Tip: Không có hợp đồng lao động, vẫn xin được Visa Nhật
Review Nhật Bản
Bài và ảnh: Thiết Nguyễn
Dân freelancer (làm tự do) thường không có hợp đồng lao động và giấy xin nghỉ phép nên việc xin visa Nhật là một nỗi “ám ảnh”. Dưới đây là những chia sẻ của Travel Blogger Thiết Nguyễn về các lưu ý khi xin visa và du lịch Nhật Bản.
Travel Blogger Thiết Nguyễn tại Nhật Bản.
Chứng minh tài chính
Đến những nước phát triển như Nhật Bản thì tài khoản tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng trở lên và cần được gửi trước đó 3 tháng hoặc hơn (có nhiều người làm sổ tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng vẫn được, nhưng vì hồ sơ của Thiết không mạnh nên phải làm phần tài chính mạnh hơn).Bạn đến ngân hàng yêu cầu họ làm giúp mình xác minh số dư sổ tiết kiệm để làm visa đi Nhật Bản, kèm sao kê tài khoản giao dịch trong 3 tháng gần nhất (để chứng minh thu nhập và thu chi). Các giấy tờ này đều cần có dấu đỏ của ngân hàng.
Chứng minh công việc và thu nhập cá nhân
Vì là dân freelancer thường làm các dự án ngắn hạn, bạn hãy tập hợp tất cả loại hợp đồng công việc, hợp tác, tài trợ… có thể hiện số tiền càng nhiều càng tốt. Tất cả các giấy tờ này nên đem photocopy, sắp xếp thành xấp gọn gàng và cho vào hồ sơ xin visa.Nêu rõ mục đích chuyến đi, có lịch trình cụ thể
Bạn chuẩn bị một bản lịch trình cụ thể cho chuyến đi của mình gồm các mục: Thứ tự, điểm đến, thời gian và mục đích. Bạn cũng có thể tìm mẫu lịch trình du lịch để điền trên website của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM.Khi nộp hồ sơ xin visa bạn có thể được hỏi các câu như: "Bạn đi đâu tại Nhật Bản?", "Bạn làm gì ở đó?", "Bạn đi trong bao nhiêu ngày?", "Bạn ở khách sạn nào, địa chỉ ở đâu?", "Cách di chuyển từ khách sạn đến điểm A, B, C trong lịch trình như thế nào?"...
Vé máy bay khứ hồi đi Nhật Bản bạn có thể lên các website bán vé để đặt trước, chọn thanh toán sau để có thể in phần xác nhận đặt vé ra kẹp vào hồ sơ xin visa. Bạn có thể làm tương tự với phần đặt phòng khách sạn. Ngoài ra, bạn kèm một số thứ khác để chứng minh được mục đích chuyến đi của mình tuỳ theo mỗi người: sách, ứng dụng, bản nghiên cứu….
Chuẩn bị hồ sơ cá nhân và thư
Đây là phần đặc biệt quan trọng đối với freelancer. Hồ sơ cá nhân cần thể hiện đầy đủ thông tin cá nhân, các dự án đã làm, hình ảnh đại diện, link dẫn thể hiện các dự án đó trên các website, Facebook, Youtube…Về bức thư bạn cần viết rõ mình là ai, làm gì ở Việt Nam, rất mong muốn được đến Nhật để du lịch. Nếu đi nhóm nên nộp chung để tiết kiệm thời gian chờ.
Bạn cần điền vào mẫu đơn xin visa có sẵn trên website của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản
Lưu ý: Bạn hãy tới thật sớm để xếp hàng nộp hồ sơ visa. Thời gian xin visa từ 8h30 đến 11h30 từ thứ 2 đến thứ 6. Khi nhận kết quả xin visa bạn nhớ mang sẵn 610.000 đồng để đóng phí đậu visa.
Một số lưu ý khi du lịch Nhật Bản
Ăn uống: Hầu hết quán ăn sẽ không có phục vụ để gọi món - thanh toán tiền mà bạn sẽ chủ động chọn thức ăn và thanh toán ở máy oder ở cửa ra vào. Thức ăn đường phố thì vô cùng đa dạng, rất ngon, vệ sinh an toàn đảm bảo nên đừng ngại thưởng thức.Nơi ở: Tuỳ vào điều hiện mỗi chuyến đi ta có thể chọn phòng với giá phù hợp. Nên book phòng trước trên các ứng dụng như Booking.com, Agoda hoặc xem trên Google Maps để xem gợi ý các ứng dụng local với giá tốt.
Di chuyển: Nội thành (di chuyển gần) thì phương tiện tối ưu nhất là tàu điện Subway > Mua thẻ rồi nạp tiền vào để chủ động di chuyển hoặc mua thẻ 24-48-72h trên các trang dịch vụ.
Nếu di chuyển xa, từ thành phố này đến thành phố khác thì nên chọn JR Pass. Đối với du khách nước ngoài sẽ có bán gói riêng, chọn mua 1 hoặc nhiều ngày tuỳ vào nhu cầu, mỗi lần qua cổng chỉ cần đưa thẻ ra là được, không giới hạn lượt đi.
Đổi tiền: Có thể đổi ở sân bay hoặc lên Google Map search ngay Exchange Money Machine để được trải nghiệm dịch vụ đổi tiền tự động có giá khá tốt.
Giao tiếp: Hầu hết các bạn trẻ Nhật ở phố đều biết tiếng anh ở mức độ cơ bản nên cứ an tâm, tuy nhiên vẫn thủ sẵn cho mình từ điển offline hoặc online.
Wifi: Nên thuê luôn ở sân bay hoặc mua sim 4G, không giới hạn dung lượng nên tha hồ online.