Trẻ em là những tâm hồn non nớt cần được bảo vệ bởi chỉ cần 1 tổn thương nhỏ cũng đủ để chúng mang nỗi ám ảnh đến suốt cả cuộc đời. Vậy nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng được bố mẹ yêu thương và không phải lúc nào chúng cũng có đủ dũng cảm để đòi lại công bằng cho chính mình. Và đôi khi, điều chúng muốn nói lại được thể hiện thông qua những bức tranh vẽ kỳ quặc. Tương tự như câu chuyện gây xôn xao mạng xã hội Nhật Bản nhiều ngày qua.
Vào ngày 13/6 vừa qua, tài khoản Twitter @xRUI39 do người phụ nữ tên Rui đã chia sẻ bức ảnh thu hút sự chú ý của dân mạng. Theo Rui, đây là khu vực trưng bày tác phẩm do các em nhỏ vẽ để chuẩn bị ăn mừng Ngày của Cha sắp tới tại siêu thị.
Nhìn hết 1 lượt thì đập vào mắt Rui là bức vẽ gương mặt được tô đỏ, đôi mắt trợn tròn cùng nụ cười đáng sợ. Phía dưới là dòng tin nhắn: "Bố đã vất vả rồi, mẹ mau về nhà nhé". Theo lời nhân viên siêu thị, bức vẽ này được 1 đứa trẻ tầm 5 tuổi mang đến nhưng không rõ chính em là người vẽ hay ai khác.
Sau khi được chia sẻ, bức ảnh trở thành đề tài bàn tán của cư dân mạng. Nhiều người tinh mắt phát hiện bên cạnh gương mặt đáng sợ kia là chi tiết 1 người đang nắm vào sợi dây cộng với chiếc ghế bị xô ngã giữa sàn, trông hệt như vụ treo cổ tự sát. Hầu hết mọi người đều nghi ngờ đứa trẻ là nạn nhân bị bạo hành và bức vẽ chính là lời kêu cứu trong vô vọng của em.
"Đứa trẻ cần được giúp đỡ. Bức vẽ thật đáng báo động. Đứa trẻ còn bảo mẹ nhanh về, có lẽ như nó muốn được giải thoát khỏi điều gì đó ở nhà, có thể là kẻ bạo hành. Hy vọng đứa trẻ sẽ nhận được sự giúp đỡ, chẳng hạn như chuyên gia tâm lý" - trích bình luận của 1 dân mạng. Được biết, sau khi nhận được nhiều cuộc gọi và phản hồi về bức vẽ, siêu thị đã tiến hành tháo gỡ nó đồng thời liên hệ, yêu cầu cơ quan chính quyền vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.
Tại Cộng hòa Trung Phi, tổ chức UNICEF tổ chức chương trình khuyến khích những đứa trẻ phác họa chấn thương tâm lý của chính mình gây ra bởi sự kiện kinh hoàng chúng từng trải qua và xem đây là phương pháp điều trị hiệu quả dành cho các tâm hồn bị tổn thương. Chuyên gia tâm lý cho rằng dù sự việc đã kết thúc hay chưa thì những trải nghiệm ấy sẽ luôn in hằn trong tâm trí nạn nhân nhỏ tuổi. Đứa trẻ trong câu chuyện trên cũng có thể đã và đang trải qua năm tháng tối tăm của cuộc đời và cần được giúp đỡ.
kilala.vn