Vlogger “Go with Mai”: Mình đã đậu vào Đại học Keio như thế nào?
Nhân vật Nhật Bản
Bài: Rin
Ảnh: NVCC
Từng nhận học bổng toàn phần du học Nhật Bản Lawson và thi đậu vào ngành Kinh tế của trường Đại học Keio danh tiếng, Bảo Trân – chủ kênh Youtube “Go with Mai” chuyên chia sẻ kinh nghiệm và các bí quyết học tập, du học Nhật Bản với 66,9K người đăng ký (tính đến ngày 3/8/2021) – đã trở thành một trong những Vlogger được nhiều bạn trẻ yêu thích những năm gần đây.
Trước khi lên đường du học Nhật vào tháng 9/2014, Mai Hoàng Bảo Trân sinh năm 1996 (nick name là Trân Mai) từng là cựu thủ khoa khối D6 khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Tp. Hồ Chí Minh. Nhập học được vài tuần, niềm vui lại nhân đôi khi Trân nhận được thông báo đã đậu học bổng toàn phần Lawson với 1,5 năm học tiếng và 4 năm Đại học. Trong quá trình du học tại Nhật, cô đã xuất sắc thi đậu và trở thành sinh viên khoa Kinh tế của Đại học Keio danh giá, được mệnh danh là ngôi trường dành cho “cậu ấm, cô chiêu” Nhật Bản và cũng là nơi sản sinh ra nhiều CEO nhất đất nước Mặt trời mọc. Ngoài ra, Trân cũng đã thi đậu chứng chỉ Nhật ngữ JLPT N1 với điểm Dokkai (Đọc hiểu) tuyệt đối 60/60.
Để đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ trên không phải là điều dễ dàng. Trước đó, cô từng chia sẻ bản thân đã phải trải qua cảm giác thất vọng vì không thi đậu vào trường chuyên ở cấp 2 và cấp 3. Bảo Trân đã lên kế hoạch học tập như thế nào để chinh phục được học bổng toàn phần Lawson và kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Keio? Kilala đã có cơ hội trò chuyện cùng Trân để hiểu hơn về kinh nghiệm thi tuyển vào các trường Đại học ở Nhật Bản, cũng như nhiều điều thú vị xoay quanh cuộc sống học tập và làm việc tại Nhật của cô bạn.
Q: Cơ duyên nào khiến Bảo Trân chọn đi du học Nhật Bản mà không phải là các quốc gia khác?
A: Đối với Trân, có rất nhiều lý do khiến Nhật Bản trở thành một điểm đến du học lý tưởng, nhưng mình xin được liệt kê một số lý do chính như sau: Thứ nhất, Trân muốn tiếp thu nền văn hoá của đất nước Mặt trời mọc. Dù nước Nhật nhỏ bé, khan hiếm tài nguyên nhưng lại là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới. Do vậy, mình muốn sang đây để học hỏi tính tỉ mỉ, óc sáng tạo và tinh thần làm việc nghiêm túc của người Nhật. Thứ hai là học phí thấp hơn so với các nước châu Âu nhưng chất lượng giáo dục lại đứng trong top đầu thế giới. Và cuối cùng là có rất nhiều học bổng, đãi ngộ dành cho du học sinh (DHS).
Q: Nếu dùng 3 từ để miêu tả về đất nước và con người Nhật Bản, Bảo Trân sẽ dùng từ nào? Khi mới sang Nhật, điều gì làm bạn sốc nhất? Bạn yêu thích những điều gì về nước Nhật?
A: Nếu dùng 3 từ để miêu tả về đất nước và con người Nhật Bản, mình sẽ chọn: Công bằng, Hiện đại và Ngăn nắp. Sau khi sang Nhật du học, điều làm mình “sốc” nhất về nước Nhật chính là hệ thống giao thông công cộng (tàu điện, xe buýt) hiện đại, sạch sẽ và thông minh. Từng có cơ hội đến các nước như Anh, Ý, Pháp, mình nhận thấy hệ thống tàu điện, cơ sở vật chất của xứ Phù Tang là số một. Hơn nữa, mọi thứ đều ngăn nắp và tiện dụng là điều mình thích nhất về Nhật Bản.
