Đặc sản 47 tỉnh thành - Kì 3: Chugoku, Shikoku và Kyushu
Ẩm thực Nhật Bản
Bài: An Thủy
Kỳ 3 của series "Đặc sản 47 tỉnh thành" sẽ đưa bạn đến với 3 vùng phía Tây và Nam của Nhật gồm Chugoku, Shikoku và Kyushu với những món ngon đặc sắc.
Chugoku
Chugoku nằm ở phía Tây Nhật Bản, không có đô thị tầm cỡ nên quy mô dân số không lớn. Vùng này gồm 5 tỉnh Hiroshima, Okayama, Shimane, Tottori và Yamaguchi. Chugoku không quá nổi tiếng về ẩm thực so với các vùng khác, đặc sản chủ yếu có các loại mì và hải sản, đặc biệt là hàu.
Hiroshima
Hai loại Okomomiyaki nổi tiếng nhất Nhật Bản chính là của Osaka và Hiroshima. Khác với loại truyền thống Osaka với đế làm từ bột và trứng, phần đế Okonomiyaki Hiroshima làm từ phô mai, thịt heo và mì, trên mặt có hải sản như tôm, mực hoặc hàu. Đặc biệt hàu là hải sản phổ biến nhất ở đây, có mặt trong rất nhiều món ăn, và Okonomiyaki hàu là món bạn không thể bỏ qua một khi đã đặt chân đến Hiroshima hay các tỉnh phía Tây.
Okayama
Tương tự Hiroshima, Okayama cũng nổi tiếng với Okonomiyaki hàu gọi là Kakioko (かきおこ). Bên cạnh đó, Tsuyama horumon udon (津山ホルモンうどん) cũng là món nổi danh của Okayama. Horumon là bộ lòng động vật được nướng trên chảo thép, sau đó trộn với mì Udon. Món ăn này thường được nhắm với rượu nhưng cũng có thể dùng riêng vẫn rất ngon.
Shimane
Những sợi mì dài, dai làm từ bột kiều mạch trong nước súp chế biến từ nước tương và cá, dùng cùng với rong biển, hành lá, tạo thành món ăn đặc sản của Shimane gọi là Izumo soba (出雲そば). Món mì này có màu sắc sẫm hơn mì Soba thông thường và vị cũng đậm hơn, có chút gắt. Có 2 loại mì Soba là Warigo soba (ăn lạnh) và Kamaage soba (ăn nóng) đều dùng kèm với nước chấm Tsuyu được làm từ đậu nành.
Tottori
Tottori nổi tiếng có nhiều loại lê ngon ngọt được bán trên khắp nước Nhật, thậm chí còn có cả bảo tàng lê và kem làm từ lê với vị ngọt tự nhiên, chẳng khác nào đang nếm một trái lê tươi mát tan trên đầu lưỡi. Với vị trí gần biển, hẳn nhiên hải sản tại đây cũng rất phong phú, nổi bật có cua tuyết Matsuba, rất tươi ngon và là nguồn nguyên liệu dồi dào cho Sashimi, Sushi.
Tại Tottori, Tofu Chikuwa (豆腐ちくわ) cũng rất nổi tiếng. Món này chỉ có duy nhất ở vùng trung tâm và phía Đông Tottori, với đậu phụ và cá xay nhuyễn rồi trộn theo tỉ lệ 7:3 và hấp chín. Món ăn này đơn giản, tiện lợi, dễ ăn và là sự kết hợp của hai loại nguyên liệu giàu protein nên khá bổ dưỡng.
Yamaguchi
Đặc sản nổi tiếng nhất của Yamaguchi là cá Fugu (cá nóc). Cá nóc nổi tiếng là loại cá có độc và có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu chế biến sai cách. Tuy nhiên, thành phố Shimonoseki của Yamaguchi chính là địa điểm tập kết cá nóc nổi tiếng từ xưa và cũng là nơi đầu tiên được hủy lệnh cấm ăn cá nóc. Từ đó, nơi đây đã phát triển kỹ thuật thái lát siêu mỏng, loại bỏ chất độc cá nóc và đưa nó vào thực đơn của các nhà hàng. Ngày nay, cá nóc đã trở thành biểu tượng của tỉnh Yamaguchi, là nguyên liệu của những món Sushi và Sashimi tinh xảo được người người ưa chuộng.
Shikoku
Shikoku là một đảo nằm trong hệ thống 5 đảo chính của quần đảo Nhật Bản và có lẽ là vùng ít được bạn bè quốc tế biết đến nhất trong 8 vùng của nước Nhật. Nằm phía Nam đảo lớn Honshu, Shikoku gồm 4 tỉnh: Ehime, Kagawa, Kochi và Tokushima. Ẩm thực các tỉnh Shikoku nhìn chung mang đậm chất địa phương dân dã với nhiều món có cách chế biến đặc biệt.
