Yonezu Kenshi & hành trình đi tìm cái đẹp trong âm nhạc - P1
Giải trí Nhật Bản
Bài: Nguyễn Ngân
Yonezu từng nói, anh không muốn trở thành kiểu người chối bỏ quá khứ dẫu cho quá khứ toàn những chuyện không vui. Lúc nhỏ, anh là một cậu bé trầm tính, không có bạn bè, ghét trường học, sống trong thế giới của trí tưởng tượng và thích vẽ tranh. Ký ức về một thời đã qua không làm anh phẫn chí khi nghĩ lại, mà nó chính là nguồn động viên to lớn giúp anh bước tiếp trên con đường đi tìm và chinh phục cái đẹp trong âm nhạc. Lấy chất liệu từ cuộc sống đời thực và trải nghiệm của bản thân, Yonezu Kenshi dùng nốt nhạc vẽ nên những bức tranh rực rỡ, đẹp mà buồn.
1. Những bước chập chững đầu tiên
Hồi còn học cao trung, Yonezu bị ấn tượng bởi phong cách mạnh mẽ và những bản nhạc máu lửa của Bump of Chicken, Asia Kung-Fu Generation và Spitz – ba nhóm nhạc Rock Nhật Bản nổi tiếng thập niên 1990. Anh đã mua một cây guitar 20.000 yên (giá rẻ nhất thời bấy giờ) và cùng các bạn trong lớp thành lập ban nhạc lấy tên Ofrogue. Tại ngày hội văn hóa của trường, Ofrogue chơi bài "Nỗi đau" do Yonezu sáng tác. Lần đầu tiên trong lịch sử, trường anh được dịp thưởng thức một bài hát “vô cùng trong sáng” (theo lời Yonezu) viết bởi một học sinh lớp tám.
Năm mười tám tuổi, anh chuyển đến Osaka và ghi danh vào trường Mỹ thuật. Một ngày nọ, bị hấp dẫn bởi ca sĩ ảo Hatsune Miku đang “hát rất hay cứ như người thật”, anh đã tò mò mua thử phần mềm và từng bước tiến vào thế giới Vocaloid dưới nghệ danh Hachi.
Bắt tay vào sản xuất Vocaloid, anh dường như quên hết mọi thứ xung quanh. Một ngày anh dành 15 tiếng cho việc sáng tác, đồ họa và thiết kế video, cứ thế đều đặn đăng tải lên Niconico Douga mỗi tháng 3 bài. Thời gian còn lại anh chỉ ăn và ngủ đến bố mẹ cũng phát sợ. Hồi còn học trường Mỹ Thuật, anh cũng từng hẹn hò, nhưng vì cái tội mê Vocaloid hơn bạn gái, rốt cuộc lại bị đá ngay sau khi thành công với ca khúc Musunde Hiraite Rasetsu to Mukuro thu hút hơn 4.000.000 lượt xem. Kể từ đó, dẫu chân tay đau nhức do mãi mê làm việc cũng không ngăn nổi ngọn lửa âm nhạc đang bừng cháy trong anh. Các bài hát của Hachi được yêu thích bởi chất nhạc đặc biệt và lối vẽ trừu tượng siêu thực. Cho đến nay, anh đã sáng tác 20 bản Vocaloid, có những bản thu hút rất nhiều lượt xem và cũng có bản được các ca sĩ khác trên Niconico hát lại.
Những năm đầu nhận được nhiều lời khen, Hachi đã rất vui. Nhưng rồi ngày ngày quanh quẩn trong thế giới vừa độc đáo vừa hỗn tạp của Niconico Douga, anh tự hỏi việc anh làm có ý nghĩa gì. Không biết tìm câu trả lời ở đâu, anh chán nản quăng mình vào những giấc ngủ triền miên không mộng mị. Đến khi tỉnh dậy thì một năm đã trôi qua. Bây giờ nhớ lại, Yonezu nhận thấy bản thân đã lãng phí khoảng thời gian quý báu thời niên thiếu, “Tôi đã tin rằng tận sâu trong con người tôi có điều gì đó khác biệt cần phải cho thế giới thấy trước khi có người nào đó giống tôi xuất hiện. Tôi bị ám ảnh bởi cái chết. Tôi luôn có cảm giác mình cần phải đưa ra câu trả lời cho cái chết của mình. Từ lúc này cho đến khi lìa đời, tôi luôn nghĩ mình phải sống như thế nào cho thật trọn vẹn.”
Tuy đã lựa chọn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, thi thoảng Yonezu vẫn hoạt động trên Niconico Douga. Một năm sau khi ra mắt công chúng với tên thật, anh đã cho đăng tải Donut Hole, khiến cộng đồng người hâm mộ một phen “dậy sóng”. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ rời khỏi Niconico. Đó là “quê nhà”, và là nơi hiện thực hóa giấc mơ âm nhạc của anh, không những thế lại còn là “đồng đội” thân thiết mà anh “có thể làm việc bất cứ khi nào mình muốn.” Năm 2017, Hachi quay trở lại với ca khúc nhuốm màu ảm đạm - Suna no Wakusei (Hành tinh cát). Bài hát được sáng tác trong khuôn khổ mừng sinh nhật Hatsune Miku tròn mười tuổi, nhưng vì nói lên thực trạng phát video trực tuyến tràn lan của một bộ phận ca sĩ trên Niconico nên bị cho là “lạc đề”.
(Còn tiếp)
Kỳ sau: Phong cách sáng tác; Bản hit Lemon và chuyện chưa kể.
kilala.vn