Q: Với kinh nghiệm tham gia kỳ thi tuyển sinh ở cả Đại học Ngoại thương Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Keio Nhật Bản, Bảo Trân có thể chia sẻ những điểm giống và khác nhau về cách thức tuyển sinh của hai nước?
A: Điểm khác nhau lớn nhất là các trường Đại học ở Nhật yêu cầu học sinh phải viết một bài luận nêu lý do vì sao có nguyện vọng thi tuyển vào trường cũng như ngành học đó. Vì vậy bạn cần thực sự hiểu về ngành mà mình đang nộp đơn.
Khi làm bài luận để nộp vào Đại học Keio, Trân phải rất cẩn thận để bài viết nêu bật lên được hai nội dung: sự am hiểu của mình về ngành học và vì sao bản thân lại phù hợp với ngành học ấy. Để làm được điều này, mình đã phải tìm hiểu rất kỹ về ngành Kinh tế và Đại học Keio, cũng như tự khám phá bản thân để có thể “PR” chính mình một cách tốt nhất trong bài luận. (Cười)
Điểm giống nhau giữa Đại học ở Việt Nam và Đại học tại Nhật Bản là đều dùng kết quả học lực và chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển sinh.
Q: Kỳ thi Du học Nhật Bản EJU không chỉ có môn thi tiếng Nhật, mà còn cả Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Toán, thật sự là thử thách không nhỏ cho những bạn đang có nguyện vọng ứng tuyển vào các trường Đại học Nhật Bản. Với thành tích thi đậu vào khoa Kinh tế của Đại học Keio, Trân đã có kế hoạch ôn thi ra sao, cũng như có bí quyết nào để vượt qua kỳ thi EJU?Bài viết phải nêu bật lên được hai nội dung: sự am hiểu của mình về ngành học và vì sao bản thân lại phù hợp với ngành học ấy.
A: Bí quyết lớn nhất của mình trong việc chinh phục kỳ thi EJU chính là chăm chỉ học và phải luôn giữ tinh thần lạc quan. Chăm chỉ để học tập không ngừng nghỉ và lạc quan để không bị những áp lực thi cử làm cho nản lòng mà bỏ cuộc.
Còn về kế hoạch ôn thi EJU, mình có thể tóm tắt lại như sau: Đại học Keio yêu cầu học sinh nộp 2 chứng chỉ quan trọng gồm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEFL iBT và chứng chỉ EJU cùng với một bài luận. Có khoảng 1 năm để ôn thi, do vậy, mình lên kế hoạch hoàn thành TOEFL iBT với số điểm cao trong 3 tháng đầu, để 7 tháng còn lại chỉ tập trung ôn thi EJU gồm các môn Toán, tiếng Nhật và Khoa học Xã hội.
Q: Trong quá trình luyện thi vào Đại học Keio, Bảo Trân đã gặp những khó khăn gì và bạn đã vượt qua như thế nào?
A: Trong quá trình luyện thi, khó khăn lớn nhất với mình có lẽ là môn tiếng Nhật và áp lực thi cử. Bản thân tiếng Nhật đã là một ngoại ngữ khó, cộng với bài thi EJU đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng đọc nhanh và chính xác những nội dung học thuật. Do vậy, ban đầu khi chưa quen với cấu trúc bài thi, mình cảm thấy rất áp lực trước mục tiêu phải đạt được điểm cao để đậu vào Đại học Keio.
