Daifukumochi (大福餅)
Daifukumochi là loại Mochi tròn, nhỏ, mềm mại nhân ngọt lịm làm từ đậu đỏ (anko), đậu trắng (shiroan) hoặc các loại trái cây, vỏ bánh màu hồng nhạt, trắng hoặc xanh nhạt. Gạo nếp được giã nhuyễn cho đến khi thật nhão, nhân bánh được cho vào và vo lại thành hình dạng tùy ý. Hầu như các viên bánh này đều được bọc thêm một lớp bột bắp hoặc bột khoai tây mịn để tránh chúng dính vào nhau và dính vào tay người làm. Vì “daifuku” có nghĩa là “đại phúc”, những chiếc bánh nhỏ ngọt ngào này còn được gọi là những chiếc Mochi hạnh phúc, mang niềm vui và may mắn đến với người thưởng thức chúng.
Sakuramochi (桜餅)
Hẳn nhiên, tên gọi Sakuramochi lấy cảm hứng từ hoa anh đào (sakura) - biểu tượng của vẻ đẹp Nhật Bản. Bánh có màu hồng nhạt hệt như màu hoa anh đào lúc nở rộ, với nhân bánh thường là đậu đỏ hoặc đậu trắng. Tương tự Daifukumochi, Sakuramochi cũng làm từ gạo nếp giã nhuyễn, chỉ là gạo sẽ không được giã nhuyễn hoàn toàn nên vỏ bánh trông có vẻ “xù xì” hơn. Một chiếc lá anh đào muối được dùng bọc ngoài viên bánh Mochi, tạo nên sự hài hoà thú vị của hai vị ngọt - mặn. Người Nhật thường thưởng thức Sakuramochi vào lễ Hinamatsuri (Ngày của bé gái) hoặc trong các dịp ngắm hoa mùa xuân.
Warabimochi (蕨餅)
Khác biệt với nhiều loại Mochi còn lại, Warabimochi không làm từ gạo nếp mà từ tinh bột của warabi (cây dương xỉ). Bánh thành phẩm có dạng thạch, màu trong sáng đẹp mắt, vị thanh mát phù hợp giải nhiệt trong mùa hè nóng bức, có lẽ vì thế nó đặc biệt được ưa chuộng ở Okinawa và Kansai - nơi có nền nhiệt tương đối cao so với các tỉnh khác. Thực tế, vị của Warabimochi khá nhạt nên thường được dùng cùng bột kinako (bột đậu nành) hoặc siro kuromitsu (siro đường nâu), tạo thành một món tráng miệng ngọt ngào lại mềm trơn dễ ăn.
Botamochi/ Ohagi (ぼた餅/お萩)
Botamochi và Ohagi đều là bánh giầy với lớp áo đậu đỏ (có thể thay bằng kinako hoặc mè đen) bọc quanh một viên cơm nếp trắng, tuy đơn giản nhưng lại tạo nên hương vị hoà quyện khó cưỡng. Mọi người ăn hai loại bánh này trong ngày lễ Ohigan của Phật giáo được tổ chức vào hai mùa xuân thu. Botamochi, với tên gọi lấy cảm hứng từ hoa mẫu đơn (botan), thường được thưởng thức vào mùa xuân trong khi Ohagi lại thường được ưa thích trong mùa thu bởi vì “hagi” là chỉ bụi cỏ ba lá có hoa nở vào mùa thu.
Kuzumochi (葛餅)
Kuzumochi được làm từ bột kuzu (bột sắn dây) Nhật Bản và bột đậu tương, tạo nên món bánh Mochi dai dai mềm mềm ăn rất vui miệng. Tương tự Warabimochi, Kuzumochi thanh mát rất được ưa thích vào mùa hè và thường được dùng với bột kinako hoặc siro kuromitsu. Ngoài ra, ta còn có thể ăn Kuzumochi với một muỗng nhỏ mứt đậu đỏ ngọt. Và do không dùng gạo hay sữa, Kuzumochi là một món thuần chay, thanh đạm mà bất cứ ai cũng có thể thoải mái thưởng thức.
Kusamochi (草餅)
Khoác chiếc áo màu xanh mát mắt của cỏ (kusa) và hình thức tròn nhỏ gọn, Kusamochi là loại bánh được làm từ gạo nếp và bột yomogi (ngải cứu), với nhân ngọt đa dạng. Kusamochi được ưa chuộng vì có thêm lá ngải cứu tốt cho sức khỏe, đồng thời cũng thường được thưởng thức với các loại Mochi khác vào mùa xuân - mùa của hoa lá đâm chồi nảy lộc.
Hishimochi (菱餅)
Hishimochi là món bánh ba lớp hình thoi rất phổ biến trong lễ Hinamatsuri dành cho các bé gái ở Nhật. Bánh thường sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên với lớp màu hồng thơm mùi hoa nhài, lớp màu trắng làm từ củ ấu còn lớp màu xanh làm từ ngải cứu, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo giữa hương và vị. Màu hồng đại diện cho màu hoa mận đua nở và hàm ý cầu sức khỏe tốt, màu trắng đại diện cho mùa đông và mong ước trường thọ, còn màu xanh biểu trưng cho màu xuân với sự sống sinh sôi.
Hanabiramochi (花弁餅)
“Hanabira” có nghĩa là cánh hoa, thế nên Hanabiramochi chính là loại Mochi dẹt có hình cánh hoa. Món bánh này thuở xưa chỉ phổ biến ở cố đô Kyoto và chỉ giới quý tộc mới có cơ hội thưởng thức chúng dễ dàng. Hanabiramochi thường gồm một miếng Mochi lớn mềm mại bóp dẹt thành hình cánh hoa quanh một mẩu rễ củ ngưu bàng, bao bọc lớp nhân ngọt màu hồng phấn là hỗn hợp đậu đỏ và miso bên trong, tạo nên món bánh cánh hoa trang nhã.
Kirimochi/ Marumochi (切り餅/丸餅)
Ngoài các loại Mochi ngọt ngào và rực rỡ, người Nhật vẫn rất ưa thích Kirimochi hay Marumochi, tức bánh Mochi “trơn”. Hai loại Mochi này không ngọt, cũng hầu như không vị, được chế biến ra theo dạng khối trắng trơn (Kirimochi) hoặc hình tròn (Marumochi) rồi đóng gói để bảo quản lâu dài. Bạn có thể dùng lò vi sóng hấp một chút cho bánh mềm rồi thưởng thức với nước tương, nướng bánh chấm với các loại sốt, hoặc dùng nấu lẩu, nấu canh và nhất là nguyên liệu quan trọng cho món súp ozoni truyền thống thường có trong ngày Tết Nhật Bản.
kilala.vn