Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Xu hướng “mua sắm trả thù” ở Nhật vào dịp cuối năm

Xã hội Nhật Bản    • Dec 9, 2021

Bài: Rin
Nguồn: nikkei.com
Ảnh bìa: economictimes, diamond.jp

Sau thời gian dài giãn cách xã hội và không thể mua sắm vì dịch COVID-19, làn sóng “mua sắm trả thù” đang diễn ra mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021 tại Nhật Bản. 

Nhiều người Nhật bắt đầu “vung tiền” nhiều hơn vào các mặt hàng xa xỉ để thỏa mãn nhu cầu sắm sửa trong dịp cuối năm 2021 và chuẩn bị đón năm mới 2022, kéo theo đó là sự nở rộ của sản phẩm túi may mắn Fukubukuro với đa dạng chủng loại và giá thành. Đồng thời, dịch COVID-19 cũng khiến xu hướng chọn quà Giáng sinh của người Nhật có sự thay đổi.

Mua sắm trả thù là gì?

Mua sắm trả thù (revenge spending/ revenge shopping), hay “リベンジ消費 – Ribenji Shouhi” trong tiếng Nhật, chỉ việc "vung tiền" chi tiêu sau một khoảng thời gian dài tiết kiệm trước đó. Thuật ngữ này trở nên phổ biến khi chứng kiến người Trung Quốc đổ xô đi mua sắm sau khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ. Không chỉ riêng tại quốc gia này, hiện tượng mua sắm trả thù xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới sau thời gian dài không thể chi tiêu vì dịch COVID-19.

Khi khách hàng tham gia mua sắm trả thù, họ thường có xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, thay vì mua các sản phẩm tầm trung hoặc giá hời, để bù đắp cho việc “thiếu xa xỉ" mà họ đã trải qua trước đó. 

mua-sam-tra-thu-nhat-ban
Xu hướng "mua sắm trả thù" xuất hiện bởi dịch COVID-19. Ảnh: nikkei.com
/banner

Làn sóng “mua sắm trả thù” vào dịp cuối năm ở Nhật diễn ra như thế nào?

Trong những tháng cuối năm 2021, khi Giáng sinh và năm mới đang đến gần, tại các cửa hàng bách hóa ở Nhật Bản, doanh thu của những mặt hàng xa xỉ đang tiến triển rất khả quan. Hoạt động trên sàn thương mại điện tử của các cửa hàng này cũng được tăng cường, hướng tới mùa mua sắm cuối năm và bán túi may mắn Fukubukuro cho dịp năm mới. 

Theo một khảo sát về xu hướng kinh tế do Văn phòng Nội các công bố vào tháng 10, các chỉ số đánh giá tình hình kinh tế hiện tại so với 3 tháng trước đều tăng kỷ lục. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm 9 tháng, Nội các ghi nhận được con số này. Các dấu hiệu cho thấy tình hình mua sắm được phục hồi bắt đầu xuất hiện ở Nhật khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ và số lượng ca nhiễm COVID-19 mới giảm mạnh. 

so-ca-nhiem-covid-19-nhat-ban-giam
Tình hình mua sắm ở Nhật có dấu hiệu tích cực nhờ số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh. Ảnh: japantimes.co.jp

Xem thêm: Các giả thuyết phía sau sự "biến mất" thần kỳ của COVID-19 ở Nhật

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ước tính rằng “tiết kiệm bắt buộc” đang được tích lũy nhiều hơn do hạn chế tiêu dùng trong đợt giãn cách xã hội, do đó, xu hướng mua sắm trả thù được kỳ vọng sẽ diễn ra trong giai đoạn này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron và nguy cơ làn sóng COVID-19 mới đang âm ỉ cũng là các biến số có thể sẽ gây ảnh hưởng. Tờ Nikkei đã khảo sát xu hướng mua sắm và kích cầu tại các cửa hàng bách hóa Nhật Bản trong dịp mua sắm cuối năm nay. 