Mình đã vượt qua những khó khăn này bằng cách giữ cho tinh thần lạc quan để có nguồn năng tích cực cho việc ôn thi. Đặc biệt, để cải thiện kỹ năng đọc hiểu tiếng Nhật, thay vì làm thật nhiều bài, giải thật nhiều đề, mình chú trọng luyện đọc từng văn bản cho đến khi nhuần nhuyễn. Đối với các văn bản, mình sẽ đọc rồi viết tóm tắt cho từng bài. Mình cũng cố gắng học Hán tự thật chăm chỉ để có thể đọc hiểu văn bản trôi chảy hơn.
Q: Cảm xúc lần đầu tiên trở thành sinh viên Đại học Keio của Bảo Trân như thế nào? Với tư cách là một DHS, bạn nhận thấy những khó khăn và thuận lợi nào khi theo học tại ngôi trường danh tiếng này?Trân cảm thấy con đường học tập đã cho mình quá nhiều ân huệ, từ học bổng du học nước ngoài đến công việc ổn định, lương tốt.
A: Mình cảm thấy hạnh phúc tột độ khi nhận tin báo đậu Đại học Keio vì nó mở ra cho mình một thế giới mới để lĩnh hội kiến thức và gặp gỡ những người bạn cá tính, có lý tưởng sống cao đẹp. Những thuận lợi khi theo học tại ngôi trường danh tiếng là được gặp gỡ những người bạn năng động và các anh chị cựu học sinh thành công, thêm vào đó, điều này cũng giúp mình thuận lợi hơn khi tìm các công việc làm thêm với thu nhập tốt thời sinh viên và công việc ổn định với mức lương hấp dẫn sau khi ra trường. Trân không cảm thấy có nhiều khó khăn vì bạn bè rất thân thiện và mình cũng luôn được thầy cô hỗ trợ hết mình.
Q: Trong quãng thời gian là DHS, Bảo Trân đã từng trải qua các công việc làm thêm gì và có những kỷ niệm nào mà bạn không thể quên?
A: Khi còn là học sinh của trường tiếng, mình từng làm nhân viên bán hàng ở cửa hàng 24h (コンビニ – Konbini). Còn sau khi vào Đại học, mình làm giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Việt nên thu nhập tăng lên khá nhiều vì công việc dạy học có mức lương cao hơn so với những công việc lao động phổ thông.
Có hai kỷ niệm khiến Trân không thể quên trong quá trình làm thêm tại Nhật. Đầu tiên là được phụ huynh của các học sinh mà mình dạy tiếng Anh cảm ơn vì đã giúp các em cảm nhận được sự thú vị của môn học này. Còn kỷ niệm thứ hai là mình từng bị đổ oan làm mất tiền của Konbini nhưng đã giải thích được với Trưởng cửa hàng đó không phải lỗi của mình.
Mục đích cao cả nhất của việc du học là lĩnh hội kiến thức, tiếp thu tinh hoa của một đất nước phát triển.
Q: Để tiết kiệm chi phí sống khi đi du học tại Nhật, Bảo Trân có thể chia sẻ thêm một số bí quyết dành cho các DHS? Với những bạn DHS mới bắt đầu làm thêm tại Nhật, Trân có lời khuyên nào dành cho các bạn không?
A: Nói về tiết kiệm, mình không đặt nặng vấn đề xài thật ít tiền mà chú trọng cân bằng chi tiêu để vừa có thể mở rộng, giao lưu bạn bè, lĩnh hội tinh hoa của đất nước Mặt trời mọc, vừa đảm bảo được học phí và sinh hoạt phí. Thay vì cố gắng cắt giảm chi tiêu, mình đã tăng thêm thu nhập bằng cách tìm công việc làm thêm lương cao như đi dạy hay làm thư ký cho các start-up. Vì lương khá tốt nên dù có làm việc với thời gian ngắn vẫn kiếm được thu nhập đủ để trang trải cho việc trải nghiệm, giao lưu với bạn bè bốn phương và các nhu cầu cơ bản khác.
