn ông tứ tuần cố gắng hoàn thành bài phát biểu của mình bằng tiếng Anh, dù cho ông hoàn toàn có thể dùng tiếng Nhật và nhờ phiên dịch, nhưng hơn ai hết ông muốn thứ mình truyền tải đến mọi người phải trọn vẹn, nên dù bận bịu cỡ nào ông vẫn cố luyện tập cách dẫn dắt vấn đề mượt mà nhất. Bạn sẽ thấy thật ra không có thời điểm bắt đầu nào là muộn cả, bạn chỉ cần tin bản thân làm được và nỗ lực cho mọi việc mình đang làm thôi, trái ngọt rồi sẽ thuộc về chính bạn. Không phải ngợi ca, nhưng khi chứng kiến những điều đơn thuần mà Murakami làm và suy nghĩ, tôi thực sự dành rất nhiều sự kính phục cho những thành tựu trong đời ông, hệt như đây là sứ mệnh Thượng đế ban cho ông, chứ không phải ai khác.
Khép quyển sách này lại, dù có bị quyến rũ bởi những trang văn giàu chất tự sự của Haruki Murakami thì bạn cũng không cần ngày ngày thức sớm chạy bộ hay tự ép mình mỗi sáng đều ngồi vào bàn viết để tạo ra một câu chuyện hay ho nào đó cho đời. Mà có lẽ trên “đường đua marathon của một đời người” bạn đã thu nhặt được rất nhiều điều nhỏ bé nhưng đáng quý và biết đâu, đây là lúc bạn vươn mình trở thành một chiến binh thực thụ với lòng dũng cảm không ai sánh bằng, kiên trì theo đuổi định mệnh. Miễn bạn không trở thành kẻ bộ hành sớm đầu hàng thì dù chẳng đi nhanh, chạy vội bạn rồi cũng đến được đích.
“Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách của riêng mình, mãn nguyện.”
kilala.vn