Bi kịch những đứa trẻ Nhật Bản gánh trên vai trách nhiệm gia đình
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Ái Thương
Xã hội Nhật Bản tồn tại một thực trạng đáng buồn, đó là những đứa trẻ phải tập làm người lớn sớm, gồng mình nhận lấy nghĩa vụ chăm sóc người thân, chấp nhận đánh mất tuổi thơ vô tư, hồn nhiên.
Những số phận bên lề xã hội
Nobody Knows - một tác phẩm điện ảnh giàu tính nhân văn đã giúp nam diễn viên Yuya Yagira giành Giải Nam chính Xuất sắc nhất với vai Akira. Năm ấy, Yuya đã đi vào lịch sử khi trở thành diễn viên trẻ nhất (14 tuổi) nhận được giải thưởng này tại LHP Cannes danh giá.
Nhân vật Akira là một cậu bé 12 tuổi, em mang trong mình một tâm hồn ngây thơ, trong sáng, khao khát được yêu thương, có bố có mẹ đầy đủ, được đến trường, kết bạn và vui chơi. Tuy nhiên hiện thực lại nghiệt ngã vô cùng, Akira bị mẹ bỏ rơi, không biết cha mình là ai và phải chăm sóc cho các em, ba đứa trẻ cũng có số phận hẩm hiu như vậy.
Akira được khắc họa như một người nội trợ thực thụ. Em làm tất cả mọi việc như mua sắm, nấu ăn, quét dọn, lo toan tính toán chi tiêu để trang trải sinh hoạt phí trong nhà. Dù chỉ là trẻ em nhưng Akira phải khoác lên mình nghĩa vụ nặng nề của một người lớn. Em là một cậu bé tội nghiệp và đáng thương.Quay trở lại vụ án năm đứa trẻ bị bỏ rơi ở Sugamo, người mẹ đã bỏ lại chúng để chạy theo tình nhân, chỉ để lại 50.000 yên cho đứa lớn nhất và dặn hãy trông chừng các em. Đến khi cảnh sát phát hiện ra, tức thời điểm 9 tháng sau vụ việc, hai trong số năm em đã không thể sống sót, ba đứa trẻ còn lại đều trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Vụ án này đã từng gây chấn động xã hội Nhật Bản trong thập niên 80.
Và có một điều đáng buồn là ở xã hội Nhật Bản hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều trường hợp giống như Akira hay những đứa trẻ ở Sugamo ngày ấy, tuy mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau. Thực trạng này được các chuyên gia nghiên cứu xã hội gọi là "young carer", những người chăm sóc trẻ tuổi.
Thực trạng trẻ em bị “người lớn hóa"
Thuật ngữ "young carer” mang nghĩa người chăm sóc trẻ tuổi, cụ thể hơn là trẻ em dưới 18 tuổi đảm nhận trách nhiệm chăm sóc các thành viên trong gia đình theo cách mà người lớn từng làm. Ngoài việc đến trường học tập, những đứa trẻ này còn phải đảm đương nhiệm vụ chăm sóc người thân trong gia đình khi họ bị ốm, khuyết tật hoặc già yếu.Theo Nippon, đã có một cuộc khảo sát trực tuyến của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi diễn ra từ tháng 12/2020 đến tháng 02/2021 trên 170.000 học sinh từ độ tuổi 12 - 18 về chủ đề "young carer”.
Kết quả khảo sát cho thấy 5,7% học sinh trung học cơ sở năm thứ hai và 4,1% học sinh trung học phổ thông được cho là đang thực hiện nhiệm vụ người chăm sóc. Trong đó hơn 45% các em cho biết làm việc này gần như hàng ngày và 17% thì chỉ làm từ 3 - 5 ngày trong một tuần. Trung bình, các học sinh dành 4 giờ mỗi ngày để thực hiện những công việc chăm sóc. Con số này thật đáng kinh ngạc và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn nước Nhật.
