Thể loại đấu trường sinh tử có lẽ không còn xa lạ với các tín đồ "ghiền" phim bởi độ "hack não", khốc liệt cùng tình tiết lôi cuốn khiến người xem không thể rời mắt. Trong đó, điện ảnh Nhật Bản được nhiều fan mệnh danh là "ông tổ" của dòng phim này với hàng loạt bộ phim sống còn được ra mắt trong khoảng hai thập niên vừa qua.
Battle Royale (2000)
Bộ phim kinh điển Battle Royale (Cuộc chiến sinh tử) do đạo diễn Fukasaku Kinji cầm trịch đánh dấu cột mốc cho thể loại phim sinh tồn. Kể từ khi phát hành, thuật ngữ "battle royale" đã được định nghĩa lại để chỉ một thể loại tường thuật hư cấu/ phương tiện giải trí lấy cảm hứng từ bộ phim, nơi một nhóm người được yêu cầu giết hại lẫn nhau cho đến khi chỉ còn lại một người chiến thắng sống sót. Bộ phim đã truyền cảm hứng cho hàng loạt phim, sách, hoạt hình, truyện tranh, tiểu thuyết... và khởi động cho thể loại game sinh tồn.
Tiền thân của Battle Royale là tiểu thuyết cùng tên được viết bởi nhà văn Takami Koushun vào năm 1997. Do các tình tiết bạo lực và nhạy cảm, tiểu thuyết bị giữ lại cho tới năm 1999 mới được xuất bản, sau đó được chuyển thể thành manga và live action vào năm 2000.
Bất chấp vấp phải sự phản đối kịch liệt từ một bộ phận khán giả, gây ra tranh cãi dữ dội và thậm chí bị cấm phân phối ở một số quốc gia, nhưng bộ phim “bom tấn" này vẫn đạt doanh thu cao ngất ngưởng vào thời điểm bấy giờ, trở thành tiền đề và cảm hứng để tạo ra nhiều phiên bản trò chơi điện tử online trị giá hàng tỷ USD. Đã 21 năm kể từ khi ra mắt cho đến nay, Battle Royale vẫn được đánh giá rất cao về phương diện nội dung, diễn xuất và kỹ xảo.
Nội dung của phim nói về một nhóm học sinh lớp 7B được chọn để trở thành sát nhân trên một hoang đảo. Dưới sự chỉ đạo của thầy giáo - người dường như biến thành một kẻ khác ở đây, cả 42 đứa trẻ vị thành niên này phải chiến đấu bằng cách sát hại chính bạn học của mình cho đến khi chỉ còn lại một người sống sót. Mỗi học sinh sẽ được trang bị các loại vũ khí khác nhau và đeo một chiếc vòng không thể tháo được; nếu ai có ý định chạy trốn hoặc không hợp tác, vòng sẽ phát nổ khiến nạn nhân tử vong ngay lập tức. Đây là một bộ phim có yếu tố rùng rợn, kinh dị với những hình ảnh bạo lực, giết chóc khá đáng sợ và có thể không phù hợp với trẻ vị thành niên.
Liar Game (2007)
Được chuyển thể từ Manga cùng tên của tác giả Kaitani Shinobu, Liar Game (Trò chơi dối trá) trở thành tượng đài cho dòng phim sinh tồn thông qua các vòng đấu trí “hack não", sử dụng nhiều thủ thuật tâm lý để lừa gạt đối thủ làm theo ý mình. Năm 2014, bộ phim cũng được Hàn Quốc mua bản quyền và sản xuất lại.
Bộ phim kể về nhân vật Kanzaki Nao (Toda Erika thủ vai), một cô gái trẻ thật thà và rất dễ tin người. Một ngày nọ, khi trở về nhà, Nao nhận được một chiếc vali lạ màu đen và sau khi mở ra, cô bàng hoàng nhận thấy bên trong chứa 100 triệu yên tiền mặt cùng với một bức thư buộc cô phải tham gia vào Trò chơi dối trá. Điều đó đồng nghĩa với việc Nao phải đi lừa các đối thủ khác, nếu thắng, cô sẽ nhận được 100 triệu yên và ngược lại sẽ nhận món nợ 100 triệu yên nếu thua cuộc.
Cô gái tốt bụng Nao với niềm tin mãnh liệt rằng chỉ cần mọi người tin tưởng nhau sẽ có thể vượt qua tất cả đã trở thành người mà thiên tài lừa đảo Shinichi Akiyama (Matsuda Shota thủ vai) muốn che chở, bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Bộ phim khắc hoạ lòng tham vô đáy, các thủ đoạn đáng sợ mà con người có thể thực hiện để đạt được mục đích, bất chấp việc đẩy người khác vào đường cùng. Tất cả yếu tố tâm lý và thủ thuật tinh vi được miêu tả qua những thước phim hoàn hảo cả về nội dung, diễn xuất, âm nhạc, biến Liar Game trở thành một trong những bộ drama đáng xem nhất của nền điện ảnh Nhật Bản.
The Werewolf Game (2013 - 2020)
Bạn có phải là một fan của boardgame không? Nếu có, ắt hẳn bạn đã biết đến hoặc từng chơi qua trò chơi ma sói. Chính xác như tên gọi và luật chơi của trò này, series phim The Werewolf Game - được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Kawakami Ryo - mang đến những màn đấu trí trong ma sói, nhưng cái giá của việc thua cuộc chính là cái chết. Tính đến nay, bộ phim đã ra mắt được 9 phần, bao gồm 8 phim điện ảnh và 1 drama.