Ehime
Tỉnh Ehime là nơi nổi tiếng nuôi trồng cá Tai (cá tráp), nên đặc sản nơi đây là Taimeshi (鯛めし), tức món cơm cá tráp. Có 2 cách làm cơm cá tráp. Cư dân của thành phố Matsuyama nấu cơm với cả con cá trong nồi đất hoặc nồi cơm điện, còn tại thành phố Uwajima thì cách chế biến món này thường là ngâm cá tráp sống trong một loại sốt đặc biệt, thấm đẫm gia vị và ăn cùng cơm. Mỗi phiên bản của Taimeshi đều có sức cuốn hút riêng.
Ngoài ra, niềm tự hào của Ehime còn có cam quýt. Nhờ kỹ thuật được cải tiến trong 100 năm qua, tỉnh sản xuất hơn 210 nghìn tấn cam quýt mỗi năm và chiếm tỉ lệ lớn nhất trong thị trường cam quýt Nhật Bản. Cam Beni Madonna do chính tỉnh Ehime nghiên cứu, hay ngoài ra là cam Mandarin và cam Kanpei, mỗi loại sẽ mang đến một hương vị khác nhau. Vì thế nếu có dịp đến Ehime, bạn nhất định hãy thử cam quýt hoặc thạch, nước ép, bánh kẹo ở đây để ít nhiều cảm nhận sự nổi tiếng của loại trái cây giàu vitamin C này.
Kagawa
Với khí hậu và đất đai thích hợp cho việc trồng lúa mạch, Udon từ xưa đã trở thành món ăn gắn liền với đời sống của người dân Kagawa. Đây là tỉnh sản xuất Udon luộc, Udon tươi và Udon khô nhiều nhất Nhật Bản, đồng thời cư dân Kagawa cũng là những người tiêu thụ Udon nhiều nhất cả nước. Món Udon nổi tiếng nhất ở đây là Sanuki udon (讃岐うどん) với sợi mì dai và dẻo mịn. Bạn có thể ăn với nước dùng nóng, nước dùng lạnh hay với lẩu đều được.
Kochi
Món ăn địa phương nổi tiếng nhất của Kochi là Katsuo no tataki (かつおのたたき), với nguyên liệu là cá ngừ vằn được áp chảo một mặt sao cho lúc phục vụ, phần bên ngoài được nướng chín sơ còn bên trong lại tái. Các miếng cá cắt dày, tẩm muối hoặc nước chấm Ponzu và ăn cùng với hành tây, hành lá, Wasabi, tía tô cùng gừng Myoga.
Tokushima
Tokushima ramen là món ăn nổi bật nhất của tỉnh Tokushima. Tô Ramen ở đây có 3 loại nước dùng phổ biến: nước dùng Tonkotsu với nước tương rất nồng gắt có màu nâu sẫm, nước dùng từ rau củ hoặc thịt gà với nước tương nhạt tạo màu vàng sáng, và nước dùng màu trắng do chỉ dùng nước tương nhạt và Tonkotsu bình thường. Điểm nổi bật là luôn có một quả trứng gà sống trong một tô Tokushima ramen - điều làm nên hương vị khó quên của món ăn.
Kyushu
Nằm ở phía Nam Nhật Bản chính là Kyushu, gồm tổng cộng 8 tỉnh thành: Fukuoka, Kagoshima, Kumamoto, Miyazaki, Nagasaki, Oita, Okinawa, và Saga. Với khí hậu nhìn chung ấm áp hơn các vùng phía trên, ẩm thực Kyushu cũng nở rộ phong phú, một số địa phương còn có nền ẩm thực tương đối khác biệt với phần còn lại của đất nước do vị trí địa lý xa xôi hoặc ảnh hưởng từ ngoại quốc.
Fukuoka
Fukuoka là tỉnh nhộn nhịp nhất vùng Kyushu và là một trong những thánh địa ẩm thực của Nhật Bản. Nhắc đến Fukuoka, Hakata ramen có lẽ là món ăn đầu tiên mọi người nghĩ đến. Món Ramen này nổi bật ở sợi mì rất mảnh, nước dùng màu trắng đục do được ninh từ xương heo trong nhiều giờ. Do sợi mì mảnh dễ nở nên thực khách thường áp dụng Kaedama, tức gọi thêm mì dần dần trong lúc ăn.