Doanh số túi may mắn Fukubukuro trên Internet tăng mạnh

Là những chiếc túi màu đỏ may mắn, Fukubukuro chứa các sản phẩm bí mật bên trong thường được các thương hiệu tung ra vào dịp cuối năm. Điều đặc biệt của Fukubukuro là người mua không biết túi chứa gì bên trong cũng như tổng giá trị của những vật phẩm đó có thể cao hơn, thấp hơn hoặc bằng với số tiền mà người mua bỏ ra. Nếu may mắn, khách hàng có thể mua túi với món quà trị gấp 10 lần số tiền chi tiêu. Do vậy, việc mua túi Fukubukuro là một cách để đón may mắn trong năm mới của người Nhật. Trong những tháng cuối năm 2021, túi Fukubukuro đang được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. 

Một khách hàng nữ ngoài 30 ở Kyoto đã mua túi Fukubukuro trên Internet chia sẻ: “Tôi đã quyết định mua túi Fukubukuro sau khi nhìn thấy phần hướng dẫn phối đồ trên Instagram. Tôi rất vui khi đã mua được trong vòng vài chục phút trước khi bán hết”. Túi Fukubukuro của cô bao gồm áo khoác, áo thun, túi xách...

tui-may-man-fukubukuro
Túi may mắn Fukubukuro của Mitsukoshi Isetan bán vào năm 2020. Ảnh: akahi-zakki-524.com

Người phụ trách quan hệ công chúng của chuỗi cửa hàng bách hóa hàng đầu Nhật Bản Mitsukoshi Isetan chia sẻ trước thềm năm mới: “Tôi hy vọng chúng ta có thể trải qua kỳ nghỉ Tết tươi sáng sau hai năm COVID-19”. Về triển vọng doanh số trong đợt bán đầu tiên vào dịp cuối năm nay, Mitsukoshi Isetan kỳ vọng sẽ đạt được doanh thu như năm 2018, trước khi dịch COVID-19 ập tới và chính sách tăng thuế tiêu thụ chưa được áp dụng. 

Matsuya, chuỗi nhà hàng lâu đời tại Nhật, cũng đã mở rộng nhiều loại sản phẩm cho chiến dịch bán túi may mắn Fukubukuro vào dịp cuối năm, chẳng hạn: “Túi Fukubukuro trà chiều” với giá 16.500 yên, bao gồm một cặp vé uống trà chiều và 2 chiếc đầm liền thân; “Túi Fukubukuro Ginbura” với giá 55.000 yên, gồm cặp vé ăn uống tại nhà hàng và bộ đồ vest. Đại diện Matsuya cho biết: “Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới đang giảm, chúng tôi mang đến các túi Fukubukuro với hy vọng sẽ thúc đẩy hoạt động vui chơi giải trí của mọi người”. 

matsuya-tui-fukubukuro
Matsuya ra mắt túi Fukubukuro vào tháng 10/2021. Ảnh: wwdjapan.com

Ngoài ra, nhu cầu muốn tận hưởng trọn vẹn thời gian ở nhà vẫn còn được duy trì mạnh mẽ. Do vậy, Matsuya cũng chuẩn bị túi Fukubukuro với giá 506.000 yên gồm phòng xông hơi tại nhà và dầu gội. Còn tại cửa hàng chính Seibu Ikebukuro của Sogo & Seibu, họ ra mắt “Túi Fukubukuro thiền” với giá 4,95 triệu yên bao gồm các khóa học trực tuyến về thiền và thiết bị giúp thư giãn trong quá trình học. 

Theo các chuỗi cửa hàng bách hóa lớn, doanh thu hiện có là nhờ tập trung vào sản phẩm xa xỉ và khách hàng có thu nhập cao. Đặc biệt, doanh số bán hàng trên sàn thương mại điện tử mà mỗi công ty hướng tới đồng loạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Matsuya, đợt bán túi Fukubukuro đầu tiên trên sàn thương mại điện tử đã bắt đầu từ ngày 17/11 và đạt được khởi đầu tốt đẹp với hơn 20% túi chuẩn bị đã được bán ra, tính đến hết tháng 11. 