Mỗi phần phim sẽ là các vòng ma sói khác nhau, nên tình tiết cũng như chức năng nhân vật trong từng phần sẽ có sự thay đổi. Nhưng điểm chung của The Werewolf Game đó là đều nói về một nhóm học sinh bị bắt cóc đến một nơi hoang vắng, mỗi người sẽ phải đeo một vòng cổ và bị ép buộc chơi trò chơi này. Nếu ai có ý định kháng cự, ngay lập tức, chiếc vòng cổ sẽ siết chết người ấy. Danh tính những kẻ cầm đầu tổ chức trò chơi này cũng dần dần được hé lộ qua từng phần.
[subscribe]
Kaiji (2009)
Kaiji là bộ phim bom tấn nói về thế giới cá cược và bài bạc, được chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Fukumoto Nobuyuki. Xuyên suốt 3 phần phim là câu chuyện về Kaiji, một thanh niên bị cho là “loser” (kẻ thua cuộc), ham tiền, ngập trong nợ nần nhưng lại có một cái đầu mưu lược. Ở mỗi phần, anh sẽ chiến đấu với một trò chơi “xoắn não” khác nhau như đánh bài, pachinko… Đương nhiên, cuối cùng anh sẽ chiến thắng, nhưng “xui rủi” thế nào lại bị mất sạch tiền một cách ngoạn mục và rồi nghèo vẫn hoàn nghèo. Đó cũng là cái cớ để sang phần sau anh tiếp tục cá cược để trả nợ.
Series phim này cũng mang ẩn ý về một xã hội nơi người dân bị thao túng bởi chính quyền và những kẻ giàu có. Vai nam chính đã được thể hiện tròn trịa qua diễn xuất của diễn viên đình đám Fujiwara Tatsuya, từ một kẻ nghiện cờ bạc, bất cần đời nhưng khi bị ép vào đường cùng, Kaiji bằng mọi cách vẫn có thể vận dụng bản năng sống còn, vạch ra kế hoạch tỉ mỉ và khéo léo để có thể đánh bại được đối thủ. Hình ảnh của series Kaiji đậm chất Nhật Bản, kết hợp với âm thanh được xử lý khéo léo, tạo sự hồi hộp và kịch tính khi xem phim.
As the Gods Will (2014)
Phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Kaneshiro Muneyuki. Tại ngôi trường nơi nhân vật chính Takahata Shun theo học, thầy giáo của cậu đang giảng bài thì bỗng nhiên bị nổ tung và một con búp bê Daruma kỳ quái xuất hiện. Từ đó, cậu và các bạn học bị cuốn vào một cuộc chơi sinh tồn mà không rõ lý do. Khán giả có thể chiêm ngưỡng rất nhiều yếu tố đến từ văn hoá Nhật Bản, đặc biệt là Daruma - con lật đật vốn dĩ biểu tượng cho sự may mắn, phước lành trong văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, một Daruma tưởng chừng vô hại lại xuất hiện như một tử thần đẫm máu.
Ngoài ra, người xem còn có thể thấy những món đồ chơi dân gian truyền thống như mèo chiêu tài Maneki neko, búp bê Kokeshi, gấu Shirokuma hay trò chơi dân gian Kagome kagome. Cũng giống như các thể loại phim sinh tồn điển hình, ai thua trò chơi đều phải đánh đổi bằng mạng sống. Những học sinh vượt qua các trò chơi sinh tử sẽ được gọi là “Con của Thần”, trở thành người được chọn để thay đổi thế giới.
Alice in Borderland (2020)
Bộ phim đã làm mưa làm gió tại châu Á vào năm 2020 khi được Netflix chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Aso Haro. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Arisu (Yamazaki Kento), một thanh niên thất nghiệp, cả ngày ở nhà chơi game. Hai bạn thân của anh cũng không khá hơn là bao. Karube (Machida Keita) mới bị đuổi việc do cự cãi với quản lý và Chota (Morinaga Yuki) - một nhân viên văn phòng luôn bị áp lực từ người mẹ chỉ biết tiêu xài hoang phí. Chán nản với cuộc sống thực tại, cả ba hẹn nhau ở ga Shibuya uống rượu và bày trò quậy phá cho quên đời. Sau đó, họ đột nhiên bị chuyển đến một thế giới kỳ lạ và buộc phải chơi các trò chơi từ hack não, đấu trí, thể lực... để gia hạn thời gian sống ở đây.
Bộ phim sau khi ra mắt đã nhận được nhiều sự chú ý cùng phản hồi tích cực từ khán giả. Dù nội dung không mới nhưng có một điều đáng để thừa nhận rằng Alice In Borderland hàm chứa chiều sâu và ý nghĩa: Arisu từ một thanh niên không có chí tiến thủ nhưng khi lạc vào Borderland, chứng kiến cái chết của các đồng đội, anh mới tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua phần kỹ xảo xuất sắc cùng những pha hành động vô cùng kịch tính góp phần làm nên thành công của bộ phim.
Ngoài 6 tác phẩm Kilala gợi ý ở trên vẫn còn khá nhiều những bộ phim đề tài sinh tồn khác đến từ Nhật Bản chờ bạn khám phá, có thể kể đến như: Gantz (2011), Another (2012), Me & 23 Slaves (2014), Tomodachi Game (2017)...
kilala.vn