Trân biết công việc làm thêm là nguồn thu nhập quan trọng cho các bạn DHS, nhưng mình hy vọng các bạn đừng tăng ca quá nhiều và quá sức, mà nên chú trọng trau dồi cho bản thân, giao lưu bạn bè để học hỏi, mở rộng tầm nhìn bản thân. Các bạn DHS mới qua Nhật nên cẩn thận và đừng quên đi mục đích cao cả nhất của việc du học là lĩnh hội kiến thức, tiếp thu tinh hoa của một đất nước phát triển, chứ không phải vùi mình vào những công việc làm thêm phổ thông để chạy theo đồng tiền.
Q: Được tạo vào ngày 16/06/2019, tính đến hiện tại, kênh Youtube “Go with Mai” đã đạt số người đăng ký ấn tượng 66,9K. Cơ duyên nào giúp Bảo Trân quyết định lập kênh Youtube này? Trân có cảm nhận như thế nào khi nhận được nhiều sự yêu thích từ mọi người?
A: Trân cảm thấy con đường học tập đã cho mình quá nhiều ân huệ, từ học bổng du học nước ngoài đến công việc ổn định, lương tốt. Do vậy, mình nghĩ đã đến lúc chia sẻ câu chuyện của bản thân cho những người khác, với mong muốn có thể mang đến nguồn thông tin tham khảo có ích cho những ai đang phấn đấu trên con đường học tập.
Q: Trong tương lai, Trân có những dự định gì mới để phát triển kênh Youtube hoặc thử sức ở các dự án nào khác không?
A: Về hướng phát triển kênh Youtube, Trân vẫn sẽ duy trì đăng tải video về học tập để giúp các bạn học sinh có định hướng trong việc học, cũng như lan toả sức hấp dẫn của tri thức đến với mọi người. Còn trong tương lai, Trân ước mơ được thực hiện nhiều hoạt động có quy mô lớn hơn như mở lớp dạy tiếng Anh, tiếng Nhật hay Toán để có thể giao lưu với các bạn học sinh một cách gần gũi và chia sẻ được lượng kiến thức nhiều hơn so với các video trên Youtube.
Q: Sau khi kết thúc hành trình du học tại Nhật trong suốt 5,5 năm, Bảo Trân có thể bật mí đôi điều về công việc hiện tại ở Nhật? Cũng như, cuộc sống làm nhân viên văn phòng có những khác biệt gì so với thời còn là học sinh?
A: Hiện tại, Trân đang là một chuyên viên phân tích/ tư vấn trong ngành chuyển đổi số tại một công ty tư vấn doanh nghiệp của Nhật Bản. Đi làm sẽ có nhiều áp lực hơn, nhưng đồng thời, lượng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn mình được tiếp thu, trải nghiệm cũng tăng lên đáng kể. Nếu thời sinh viên có nhiều thời gian dư dả nên có thể làm bất kỳ điều gì mình thích, thì khi đi làm, thời gian trở thành một tài sản quý giá phải được sử dụng hợp lý và có kế hoạch rõ ràng. Điều khác biệt cuối cùng khi đi làm khác là mình không phải lo lắng về vấn đề tài chính nữa vì thu nhập khá ổn định. (Cười)
Q: Khi nhắc đến các công ty Nhật, nhiều hình ảnh không thiện cảm được gắn mác như làm thêm ngoài giờ đến kiệt sức, quy trình làm việc nghiêm ngặt và vô cùng khắt khe, Bảo Trân nhận định ra sao về điều này?
A: Trân nghĩ nhận định này thực chất tuỳ vào công việc. Đối với bản thân mình, công việc hiện tại sẽ bận rộn tuỳ vào từng giai đoạn của dự án. Khoảng 30% thời gian là giai đoạn quan trọng nên sẽ phải làm ngoài giờ nhiều, 70% thời gian thì dự án khá ổn định nên mình được về đúng giờ hành chính và không phải làm thêm ngoài giờ.
Cảm ơn Bảo Trân đã dành thời gian chia sẻ cùng Kilala!
kilala.vn