Xu hướng chung những năm gần đây, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, âm nhạc đã được “số hóa” theo dòng chảy của công nghệ. Trong suốt thập kỷ qua, thị trường băng đĩa đã dần bị thay thế bởi thị trường nhạc số bởi các bài hát, đĩa đơn, album phát hành trực tuyến. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, dù là đất nước với nền công nghệ phát triển bậc nhất, thị phần băng đĩa vẫn chiếm một phần quan trọng, song song với thị trường nhạc số vừa chớm phát triển.
Thị trường băng đĩa vẫn phát triển mạnh
Tại Nhật Bản, đến thế hệ trẻ, một thế hệ đón nhận những phát triển về công nghệ tân tiến nhất, họ vẫn chuộng mua đĩa để thưởng thức âm nhạc. Các goods đi kèm theo đĩa vẫn duy trì sức hút nhất định đối với những người yêu nhạc. Đặc biệt, khi một album mới vừa ra mắt, công ty chủ quản nghệ sĩ sẽ tổ chức sự kiện “handshake” (bắt tay với thần tượng) để tăng số lượng đĩa bán ra.
Không những thế, đĩa CD vẫn chiếm một thành phần quan trọng đối với nghệ sĩ hoạt động tại Nhật khi bảng xếp hạng Oricon vẫn còn đang tồn tại và những chứng nhận bạc, vàng, bạch kim cho số lượng đĩa bán ra vẫn có hiệu lực tính tới thời điểm hiện tại.
Những kênh nội địa
Những ứng dụng nghe nhạc của chính Nhật Bản sản xuất bắt đầu phát triển từ những năm 2012, 2013.
Đầu tiên, phải kể đến nền tảng âm nhạc Sony với ứng dụng Music Unlimited. Đây là ứng dụng tính phí, người dùng sẽ được sử dụng miễn phí 30 ngày đầu tiên, sau đó, người dùng phải trả $4 - 10/tháng để có thể nghe nhạc trên ứng dụng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại ứng dụng này đã bị “đào thải”.
Kế đến, chính là sự ra đời của Groovy. Groovy là ứng dụng được phát triển bởi công ty Nhật DeNA. Đây cũng là ứng dụng tính phí, $1 cho 51 lượt nghe.
Ngoài ra phải kể đến Pipop (tên gọi cũ là PikaSmart). Pipop cung cấp 1 kho video bài hát tiếng Nhật với đủ các thể loại khác nhau với kho nhạc hơn 1000 bài hát từ các nghệ sĩ nổi tiếng Nhật Bản và cả những bài hát chủ đề trong những bộ anime đình đám.
Ngoài ra, vẫn có các ứng dụng nghe nhạc miễn phí như Awa, Recochoku, Niconico… là những kênh nghe nhạc được ưa chuộng nhất tại đây.
Những ứng dụng từ nước ngoài
Spotify, một trong những ứng dụng stream nhạc phổ biến nhất toàn thế giới. Dù vậy, đến năm 2015, dù đã khả dụng hầu hết tất cả các nơi nhưng Spotify vẫn không khả dụng tại Nhật Bản. Đến tận tháng 12/2017, Spotify mới chính thức đặt chân vào thị trường nhạc số Nhật Bản.
KKBox, 1 ứng dụng nghe nhạc nổi tiếng tại Đài Loan đã được KDDI Nhật Bản đầu tư, mang về Nhật và chính thức trở thành ứng dụng nghe nhạc số phổ biến được ưa chuộng tại quốc gia này.
Không thể không kể đến iTunes, một ứng dụng nghe nhạc được phát hành bởi Apple. iTunes Nhật Bản cho phép người dùng tận hưởng kho âm nhạc phong phú đa dạng có trả phí. Ngoài ra, với thẻ iTunes Gift Card, sau khi nạp tiền vào, bạn có thể dùng thẻ để thanh toán rất nhiều các dịch vụ mà không cần thẻ Visa / Master của ngân hàng.
Sau iTunes thì hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất, cũng là hai ứng dụng với lượt stream nhạc vô cùng lớn, chính là Amazon music và Line Music. Đây là hai ứng dụng, cùng với iTunes, chiếm đông đảo lòng yêu thích của những người nghe nhạc tại Nhật Bản.
Ngoài ra, một số ứng dụng từ nước ngoài khác vẫn có thể khả dụng tại Nhật: Soundcloud, Beat Robo,... đều là những ứng dụng stream nhạc chính tại quốc gia này.
kilala.vn