Omihachiman Sagicho: lễ hội nguy hiểm nhất ở Nhật
Lễ hội Nhật Bản
Bài: Haruko
Ảnh: PIXTA
Lễ hội có nguồn gốc lâu đời
Vẫn chưa có tài liệu chính thức nào xác định nguồn gốc của lễ hội này. Một số nguồn cho rằng lễ hội Omihachiman Sagicho được lãnh chúa Oda Nobunaga khởi xướng vào những năm 1500. Ngày nay, Omihachiman Saigocho được được tổ chức hằng năm vào hai ngày trung tuần tháng 3 ở phố cổ Omihachiman tỉnh Shiga. Một trong những hoạt động chính của lễ hội Omihachiman Sagicho là mọi người sẽ cùng tự tập nhảy múa xung quanh những cỗ kiệu rước bốc cháy ngùn ngụt, nên lễ hội này còn có tên gọi khác là “Lễ hội Lửa Omihachiman” (Omihachiman no Hi Matsuri).
Lễ hội Omihachiman Sagicho có quy mô rất lớn và số người tham gia mỗi năm lên đến hàng vạn người. Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lễ hội này có nhiều người tham gia là do sự ảnh hưởng của lãnh chúa Oda Nobunaga khi xưa. Trước kia, lễ hội được tổ chức ở khu vực xung quanh lâu đài Azuchi – vốn là nơi ở của lãnh chúa Nobunaga. Mỗi năm, lãnh chúa luôn mặc những bộ trang phục sặc sỡ và hòa mình vào đám đông để tận hưởng không khí lễ hội. Cũng chính vì lý do đó mà đồ vật trang trí trong lễ hội ngày nay rất nhiều màu sắc bắt mắt.
Những hoạt động đặc sắc nhưng không kém phần nguy hiểm
Vào ngày đầu tiên của lễ hội, mọi người sẽ tập trung tại đền Himure Hachimangu để chiêm ngưỡng cuộc so tài của những chiếc kiệu rước Sagicho khổng lồ. Mỗi năm đều sẽ có cuộc bình chọn để chọn ra chiếc kiệu được trang hoàng lộng lẫy nhất. Về mặt cơ bản, những chiếc kiệu Sagicho này được trang trí với nhiều đồ vật và màu sắc rực rỡ. Hầu hết đồ trang trí điều được làm từ các loại nông sản như lúa, bắp, đậu,... và các sản vật từ biển. Mỗi chiếc kiệu đều có một bó rơm lớn ở trung tâm, một ngọn đuốc và trên đỉnh là cây tre dài khoảng 3 mét được có đính rất nhiều tờ giấy đỏ. Điểm nhấn của những chiếc kiệu này chính là tượng con giáp đại diện cho mỗi năm. Người dân địa phương thường phải chuẩn bị trước 2 đến 3 tháng và luôn dồn hết công sức cũng như tiền của để làm ra một chiếc kiệu rực rỡ nhất.
Sau khi vòng tuyển chọn kết thúc, các cỗ kiệu rước sẽ di chuyển về các khu vực đã quy định và bắt đầu cuộc đại diễu hành với những màn rước kiệu hoành tráng cùng các tiết mục nhảy múa sôi động. Trước kia, các chàng trai tham gia khiêng kiệu còn phải mặc đồ và trang điểm lòe loẹt vì lãnh chúa Nobunaga trước kia cũng từng làm vậy. Nhưng ngày nay thì không còn phong tục đó nữa.
Vào sáng ngày thứ hai, các cỗ kiệu rước sẽ di chuyển tự do hướng về trung tâm của phố cổ, và khi có 2 đoàn rước vô tình gặp nhau sẽ là lúc xảy ra các màn “kiệu chiến” đầy kịch tính. Những người khiêng kiệu sẽ hợp lực lại để đẩy ngã kiệu của đối phương. Những màn kiệu chiến này mang đến không ít các vết thương nặng nhẹ cho người tham gia, ngay cả người đứng xem cũng phải rất cẩn trọng. Tuy nhìn bề ngoài có vẻ nghiêm trọng nhưng đây được xem là một trong những hoạt động truyền thống thú vị nhất của lễ hội này, vì vậy dù có bị đẩy ngã thì bên thua cuộc cũng sẽ không tức giận và gây gổ.
Sau cùng là nghi thức đốt lửa được thực hiện tại đền Himure Hachimangu vào buổi tối cùng này. Tất cả người tham gia lễ hội sẽ thu thập những vật trang trí trong ngày Tết như “cây nêu” Kadomatsu, tượng Daruma,… và đốt chúng cùng với những chiếc kiệu Sagicho. Đây đều là những vật tượng trưng cho sự may mắn được người Nhật trưng trong dịp Tết. Họ quan niệm rằng, món đồ mang ý nghĩa may mắn thì tuyệt đối không được đem vứt vì làm vậy sẽ không tôn trọng thần linh và khiến vận may của mình bị mất đi. Khi ngọn lửa cháy lên, mọi người sẽ cùng nhau nhảy múa và cầu nguyện cho một năm mới bình an. Những cỗ xe khổng lồ nhanh chóng bị ngọn lửa hừng hực nuốt trọn, mang đến khung cảnh vừa hoành tráng những cũng không kém phần nguy hiểm. Vì vậy, du khách đến tham quan lễ hội luôn được khuyến cáo nên giữ khoảng cách an toàn để tránh bị thương.
Đây cũng là hoạt động kết thúc lễ hội, cũng như đánh dấu sự kết thúc cho mùa đông lạnh lẽo, mọi người sẽ cùng nhau chào đón mùa xuân ấm áp với những bông hoa anh đào nở rộ.
kilala.vn