Bên cạnh đó, món lẩu Motsunabe (もつ鍋) của Fukuoka cũng nổi tiếng khắp Nhật Bản về độ bổ dưỡng và vị ngon tuyệt vời. Motsunabe làm từ lòng bò hoặc lòng lợn được rửa sạch, khử mùi rồi ninh trong Miso hoặc nước tương cùng với tỏi, hành tây, hẹ, tiêu. Món lẩu này rất giàu collagen và không bị ngán nên được nhiều người ưa chuộng.
Kagoshima
Là tỉnh xa nhất về phía Nam nước Nhật, ẩm thực địa phương Kagoshima có những nét rất riêng biệt so với những nơi khác. Đặc sản ở đây có món Torisashi (鳥刺し) tức Sashimi thịt gà. Thịt phải được làm sạch cẩn thận, thái thành miếng gọn gàng và dùng chung với bột gừng cùng nước tương. Một đặc sản tươi sống khác là món Sashimi làm từ cá Kibinago (một loại cá trích nhỏ, thân màu bạc) ăn cùng sốt hỗn hợp giấm và đậu nành.
Kumamoto
Món cơm thịt bò Akagyu-don (赤牛丼) là đặc sản của Kumamoto. Thịt bò chỉ được nướng tái, phần giữa vẫn còn màu đỏ tươi bắt mắt, được ăn cùng với cơm, một quả trứng lòng đào, hành và Wasabi. Loại thịt bò của Kumamoto này ít béo, thịt mềm dễ ăn, tạo nên một hương vị và kết cấu rất hài hoà.
Miyazaki
Miyazaki Jitokko (宮崎地鶏) là một giống gà địa phương chất lượng cao của tỉnh Miyazaki, được nuôi thả trong môi trường rộng rãi, thoáng đãng nên cho thịt săn chắc và dai ngọt. Cách đơn giản nhất để thưởng thức thịt gà Jitokko là ướp thịt với muối và gia vị rồi nướng bằng bếp than, ăn cùng với sốt vị cam chanh, đảm bảo sẽ tạo nên hương vị khiến bạn phải trầm trồ.
Nagasaki
Đại diện cho Nagasaki là Champon (ちゃんぽん). Món mì này có nguồn gốc từ Trung Quốc, do một người gốc Hoa kinh doanh nhà hàng sáng tạo ra vào cuối thế kỉ XIX. Hiện nay, chi tiết có thể khác nhau tùy nơi bán nhưng trong một tô mì Champon thường có hải sản chiên, thịt lợn và rau củ với nước dùng lấy từ nước hầm xương gà. Sự kết hợp của những thành phần này, theo người dân địa phương, mang đến một món ăn dân dã mà lành mạnh và hẳn nhiên không kém phần ngon miệng.
Oita
Thật thú vị là món gà chiên Toriten (とり天) phổ biến toàn nước Nhật lại có nguồn gốc từ Oita vào thế kỉ XVII, vì thế nó đã trở thành biểu tượng ẩm thực của tỉnh thành này. Thịt gà được phủ bột Tempura rồi chiên ngập dầu cho ra những miếng gà thơm giòn, ăn với nước chấm Ponzu thêm mù tạt tạo thành hương vị rất dễ “gây nghiện” khiến bạn cứ muốn ăn mãi.
Okinawa
Ẩm thực của Okinawa - nơi được mệnh danh “Hawaii của Nhật Bản” chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, rất khác biệt với phần còn lại của Nhật Bản do có khí hậu ấm áp và một lịch sử dài giao thương với nhiều quốc gia. Okinawa soba (沖縄そば) là món ăn đại diện khá rõ cho ẩm thực tỉnh này. Sợi mì giống với mì Trung Quốc - được làm từ bột mì, muối và nước có tính kiềm, ăn cùng với thịt heo, chả cá khoai tây, hành và gừng muối. Cũng có cửa hàng sẽ phục vụ món này với sườn heo đã rút xương trong nước dùng hầm từ xương, gọi là Soki soba (ソーキそば).
Saga
Saga nổi tiếng với nhiều sản vật phong phú từ biển cả, đặc biệt là mực và tảo biển. Mực được khai thác ở khu vực phía Bắc Saga giáp biển Genkai có thân trong suốt, thịt ngọt như tan trong miệng và là nguồn nguyên liệu tươi ngon cho những đĩa Sashimi hảo hạng. Mực được chuyển từ nơi đánh bắt trực tiếp đến nhà hàng, chế biến chỉ trong không quá 1 phút bằng phương pháp Ikizukuri để đảm bảo độ tươi ngon. Ngoài ra, tảo biển ở đây cũng thuộc loại chất lượng bậc nhất cả nước nhờ được nuôi trong vùng nước lợ giàu chất dinh dưỡng và khai thác rất kỳ công.
Xem thêm: Đặc sản 47 tỉnh thành - Kì 2: Chubu, Kansai
kilala.vn