Võ sĩ đạo: Giá trị cốt lõi của tâm hồn Nhật
Văn hóa Nhật Bản
Bài: KIM OANH Ảnh: PIXTA
Samurai - Bushi và Bushido
Phần lớn người nước ngoài thường biết đến từ Samurai như một danh xưng dành cho các võ sĩ. Samurai (侍) xuất phát từ động từ Saburau (候う), dùng để chỉ những người phục vụ và bảo vệ tầng lớp quý tộc cung đình thời Heian (794 - 1185). Dần dần, Samurai được phép sử dụng ngựa, cung tên khi làm việc và trở thành một tầng lớp mới trong xã hội. Bước vào thời đại Kamakura (1185 - 1333), người đứng đầu dòng họ Taira (vốn có xuất phát điểm là võ sĩ) là Yorimoto Minamoto được Thiên hoàng chính thức phong chức Tướng quân - Shogun. Kể từ đó, võ sĩ được gọi là Bushi (武士), được phép mang kiếm, trở thành tầng lớp lãnh đạo, có nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội cũng như chi phối nhiều mặt trong đời sống văn hóa Nhật Bản.
Cho đến thời đại Muromachi (1338-1573), võ sĩ đã tích lũy thêm nhiều kiến thức về thi ca, Trà đạo, Hoa đạo, Thiền tông... nhằm thu hẹp khoảng cách giữa xuất thân bình dân với vị trí xã hội cao quý của mình. Đến cuối thời Edo (1600 -1868), giá trị về đạo đức của một võ sĩ dần được khẳng định trong một hệ thống nguyên tắc gọi là Võ sĩ đạo - Bushido (武士道). Giống như Hoa đạo, Trà đạo, Kiếm đạo, chữ “đạo” trong Võ sĩ đạo cũng có nghĩa là một con đường, một phong cách, một triết lý và một hệ thống có nguyên tắc rõ ràng. Bộ quy tắc được các võ sĩ tuân thủ và đặt lên hàng đầu này đều là những giá trị tinh hoa kết tinh từ Thần Đạo, Phật Giáo, Khổng Giáo và cả những triết lý của Mạnh Tử.
7 đức tính cao quý của một võ sĩ:
1. Nghĩa: Là tinh thần chính nghĩa, được ví như xương sống của Võ sĩ đạo. Kẻ có tài năng và học vấn uyên thâm nhưng thiếu tinh thần chính nghĩa thì không xứng được tôn xưng là một võ sĩ.
2. Dũng: Là dũng khí để thực thi chính nghĩa. Song Võ sĩ đạo không đề cao sự “hữu dũng vô mưu”, mà thay vào đó là “dũng khí chân chính” để biến lòng can đảm thành hành động có ý nghĩa.
3. Nhân: Là lòng nhân từ, trắc ẩn đối với kẻ yếu, kẻ thua cuộc. Đây là phẩm chất cần có của kẻ đứng trên người khác.
4. Lễ: Cùng với lòng nhân, sự khiêm nhường và tôn trọng cảm xúc của người khác là cội nguồn của lễ. Điều này được thể hiện qua thái độ, cách ứng xử trong đời sống xã hội.
5. Chân thành: Võ sĩ không nói hai lời. Sự dối trá, lọc lừa bị xem là biểu hiện của sự hèn nhát. Vì vậy lời của võ sĩ nói ra chính là lời bảo chứng cho tất cả.
6. Danh dự: Gần với trọng danh dự là biết xấu hổ. Kẻ làm võ sĩ phải sống thanh cao, không hổ thẹn với chính mình.
7. Trung nghĩa: Là lòng trung thành tuyệt đối với chủ nhân. Song đó không phải sự “ngu trung”, mà đối với sai lầm của chủ phải dám nói lên chính kiến của mình.
Tinh thần Võ sĩ đạo trong đời sống xã hội Nhật Bản
Có thể nói, trong bất cứ thời đại nào của Nhật Bản cũng xuất hiện những con người là minh chứng hùng hồn cho tinh thần của một võ sĩ. Tiêu biểu là tấm gương của Torosaburo Kobayashi, một võ tướng sống ở huyện Nagaoka. Năm 1868, khi nhận được 100 bao gạo tiếp tế từ huyện lân cận trong lúc đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực, ông đã đưa ra quyết định táo bạo là không phân phát số gạo này cho các võ sĩ mà đem bán lấy tiền để tu sửa trường học, gây dựng lại nền giáo dục cho huyện Nagaoka. Ông khẳng định: “100 bao gạo sẽ ăn hết ngay. Nhưng nếu ta dùng vào việc chấn hưng giáo dục thì trong tương lai ta sẽ có cả vạn, cả triệu bao gạo”. Quả nhiên, trong số những đứa trẻ năm đó có Renkichi Watanabe, người trở thành trợ thủ đắc lực cho Thủ tướng đầu tiên của nước Nhật là Hirofumi Ito trong việc soạn thảo Hiến pháp năm 1889. Câu chuyện này cho thấy cái Dũng, cái Nhân của một võ sĩ đã tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Nhật Bản.
Vì lẽ đó, khi chính phủ Meiji (1868 - 1912) quyết định canh tân đất nước, họ đã lựa chọn con đường kết hợp học hỏi tinh hoa của các nước phương Tây và đặt nó trên giá trị truyền thống của Võ sĩ đạo. Công cuộc Minh Trị Duy Tân chắc chắn sẽ không thể thành công nếu thiếu đi vai trò của của tầng lớp võ sĩ - những người vừa tinh thông tri thức vừa có phẩm chất và kỷ luật của một chiến binh. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, các giá trị cốt lõi của Võ sĩ đạo vẫn tạo nên những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là trong giới kinh doanh và học thuật. Điển hình là tấm gương của ông Akio Morita, một trong những nhân vật sáng lập tập đoàn Sony. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bằng những triết lý quản trị và đạo đức trong kinh doanh mang phong cách Võ sĩ đạo, ông và các cộng sự không chỉ gầy dựng nên một tập đoàn nhất nhì thế giới trong lĩnh vực điện tử mà còn khiến cho thương hiệu “Made in Japan” được tin cậy trên toàn thế giới.
Khi hiểu về Võ sĩ đạo, chúng ta sẽ hiểu vì sao ngày nay, các công ty lớn ở Nhật vẫn lựa chọn chế độ tuyển dụng trọn đời, đề cao tính trung thành của nhân viên đối với công ty, hay nền giáo dục luôn đề cao sự trung thực trong học hành, thi cử. Là quốc gia luôn hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa, thế nhưng Nhật Bản vẫn khiến cho thế giới thán phục bởi các giá trị đạo đức cao đẹp được bộc lộ rõ nét trong thử thách gian lao. Đó là sự hi sinh thầm lặng của các công nhân tình nguyện ở lại để cứu nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong thảm họa kép xảy ra năm 2011, những người được ví như những chiến binh Samurai quả cảm thời hiện đại. Đó còn là tinh thần kỷ luật cao độ của những người dân trong cơn hoảng loạn vẫn trật tự xếp hàng, chia nhau đồ cứu trợ và động viên nhau cùng vượt qua. Có thể nói sự điềm tĩnh, khuôn phép, nhẫn nại của người Nhật trong thảm họa chính là minh chứng hùng hồn cho sự thấm nhuần tinh thần Võ sĩ đạo trong đời sống văn hóa, giáo dục của quốc gia này.
kilala.vn