Ăn thịt ngựa sống, khám phá dấu tích Samurai
Review Nhật Bản
Bài: Đông Vy/ Ảnh: Đông Vy, PIXTA
Trải nghiệm ăn thịt ngựa sống Basashi và ngắm phố xá qua xe điện
Trên đường đến trung tâm thành phố, chúng tôi ghé qua một nông trại để hái dâu tây. Con đường nhỏ men theo rừng trúc, cạnh suối nước trong chảy róc rách giữa những viên đá nhẵn dẫn chúng tôi đến vườn dâu tây nằm trên một sườn núi dốc, cạnh rẫy quýt đã qua mùa, và bên kia là vườn đào chưa trổ. Cảnh vật ở đây tĩnh lặng và hữu tình như chốn ẩn thân của các thiền sư. Anh chủ vườn có đôi mắt to mơ màng trông như một nhân vật truyện tranh mời chúng tôi nếm thử giống dâu tây đặc sản Kumamoto thơm lừng, ngọt dịu. Đó là lời chào đầu tiên của vùng đất này, Kumamoto - trái tim của đảo Kyushu.
Buổi tối ở Kumamoto khá êm đềm, kể cả khi chúng tôi đi giữa con đường mua sắm sầm uất nhất ở đây. Chúng tôi ghé vào một quán ăn nhỏ và ấm áp, kiểu quán ăn điển hình ở khu phố mua sắm để thưởng thức món ăn gây kinh ngạc: thịt ngựa sống, hay là Basashi. Không ít du khách Việt Nam tỏ vẻ sửng sốt khi nghe đến món ăn này. Tuy nhiên, với những người từng có cơ hội nếm thử, đây là món ăn độc đáo không thể không thưởng thức ít nhất một lần khi đến Kumamoto. Nếu bạn ăn chay, Kumamoto sẽ mời bạn một món khác cũng độc đáo không kém, Karashi renkon, củ sen nhồi mù tạt.
Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi tranh thủ khám phá thành phố bằng xe điện, một đặc sản khác của Kumamoto. Những chiếc xe điện mang lại cảm giác hoài cổ vô cùng thích hợp với một thành phố nhỏ êm đềm, tiếp nối cảm giác mà chúng tôi đã có ở Huis Ten Bosch (Nagasaki) ngày hôm trước. Khác với tàu điện ngầm hiện đại hay xe lửa trên cao, những chiếc xe điện đường phố ở Kumamoto mang đến cảm giác thật ấm cúng và gần gũi. Ngồi trên khoang xe nhỏ giữa những người dân địa phương, ngắm phố xá lướt qua ngoài cửa kính xe, tôi chợt thấy như mình đã chạm được vào tâm hồn thành phố này.
Dấu tích của "Samurai chân chính cuối cùng"
Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm vườn Suizenji Jojuen, địa điểm tuyệt vời cho chuyến đi dạo vào buổi sớm mai. Hồ nước trong veo, những cành mơ đang đang trổ hoa hồng rực, những cây tùng được cắt tỉa gọn gàng, chiếc cầu đá mộc mạc và ngọn núi nhỏ được tạo hình như dáng núi Fuji, khiến du khách mất hàng giờ chỉ để thơ thẩn trong khu vườn tuyệt đẹp này.
Bên cạnh khu vực tẩy trần trước đền Izumi là một giếng nước cổ, với chiếc bảng giới thiệu rằng đây là giếng trường thọ.
Vườn Suizenji Jojuen được lãnh chúa Hosokawa xây dựng từ năm 1636, cùng với đền Izumi là nơi thờ các thành viên trong gia tộc. Suizenji là một trong 6 khu vườn đẹp nhất Nhật Bản.
Một trong những lý do khiến tôi chờ đợi chuyến thăm Kumamoto là cơ hội chạm vào dấu tích của những nhân vật mà tôi mến mộ, đặc biệt là Saigo Takamori, người được vinh danh như “Samurai chân chính cuối cùng”, từng đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ chế độ Mạc phủ và trao trả quyền lực cho Thiên hoàng Minh Trị, nhưng cuối đời lại lãnh đạo giới võ sĩ Satsuma chống lại Thiên hoàng trong cuộc chiến Tây Nam. Phong cảnh yên bình trong thoáng chốc đã khiến tôi quên mất những trận chiến bi hùng đã diễn ra trên mảnh đất này trong quá khứ, cho đến khi xe chúng tôi dừng lại trước lâu đài Kumamoto.
Khi chúng tôi đến, những hàng anh đào quanh lâu đài Kumamoto vẫn còn trơ trụi lá. Bên kia con hào, khu vực thành cổ vẫn bị niêm phong do nhiều nơi đã bị sụp đổ và hư hỏng do trận động đất hồi tháng 4/2016, chỉ có thể đi dạo trên con đường xung quanh lâu đài, ngắm những tòa thành ngói đen uy nghi in bóng trên nền trời.
Hoạt động phục dựng vẫn diễn ra hối hả trong yên lặng. Từng viên đá được kiểm tra, đánh dấu để phục vụ cho việc khôi phục kiến trúc lâu đài. Dự kiến sẽ mất đến 20 năm mới có thể hoàn tất, người dân và chính quyền Kumamoto vẫn đang nỗ lực từng ngày để phục dựng niềm tự hào của họ.
Cuộc sống thường nhật diễn ra cạnh miệng núi lửa
Rời Kumamoto, chúng tôi lên đường đến Daikanbo, đỉnh núi nằm ở phía Bắc vành đai ngoài của núi lửa Aso. Với độ cao 936m, đây là điểm lý tưởng để quan sát toàn cảnh 9 dãy núi Kujurenzan và cả 5 đỉnh núi Asogogaku.
Xa xa trong thung lũng là những ngôi làng thấp thoáng dưới lớp sương mờ, vài đồi cỏ bông bạc vàng khô trải dài ngút mắt, thỉnh thoảng xen lẫn mấy cụm rừng bách hương Nhật Bản với chóp lá ngả màu nâu đỏ. Đây đó có vài chú bò vàng thơ thẩn trên những vùng đồi cỏ khô. Sương chiều đang lan dần từ những vạt rừng nâu sẫm xuống.
Tôi chợt nhớ cuộc đối thoại của hai chàng trai trẻ Rei và Roku trong tác phẩm “Ngày 210” của Natsume Soseki. Cuộc sống thường nhật vẫn diễn ra ngay cạnh miệng núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào. Ước gì tôi có thể ở lại Kumamoto lâu hơn, để xuống tận thung lũng Aso, ngủ lại một đêm trên vùng miệng núi lửa này, ngâm mình trong dòng suối khoáng nóng bắt nguồn từ mạch nước ngầm chảy xuống từ những đỉnh núi kia, lắng nghe nhịp thở phập phồng của những dòng nham thạch âm ỉ dưới lòng đất. Vùng đất lạ lùng này, chính nhờ nhịp thở phập phồng đó, mà càng trở nên đẹp đẽ biết bao nhiêu.
Núi lửa Aso là quần thể núi lửa lớn nhất Nhật Bản, và cũng là một trong những núi lửa lớn nhất thế giới. Một vụ phun trào diễn ra cách đây ít nhất khoảng 90.000 năm đã tạo nên một miệng núi lửa vĩ đại, dài tới 25km theo hướng Bắc Nam và rộng 18km theo hướng Đông Tây, chu vi trên dưới 100km
Đông Vy/ kilala.vn