Đọc sách: Nỗi lòng
Sách Nhật Bản
Đọc sách
Nỗi lòng
Có lẽ Nhật Bản là đất nước duy nhất coi cái chết như là một cái đẹp, đầy trang trọng đầy bi hùng. Kết thúc cuộc sống cũng như một cánh hoa đào lìa cành về ngủ yên dưới cội, hay ánh nắng chiều rực rỡ loé lên trong phút chốc rồi chìm vào thinh lặng của đêm. Vì lẽ đó, người Nhật không chờ số phận kết liễu mình mà muốn tự chọn lựa cái chết, vào thời điểm họ cho rằng đã thích hợp để ra đi, khi không còn lý do gì để tiếp tục cuộc sống. Cái chết là thứ duy nhất có ý nghĩa của cuộc đời này, như Camus đã nói.
Nhân vật chính của Nỗi Lòng không phải là cậu sinh viên hay Tiên sinh, mà là Cái Chết. Toàn bộ cậu chuyện là để lý giải cho việc chọn lựa cái chết của Tiên sinh, hay K., bạn Tiên sinh. Họ chọn cái chết sau khi đã chống chọi một cách vô vọng với những bất toàn của cuộc đời, sự bế tắc trong cuộc xung đột giữa bản năng và lý trí trong nỗi day dứt ân hận khôn nguôi khuấy đảo sự bình yên của tâm hồn. Cái chết là cách thức duy nhất để giải quyết tất cả.
Natsume Soseki kể chuyện theo cách chậm rãi, thưởng ngoạn. Câu chuyện người này dừng rồi đến câu chuyện người kia tiếp tục, lớp này lớp khác, đan cài vào nhau. Quá khứ, tương lai hé dần bình thản. Nhưng trên nền của những bối cảnh và những thân phận người mắc míu vào nhau hiện lên nỗi cô đơn. Cô đơn là hạt mầm của cái chết. Mà cuộc đời là một mảnh đất màu mỡ để gieo trồng. Và con người tưới tắm nỗi cô đơn bằng những sự khác biệt, những va chạm rồi đổ vỡ, bằng bản chất vị kỷ và yếu đuối của mình. Tiên sinh cô đơn trong một hoàn cảnh kỳ lạ, vợ đẹp và yêu chồng, có bạn bè để tâm sự là cậu sinh viên, có hoàn cảnh sống tươm tất. Chỉ một người không chịu quay mặt lại với ông, là chính ông, là sự tốt đẹp trong ông không tha thứ được cho sự hèn nhát trong bản chất. Cô đơn không phải là mất tất cả, mà là mất thứ quan trọng nhất trong đời.
Cái chết của Tiên sinh không được miêu tả trực tiếp, nó chỉ gián tiếp qua bức thư để lại cho cậu sinh viên, gói ghém tất cả cuộc đời trong ấy và kết thúc với một lời từ biệt nhẹ nhàng. Như một chiếc lá đâu đó mà ta biết đã rơi xuống, thanh thản, như một đêm đã tới, như một ngày đã lên, như chính nước Nhật đã từ giã những giá trị cũ của mình một cách lặng lẽ vào ngày Nhật Hoàng Minh Trị băng hà. Dư âm còn lại là những đợt sóng ngầm mênh mang buồn len lỏi vào tâm hồn những người vẫn sống, những kỷ niệm, những hồi ức, những nhớ thương. Và rồi xao động lặng dần, lặng dần, tắt hẳn.
Soseki là nhà văn viết nhiều về vẻ đẹp của cuộc sống, bằng tâm hồn duy mỹ và một ánh mắt nghệ sĩ. Đối với Cái chết, ông cũng dành cho nó tất cả sự ngưỡng mộ của mình bằng một khoảng trống mênh mông trong bức tranh cuộc đời, một khoảng trống lặng lẽ không màu cuối bức tranh nhiều gam màu đối lập và chính nó lại là điểm duy nhất để níu kéo ánh nhìn. Nỗi lòng là bức tranh tuyệt vời về cái chết và tinh thần Nhật Bản, minh triết và đầy tinh tế.
HOÀNG LIÊN/kilala.vn
KAFKA BOOKSTORE
Địa chỉ: 54/2 Nguyễn Cư Trinh, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TPHCM (8:00 AM - 10.00 PM)
Website: kafka.vn
Fanpage: facebook.com/kafkabookstore