[Review] Giải mã giấc mơ: Tiếc cho một bộ phim "chưa tới"
Phim Nhật Bản
•
Jun 28, 2018
Bài: Đỗ Nguyên/ Ảnh: CGV Cinemas Vietnam
Hai bộ phim Nhật “đổ bộ” đến rạp Việt Nam cùng lúc vào tháng Sáu này là “Giải mã giấc mơ” và “Tiến lên, JETS”. Nếu “Tiến lên, JETS” là mùa hè rực rỡ của hoạt động đội nhóm, cháy bỏng khát khao tuổi học trò, thì “Giải mã giấc mơ” lại kéo tuột chúng ta vào cuộc phiêu lưu mơ hồ giữa hai bờ mộng thực.
(Ảnh : CGV Cinemas Vietnam)
Truyện kể rằng: Ở vương quốc máy móc trong cổ tích mang tên là Heartland, nàng công chúa Ancien có sức mạnh ma thuật tuyệt vời có thể mang lại trái tim cho những thứ máy móc vô tri.
Truyện cũng kể rằng: Năm 2020, tại Nhật Bản hiện đại, cô bé Kokone có một cuộc sống bình thường tại một làng quê bình thường. Nếu có thứ gì bất thường, chúng chỉ là những giấc mơ của cô.
Ý tưởng hay nhưng kịch bản "chưa tới"
“Giải mã giấc mơ” có một khởi đầu vững nhưng lại bị đuối dần về nửa cuối, tưởng chừng như mọi thứ sắp sửa bị đẩy lên đến đỉnh điểm thì sụp hố, hẫng một phát và kết thúc. Cách xử lý cái kết an toàn quá, khiến cho tôi chỉ biết thốt lên tiếc nuối: “Mộng du quả thật là một căn bệnh nguy hiểm.”
Bên cạnh đó, truyện đưa ra một số tuyến nhân vật thứ chính và phụ như cậu bạn Mario, những người bạn thân ở Okayama của bố Akane hay mấy chú kỹ sư chế tạo máy của tập đoàn Shijima nhưng chưa khai thác hết tiềm năng của những nhân vật này. Ngay cả nhân vật phản diện của phim cũng không “‘chín" độ phản diện.
Ngoài ra, các phân đoạn gây hài của câu truyện chưa tới, không đủ để gây cười cho khán giả. Ngay cả tính chất lồng quảng cáo về Olympic 2020 diễn ra tại Nhật cũng không quá xuất sắc mà còn thấy đôi phần gượng ép.
Chính vì “Giải mã giấc mơ” được xây dựng như một bữa tiệc buffet dành cho nhiều lứa tuổi trong vỏn vẹn chưa đến hai giờ, thành thử tôi... không kịp tìm ra được hương vị nào bật lên thành xuất sắc.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh phim dành cho thiếu nhi, bộ phim khá phù hợp với mùa hè và "có thể xem xét" xem phim dựa trên những yếu tố sau:
1. Cách dẫn chuyện phá cách
Bộ phim không có một cốt truyện mới lạ, ngược lại cốt truyện của nó rất đơn giản và thậm chí còn có phần khô khan. Gợi ý cho bí ẩn và “‘trùm phản diện” đã lộ ra ngay từ 15 phút đầu phim. Điểm hay ho của bộ phim lại nằm ở cách ‘”dẫn truyện” song song giữa hai thế giới, hai câu truyện kể khác nhau. Khán giả cần xem với sự tập trung cao độ để "đọc” ra những tình tiết, khớp nối các vụ việc, nhất là khi càng về sau sự hòa trộn và đan xen giữa hai thế giới càng đột ngột hơn, gấp gáp hơn và không còn nhiều đoạn nối chuyển cảnh như phần đầu phim. Nghệ thuật lồng nhân vật trong nhân vật cũng là một điểm nhấn vỡ òa trong phim.
2. Tình thương yêu ấm lòng và kết cục có hậu
Tôi thấy trong “‘Giải mã giấc mơ” nổi bật lên tình phụ tử của hai người cha. Cha của Kokone là một người đàn ông thô kệch, kém giao tiếp. Đôi khi muốn nói điều gì với con gái, anh đều phải dùng đến tin nhắn qua điện thoại. Nhưng anh là người đàn ông sẵn sàng hy sinh vì con gái, trân trọng di nguyện của vợ. Kokone luôn than phiền rằng cha mình không bao giờ kể về mẹ, không bao giờ tỏ ra thân thiết và thương yêu cho đến tận khi bí ẩn được giải và cô bé hiểu được những điều đã phong ấn trong lòng mình suốt bấy lâu. Cha của Ancien cũng là một người cha yêu thương con gái hết lòng, luôn muốn bảo bọc đứa con thương yêu duy nhất nhưng đã vô tình "cắt” mất đôi cánh của con gái mình. Điều này đã trở thành mối ân hận cả đời ông.
Xem phim xong, trong tôi còn thoảng qua những suy nghĩ về cái giá của giấc mơ.
3. Đồ họa ấn tượng
Tuy âm nhạc hay thiết kế nhân vật của bộ phim này không được đánh giá cao thì nhưng bối cảnh nền lại khiến bạn cảm thấy sững sờ. Bộ phim có rất nhiều khung cảnh mở rộng, bao quát từ trên cao: mướt mát như cảnh làng quê Okayama những ngày hè, hoành tráng như toàn cảnh xứ Heartland, hay mơ màng như cây cầu sừng sững giữa những tầng mây. Những con rô bốt chạy bằng sức người và chiếc xe máy tự chế "lộn mèo” qua các tầng mây, cảnh nàng công chúa nhỏ phi lên khởi động lại hệ thống máy không khỏi khiến ta gợi nhớ đến những thước phim Ghibli kinh điển.
Lưu ý: Các bạn nhớ nán lại xem đến hết after-credit nhé, bởi chúng ta vẫn còn một “câu chuyện khác” chưa kể hết.
Đánh giá:
- Nội dung: 3/5
- Âm nhạc/lồng tiếng: 3/5
- Đồ họa phim: 3.5/5
Đỗ Nguyên/ kilala.vn