Từ xa xưa, vẻ đẹp kỳ vĩ biến chuyển theo mùa của Phú Sĩ đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong thơ phú. Áng thơ cổ nhất về vẻ đẹp Phú Sĩ được sáng tác vào thế kỷ thứ 8, là đoản ca vịnh cảnh tuyết phủ đỉnh Phú Sĩ của Yamabe no Akahito (山部赤人) nằm trong tuyển tập thơ cổ Vạn Diệp Tập (万葉集):

田子の浦ゆうち出でてみれば真白にぞ富士の高嶺に雪は降りける

“Ngang vịnh Tago

Trông đỉnh Phú Sĩ

Tuyết trắng một màu”

Bên cạnh bài đoản ca của Yamabe no Akahito, Phú Sĩ còn xuất hiện trong một bài trường ca (長歌) chưa rõ danh tính tác giả, được sáng tác khi Phú Sĩ vẫn là ngọn núi lửa đang hoạt động:

燃ゆる火を 雪もち消ち 降る雪を 火もち消ちつつ

“Lửa cháy, tuyết tan

Tuyết rơi, lửa lại tàn”

Dưới thời Edo, vẻ đẹp của cảnh sắc núi Phú Sĩ nở rộ trong thơ ca, trở thành chủ đề chính trong tác phẩm của những bậc thầy thơ Haiku như Matsuo Bashou:

霧しぐれ富士を見ぬ日ぞ面白き

“Sương thu giấu Phú Sĩ

Mắt tìm không thấy núi

Núi vẫn làm lòng vui”

(Matsuo Bashou)

Trong thơ ca, Phú Sĩ không chỉ được khắc họa như một cái đẹp toàn bích của thiên nhiên mà còn là phần thân thuộc, giản dị của đời sống gắn với tâm tư con người. Trong ý thơ Yosa Buson, ngọn núi lại hiện diện như bất cứ hình hài thân thuộc nào của non nước quê nhà trong khung cảnh rất thế tục của những người hối hả đi phiên chợ cuối năm.

富士を見て通る人あり年の市

“Người đi phiên chợ cuối năm

Tiện đường ngắm Phú Sĩ”

Cùng với dòng văn học hàn lâm, Phú Sĩ còn xuất hiện trong áng văn học dân gian Taketori Monogatari (竹取物語) lý giải tên gọi núi Phú Sĩ từ câu chuyện tình yêu của một vị Thiên hoàng và nàng công chúa ống tre. Khi nàng công chúa trở về mặt trăng đã để lại cho Thiên hoàng thuốc bất tử. Thiên hoàng đau buồn cho binh lính đem thuốc đốt ở ngọn núi gần với trời nhất với hi vọng nàng công chúa sẽ thấu hiểu tình yêu của ngài. Tên gọi Fuji có nguồn gốc từ từ "bất tử" (fushi) hoặc Hán tự có nghĩa là 富士山 (Núi nhiều binh sĩ) bắt nguồn từ việc quân lính leo lên đỉnh núi để thực hiện lệnh của Thiên hoàng.

Phú Sĩ còn là hình tượng gắn liền với cảm thức thời đại và nỗi buồn thế hệ sau thế chiến trong các tác phẩm văn học cận hiện đại. Những tác phẩm nổi bật đi cùng tên tuổi của các đại văn hào Nhật Bản, điển hình là tiểu thuyết Sanshiro của Natsume Soseki và truyện ngắn Một trăm cảnh núi Phú Sĩ của Dazai Osamu.

Đứng trước Phú Sĩ, mưu cầu lưu giữ lại cái đẹp của người nghệ sĩ nảy nở một cách tự nhiên. Thi nhân, văn sĩ dùng chữ nghĩa để diễn ngôn còn giới hoạ sĩ dùng cọ, màu để khắc họa. Dưới thời kỳ Edo, Phú Sĩ trở thành đề tài phổ biến cho dòng tranh Ukiyo-e. Hai bậc tài hoa trứ danh về tranh khắc gỗ thời Edo là Hiroshige và Hokusai đều lấy Phú Sĩ làm cảm hứng sáng tác cho tác phẩm của mình. Núi Phú Sĩ xuất hiện hầu hết trong tuyển tập tranh của họ, nổi tiếng nhất là Năm Mươi Ba Trạm Dừng Chân Trên Đường Toukaidou (東海道五十三次) và Ba Mươi Sáu Cảnh Sắc Phú Sĩ (冨士三十六景).

Tuy nhiên, núi Phú Sĩ càng hấp dẫn trong mắt khách du lịch bao nhiêu thì lượng rác thải trên núi cũng càng nhiều bấy nhiêu. Cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa, thiên nhiên của núi Phú Sĩ tồn tại mãi cho thế hệ tương lai, không chỉ là thách thức lớn đối với Nhật Bản mà còn đòi hỏi sự hỗ trợ và ý thức từ bạn bè quốc tế, vì đó không còn đơn thuần là giữ gìn tài sản thiên nhiên cho một đất nước mà đã trở thành cho cả hành tinh này.

Ngày nay, tại bảo tàng Mĩ Thuật Toukaidou Hiroshige thuộc tỉnh Shizuoka vẫn còn lưu giữ những tác phẩm gốc của Hiroshige. Sự khác nhau giữa tranh của Hiroshige và Hokusai nằm ở chỗ Hokusai tập trung nhấn mạnh vào hình thể của đối tượng được vẽ còn Hiroshige chú trọng đến miêu tả cảnh vật.

Tuy theo đuổi hai phong cách và kỹ thuật vẽ khác nhau Hiroshige và Hokusai đều tạo nên sức ảnh hưởng lâu dài đến nghệ thuật hội hoạ trong và ngoài Nhật Bản. Đối với hội họa Nhật Bản cận hiện đại, những bức tranh về núi Phú Sĩ của họ đóng vai trò như tài liệu tham chiếu cho các tác phẩm của Yokoyama Taikan – ông tổ tranh Ninhonga và tranh sơn dầu theo phong cách phương Tây của Umehara Ryuzaburo.

Bên cạnh đó, các họa sỹ phương Tây cũng tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác mới từ những bức tranh về núi Phú Sĩ, dấy lên phong trào vẽ tranh Japonisme ở châu Âu, trong đó núi Phú Sĩ trở thành biểu tượng tiêu biểu cho Nhật Bản. Hình tượng núi Phú Sĩ tạo ảnh hưởng trong một số tác phẩm của những họa sỹ trường phái tranh ấn tượng và Fin de siècle như Monet, Van Gogh, Henri Riviere,... Bức tranh Sóng Lừng ở Kanagawa nằm trong tuyển tập Ba Mươi Sáu Cảnh Sắc Phú Sĩ của Hokusai đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới và được chọn làm ảnh bìa cho tác phẩm La Mer của nhà soạn nhạc Claude Debussy bậc thầy của trường phái âm nhạc ấn tượng. Dưới cái nhìn của người nghệ sĩ, trong thế giới của nghệ thuật, Phú Sĩ luôn là một nàng thơ vĩnh cửu dù là thời cổ đại hay hiện đại, dù đang rực lửa hay đã ngủ yên thì nàng vẫn giữ nguyên tuyết sắc của cái đẹp.