Đêm 88, “tạm biệt” sương muối
Gọi là “đêm 88” bởi sự kiện này cách tiết Lập xuân 88 ngày, sau đó 3 ngày sẽ đến tiết Lập hạ. Tại hầu hết các địa phương Nhật Bản, dù tiết trời những ngày đầu xuân đã ấm áp hơn, nhiệt độ ban đêm vẫn ở mức cực thấp khiến sương muối dễ dàng kết tủa trên diện rộng. Đây là những “tử thần” vô cùng độc hại với mùa màng, gây kìm hãm sự sinh trưởng và dẫn đến cái chết hàng loạt cho cây trồng. Nhưng kể từ sau đêm 88, sương muối buộc phải “rút lui” trước sự thắng thế của mùa hè. Thêm nữa, nếu chiết tự sẽ thấy chữ “米” (lúa gạo) được ghép từ các chữ “八十八” (88), do đó đêm 88 càng được coi trọng trong đời sống nông nghiệp. Nhiều nông gia thường chọn cột mốc này để tiến hành gieo trồng hạt giống. Ngay cả trong lĩnh vực ngư nghiệp, đây cũng được coi là “thời điểm vàng” để khai thác cá chuồn ở Okinawa, hoặc đánh dấu mùa đánh bắt hải sản sôi nổi nhất ở vùng biển nội địa Seto.
Thưởng trà cực phẩm đêm 88
Các thương hiệu trà khó mà bỏ qua chiến lược truyền thông nhân sự kiện này, vì sao vậy? Trước hết, bởi những câu ca này đã khắc ghi trong kí ức của biết bao thế hệ người Nhật thuở ấu thơ:
Dáng ai hái trà
(Bài ca hái trà / 茶摘みの歌)
Nhắc tới đêm 88 là liên tưởng ngay đến phong tục hái trà. Khung cảnh những nông dân đội nón cối (菅の笠), dùng sợi dây Tasuki màu đỏ (茜襷) để buộc gọn tay áo và thu hoạch những lá trà đầu mùa cũng chính là hình ảnh biểu trưng của giai đoạn này. Những nhãn dán hay video thương mại cũng sẽ được các thương hiệu tung ra thị trường liên tục để tạo uy tín cho sản phẩm của mình.
Ngoài ra, những lá trà hái trong đêm 88 từ xa xưa đã được xem là hàng cực phẩm, có công dụng gia tăng tuổi thọ. Về ý nghĩa biểu tự, chữ “八” (8) có phần đuôi mở rộng nên gắn liền với sự sinh sôi nảy nở, những điều tốt lành. Xét theo khía cạnh khoa học, lá trà sau khi trải qua các mùa thu, đông, xuân thường tích tụ lượng theanine cao, có tác dụng kích thích sóng alpha trong não, giúp thư giãn tinh thần, nâng cao khả năng tập trung. Hương vị của trà mùa này cũng đạt đến gần ngưỡng lí tưởng, dùng cùng với bánh Kashiwa-mochi (bánh dày bọc lá sồi) hoặc Chimaki (bánh tro) trong tiết Đoan Ngọ sẽ tạo nên vị ngon khoái khẩu. Các đợt trà thu hoạch sau đó sẽ có hương vị bớt thanh đi, vị chát hơn, không còn giàu dưỡng chất như ban đầu nữa. Vì lẽ đó mà người ta thường yêu sản phẩm trà đầu mùa được hái bằng tay (thay vì dùng kéo hoặc máy móc để thu số lượng nhiều) trong đêm 88. Một gói trà dùng làm quà tặng có thể làm những người yêu trà say đắm bởi hương vị độc đáo của tinh hoa đất trời Phù Tang.
kilala.vn