"Rich kid" Nhật Bản vì sao lại ít được nhắc đến?
Xã hội Nhật Bản
Bài: Ái Thương
Tham khảo: carterjmrn.com
Những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình sở hữu khối tài sản khổng lồ tại xứ Phù Tang khiến thế giới phải bất ngờ vì cuộc sống quá đỗi bình dân, không toát ra "mùi tiền" của giới siêu giàu.
Có một thời trong giới trẻ rộ lên trào lưu "rich kid", khoe khoang cuộc sống sang chảnh với đồ hiệu, nhà lầu, xe sang. Bàn về đến sự phô trương thân thế, “tiêu tiền như nước” trên mạng xã hội thì không thể bỏ qua hội “phú nhị đại” Trung Quốc. Thế nhưng theo bảng xếp hạng HNWI thì ở châu Á Trung Quốc chỉ đứng thứ hai, vị trí quán quân thực chất lại thuộc về Nhật Bản.
HNWI (High-Net-Worth Individual) là thuật ngữ chỉ cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (từ 1 triệu USD trở lên). Đây là một khái niệm trong tầng lớp thượng lưu, đo lường khối tài tài sản có giá trị ròng và thanh khoản cao thuộc sở hữu của cá nhân hoặc dựa vào gia đình của người đó.
Người Nhật đứng đầu bảng xếp hạng HNWI ở châu Á và đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau nhóm người giàu có nước Mỹ. Theo số liệu thống kê vào năm 2017 của carterJMRN, chỉ số trung bình HNWI của Nhật Bản trị giá khoảng 2,5 triệu USD/người và tổng khối tài sản chung là 7,7 nghìn tỷ USD, cao hơn nhiều so với 6,5 nghìn tỷ USD mà giới nhà giàu Trung Quốc sở hữu.
Trên thế giới, nhóm người siêu giàu được cho là chỉ chiếm 1% dân số và có một cuộc sống sung túc với vẻ ngoài sang chảnh, quý phái, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt so với các tầng lớp còn lại của xã hội khi nhìn vào. Tuy nhiên, ở Nhật thì lại trái ngược hoàn toàn, rất khó để phát hiện ra người giàu dựa trên dáng vẻ bề ngoài vì họ trông họ rất bình dân.
Rich kid Nhật nói không với sự khoe khoang
Lối sống xã hội Nhật Bản rất khác với các quốc gia khác. Nếu như Trung Quốc và các nước châu Á thường công khai khối tài sản kếch xù để thể hiện đẳng cấp và làm gia tăng sự phát đạt thì ở Nhật đó là một điều “đáng xấu hổ”.
Tương truyền rằng, từ thời kỳ Edo (1603-1867), xã hội Nhật
đã ban hành luật lệ ngăn cấm việc khoe khoang của cải, vật chất và tài
sản, vì vậy người Nhật thường hạn chế thể hiện sự giàu có của mình ra
bên ngoài. Có một điều thú vị là ở Nhật, không phải cứ giàu ắt sẽ mặc đồ
hiệu, đi xe sang. Có nhiều người giàu không xây dựng lâu đài, biệt thự
hay ở trong căn hộ đắt tiền, họ còn sử dụng phương tiện công cộng để di
chuyển, ăn uống ở các nhà hàng bình dân, có lối sống không khác gì một
người bình thường.
Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy những tỷ phú giàu nhất xứ Nhật như Masayoshi Son hay Tadashi Yanai xuất hiện với phong cách giản dị, gần gũi, rất đời thường. Thông tin về con cái của họ ít khi được cập nhật trên báo chí hay phát trên bản tin truyền hình. Thế nên, đời sống giàu sang của hội rich kid này dường như là một điều bí ẩn, không ai hay biết.
Những cậu ấm cô chiêu được giáo dục ngay từ khi còn thơ bé về đức tính khiêm tốn, theo đuổi tư tưởng không phô trương và sống như những người khác trong cộng đồng. Với người Nhật, hành vi khoe khoang những thứ không tự mình làm ra của hội con nhà giàu sẽ bị cộng đồng đánh giá là có năng lực thấp kém, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh danh của gia đình hay gia tộc.
Với tư tưởng sống này, người giàu xứ Nhật mang đến sự hài hòa trong xã hội, tạo sự cân bằng giữa các tầng lớp trong cộng đồng. Từ đó, họ nhận được sự tôn trọng, ngưỡng mộ của mọi người.
Những đứa trẻ sinh ra ở vạch đích được giáo dục để đi đến đích
Điều này nghe thật mâu thuẫn vì đã sinh ra ở vạch đích rồi thì tại sao lại phải cố gắng để đi đến đích? Nhưng với hội rich kid Nhật thì khác, sinh ra trong một gia đình giàu có không có nghĩa là bạn sẽ có tất cả.
Con nhà giàu Nhật Bản ngay từ nhỏ đã được dạy cách kiếm tiền. Những đứa trẻ được cha mẹ đầu tư về giáo dục, cung cấp kiến thức cùng kinh nghiệm kinh doanh để trở thành người kế nghiệp, lãnh đạo tập đoàn.
Theo thống kê, khoảng hơn 50% giới con nhà giàu có khả năng tự kinh doanh độc lập mà không dựa trên tài sản hay mối quan hệ của gia đình. Ví dụ điển hình cho việc nhà giàu tự lập này là Akio Toyoda, cháu nội của người sáng lập tập đoàn Toyota - Kiichiro Toyoda.
Akio Toyoda hiện là chủ tịch của Toyota, nhưng trước khi giành được vị trí đứng đầu tập đoàn, ông đã có quá trình thăng tiến như bao người khác. Ông học Luật tại Đại học Keio, nhận bằng MBA của Đại học Babson ở Boston, đến New York làm tư vấn đầu tư tại ngân hàng. Sau đó, năm 27 tuổi, ông nộp hồ sơ xin việc vào Toyota với lý lịch gia đình được giấu kín. Và Akio Toyoda giống như mọi nhân viên khác đã trải qua các vòng thi để được tuyển dụng. Ban đầu ông giữ chức vụ nhân viên tại một chi nhánh nhỏ rồi cố gắng phấn đấu trong 16 năm để trở thành Giám đốc của Toyota Motor Corporation vào năm 2000. Đến năm 2009, khi 52 tuổi, ông chính thức giữ chức Chủ tịch tập đoàn.
Theo đuổi lối sống tối giản
Hiện nay, giới trẻ Nhật yêu thích lối sống tối giản. Đó là phong cách sống Danshari (断捨離 - Đoạn Xá Li), nghĩa là từ bỏ nhu cầu vật chất phù phiếm và sống đơn giản hết mức có thể. Hội rich kid Nhật cũng sống theo trào lưu đó.
Điều này không có nghĩa là con nhà giàu Nhật Bản không tiêu tiền, họ chỉ là không chạy theo nhu cầu về vật chất mà tập trung thỏa mãn đời sống tinh thần. Họ sẵn sàng chi một số tiền lớn để sở hữu tác phẩm nghệ thuật yêu thích hay trải nghiệm chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Họ đầu tư, chi tiêu vào những thứ quan trọng nhất khiến mình cảm thấy thoải mái, hạnh phúc thực sự thay vì hoang phí tiền bạc vào những vật phẩm xa xỉ để phô trương.
Sống
tối giản, khiêm tốn và quý trọng những gì mình làm ra là những điều mà
giới trẻ giàu có nước Nhật đang thể hiện cho thế giới thấy.
kilala.vn