Các em chủ yếu chăm người thân trong gia đình và cung cấp dịch vụ cho gia đình khác theo yêu cầu. Công việc chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, phục vụ bữa ăn và trông nom trẻ nhỏ, người già hoặc người bị bệnh hay tàn tật.
“Young carer” dần phổ biến trong cuộc sống xã hội hiện đại tại Nhật, nhất là thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành 2 năm gần đây. Bên cạnh đó, dân số già hóa, gia đình đơn thân gia tăng (Nhật Bản hiện có số hộ gia đình đơn thân cao hơn so với 30 năm trước và hiện có khoảng 1,23 triệu bà mẹ đơn thân đang nuôi con một mình), việc các bậc phụ huynh mải mê với công cuộc mưu sinh, phát triển kinh tế đã vô tình đã đẩy một bộ phận những đứa trẻ ở tuổi dậy thì phải học cách tự lập, chăm lo cho chính mình và người thân.
Xem thêm: Oya-gacha: Từ lóng phơi bày bi kịch của người trẻ Nhật Bản
Nỗi buồn của những “young carer”
Những ảnh hưởng về tâm lý
Theo cuộc khảo sát mà Nippon đề cập khi phỏng vấn các học sinh, có em chia sẻ rằng phải giúp đỡ và chăm sóc cho các em thay mẹ mình, bố mẹ em đã ly hôn và người bố thì không hỗ trợ tài chính. Điều này khiến kết quả học tập bị ảnh hưởng vì em thường xuyên đi học muộn hay phải nghỉ học. Một em khác bày tỏ mình phải chăm sóc thành viên trong gia đình bị tàn tật nặng nên đã ngừng đi học và cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
Việc luôn phải chăm sóc cho người khác ở độ tuổi còn nhỏ khiến các em cảm thấy bị áp lực, ảm đạm về tương lai. Nhiều em đã nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát."
Hệ quả mà “young carer” phải đối mặt là stress nặng, trầm cảm và bất ổn về mặt tinh thần lẫn cảm xúc. Thay vì vui chơi, học tập, tham gia các câu lạc ở trường, hoạt động ngoại khóa thì các em phải làm công việc nhà, học cách chăm lo cho người khác, thậm chí là tính toán các chi phí sinh hoạt, cách giải quyết để trả các hóa đơn.
Sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như cơ hội học tập của chúng dần sụt giảm. Các em dường như cảm thấy ảm đạm về tương lai, phải đấu tranh với những áp lực vô hình quá sớm trong khi nhận thức vẫn chưa kịp phát triển hay thích ứng với hoàn cảnh. Có nhiều em đã nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát.
Đâu là ranh giới giữa tự lập và "young carer"?
Nhiều phụ huynh cho rằng “young carer” chính là hình thức để con cái của họ hình thành sự tự lập sớm, một cách giáo dục kiểu mới. Nhưng họ không biết rằng điều đó đang vô tình đè nặng áp lực lên những đứa trẻ. Chúng đã quá mệt mỏi với kết quả học tập, thi đua thành tích ở trường, nay còn phải chu toàn mọi việc ở nhà, sống như những người nội trợ chính của gia đình. Việc không có sự thấu hiểu, yêu thương khiến một thế hệ trẻ em Nhật Bản bị "ép chín" trong một môi trường khắc nghiệt.
Khi "young carer” trở nên đáng báo động, truyền thông Nhật Bản cũng tích cực đưa tin về hiện tượng này. Chính quyền địa phương đã đưa ra các chính sách hỗ trợ như cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng công cộng và các dịch vụ phúc lợi khác. Tuy nhiên đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời vì suy cho cùng, thực trạng này xuất phát từ chính hoàn cảnh của mỗi gia đình. Nhận thức, trách nhiệm, tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ của cha mẹ mới giúp các em học sinh thoát khỏi sự bế tắc khi phải trở thành người chăm sóc trẻ tuổi.
Xem thêm: Hochigo: những đứa trẻ bị bỏ rơi trong xã hội Nhật Bản
kilala.vn