Thực phẩm cho những dịp đặc biệt và trang sức được ưa chuộng

Dự kiến sẽ có nhiều người thưởng thức bánh Giáng sinh và món Osechi tại nhà trong dịp nghỉ lễ cuối năm và năm mới, chuỗi cửa hàng bách hóa Sogo & Seibu đang tăng cường khuyến mại cho khách đặt hàng trước. Tại cửa hàng chính Seibu Ikebukuro, đơn đặt trước bánh Giáng sinh vào cuối tháng 10 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đơn đặt hàng món Osechi cho năm mới tính đến ngày 08/11 cũng tăng gấp 1,5 lần. Hơn nữa, các sản phẩm đắt tiền cũng đang được tiêu thụ rất tốt tại Seibu Ikebukuro. 

osechi

Món Osechi của Sogo & Seibu dành cho năm mới 2022. Ảnh: prtimes.jp

Đặc biệt, vì dịch COVID-19 cần phải khử khuẩn tay sạch sẽ nên quà tặng Giáng sinh năm nay đã dần chuyển hướng từ nhẫn sang dây chuyền. Trên các sàn thương mại điện tử, doanh số bán trang sức đạt con số cao nhất trong vòng 19 năm qua. 

Ngay cả tại Mitsukoshi Isetan, các mặt hàng đắt tiền đến từ những thương hiệu cao cấp hay đồng hồ thời trang cũng đang được tiêu thụ ở top đầu. Các loại trang phục dày như áo phao hay áo choàng cũng góp phần làm tăng doanh số bán hàng nhờ vào nhóm khách hàng trung lưu. Các mặt hàng liên quan đến thời trang ở Mitsukoshi Isetan tính đến ngày 14/11 có mức tăng đáng kể: 20% so với cùng kỳ năm trước. 

Tiền thưởng cuối năm có thúc đẩy xu hướng “mua sắm trả thù”? 

Điểm mấu chốt trong tâm lý của người tiêu dùng vào dịp cuối năm và đầu năm mới chính là cách sử dụng tiền thưởng mùa đông và khoản “tiết kiệm bắt buộc” tại các hộ gia đình, kết quả từ việc không có cơ hội mua sắm vì dịch COVID-19. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ước tính khoản tiết kiệm bắt buộc trong năm 2020 đã đạt tới 20 nghìn tỷ yên. Theo Mitsubishi UFJ Research & Consulting , dự báo khoản tiền thưởng mùa đông sẽ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số tiền thưởng, tích số giữa số tiền trả cho một người lao động với số lượng người lao động đủ điều kiện nhận, ước tính là 16,5 nghìn tỷ yên, tăng 2,3% so với năm trước. Vì số lượng người lao động nhận tiền thưởng tăng lên, nên theo Mitsubishi UFJ, điều này cũng góp phần thúc đẩy xu hướng “mua sắm trả thù” sau khi các ca nhiễm COVID-19 giảm. 

mua-sam-tra-thu-tang-vi-tien-thuong-mua-dong-tang
Khi số lượng người lao động nhận tiền tăng, xu hướng "mua sắm trả thù" cũng có thể tăng theo. Ảnh: yomiuri.co.jp

Mặt khác, theo khảo sát của Loyalty Marketing có trụ sở tại Shibuya, Tokyo, người Nhật có xu hướng sử dụng tiền thưởng như sau: 40% dành cho “Tiền tiết kiệm/ Tiền gửi”, quần áo và thực phẩm chỉ chiếm dưới 5%. Phần nào có thể thấy người Nhật rất chú trọng vào vấn đề tiết kiệm.

Naoko Kuga, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu Nisseikiso cho biết: “Nếu dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay thì việc tiêu dùng cho các dịch vụ như du lịch, giải trí và ăn uống từng bị kìm hãm trong đợt dịch, có thể sẽ tăng lên”. 

kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top