Văn học thuần túy và văn học đại chúng Nhật Bản
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Hoàng Long /Hình ảnh: Tài Lê, Pixta
Tác phẩm của Kawabata chuyên nói về vẻ đẹp Nhật Bản mơ hồ sương khói, dễ cảm nhưng khó tát cạn hết ý nghĩa. Osamu Dazai thì trụy lạc đồi phế, sợ hãi con người; Haruki Murakami và Ryu Murakami thì viết về tình yêu về tuổi trẻ tuyệt hay, Keigo Higashino là bậc thầy truyện trinh thám hiện đại… Tuy có vô vàn thể loại tiểu thuyết và tác giả như thế nhưng người Nhật chỉ quy tất cả về hai dòng chính là “văn học thuần túy” (Junbungaku) và “văn học đại chúng” (Taishu-bungaku) mà thôi.
Hai dòng văn đối lập
Khái niệm “văn học thuần túy” với tư cách là một thuật ngữ văn học xuất hiện đầu tiên vào thời Meiji (1868 – 1912). Tokoku Kitamura trong bài viết “Điều gì là quan trọng và giúp ích cho cuộc đời?” đã đưa ra định nghĩa đầu tiên về văn học thuần túy là “những tác phẩm văn học chú trọng đến cái đẹp chứ không phải thứ văn chương học vấn”. Nhà văn Kan Kikuchi thì định nghĩa đơn giản “văn học thuần túy là cái mà nhà văn viết theo ý mình còn văn học đại chúng viết theo thị hiếu của người đọc”.
Một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học thuần túy thời kỳ Meiji là “Phù Vân” (Ukigumo) của Shimei Futabatei, khắc họa nỗi khổ tâm của những con người thời đại đó, được xem là tác phẩm mở đầu cho văn học Nhật Bản thời cận đại với viết theo lối “ngôn văn nhất trí” (ngôn ngữ nói và viết là như nhau).
Sau đó, các tác giả Toson Shimazaki, Katai Tayama, Hogetsu Shimamura đã xác lập vị trí của văn học thuần túy bằng những tác phẩm theo chủ nghĩa tự nhiên. Thế nhưng từ sau tác phẩm “Chiếu chăn” (Futon) của Tayama thì dòng chủ lưu văn học thuần túy lại chuyển sang “tiểu thuyết tự thuật” (Shishosetsu) ghi chép những việc xảy ra quanh mình.
Sau đó sang thời Taisho (1912 - 1926), văn học thuần túy tiếp bước với các tác giả phản ánh góc tối của chủ nghĩa tự nhiên, phản chủ nghĩa tự nhiên như Naoya Shiga, Ryunosuke Akutagawa …
Thời Showa (1926 - 1989) có hàng loạt tên tuổi lớn của văn học thuần túy xuất hiện, mang lại vinh quang cho Nhật Bản trên trường quốc tế như Yasunari Kawabata, Yukio Mishima, Kobo Abe, Osamu Dazai… Kawabata là người đầu tiên mang về giải Nobel văn chương cho văn học Nhật Bản với các kiệt tác “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Cố đô”… Khi biết tin Kawabata được giải Nobel năm 1968, nhiều người Nhật Bản đã rất ngạc nhiên bởi tuy Kawabata là một nhà văn lỗi lạc nhưng tác phẩm của ông chỉ đơn thuần nhắm đến mỹ cảm của cá nhân. Tuy nhiên Viện Hàn Lâm Thụy Điển lại đánh giá cao Kawabata bởi nhận thấy mỹ cảm đó mang đậm chất Đông Phương và Nhật Bản.
Sang thời Heisei (1989 - ), Kenzaburo Oe là người thứ hai đưa văn học Nhật Bản lên tầm quốc tế với giải thưởng Nobel văn chương năm 1994. Nếu Kawabata chỉ gói gọn tác phẩm của mình nơi vẻ đẹp và nỗi buồn Nhật Bản thì Oe mở rộng hơn đến thân phận của những con người đang cố gắng “đứng thẳng” trước một thời đại đầy khó khăn thử thách. Tác phẩm tiêu biểu của Oe - “Một nỗi đau riêng” (Kojiteki na taiken) minh chứng cho điều này qua hình tượng nhân vật Điểu.
Ngược lại, văn học đại chúng chú trọng đến tính giải trí hơn là tính văn học. Dòng văn học này bắt đầu phát triển từ năm 1920 với sự phổ cập của các phương tiện truyền thông đại chúng và gần như nhắm đến tầng lớp trung lưu, chiếm đa số trong xã hội Nhật Bản thời kỹ nghệ hóa. Chính vì văn học đại chúng mang tính giải trí phổ cập nên thể loại rất phong phú đa dạng. Phổ biến nhất là tiểu thuyết trinh thám với các tác giả hàng đầu như Seicho Matsumoto, Ranpo Edogawa, Keigo Higashino… rồi đến tiểu thuyết về samurai của các tác giả Ryotaro Shiba, Eiji Yoshikawa… tiểu thuyết gia đình, tiểu thuyết hài hước, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, truyện truyền kỳ…
Giải thưởng văn chương danh giá nhất của dòng văn học đại chúng là giải thưởng Naoki và giải thưởng Eiji Yoshikawa.
Ranh giới bị xóa mờ
Tuy có sự phân chia như vậy nhưng ranh giới của hai dòng văn học này đã dần mờ nhạt đi trong thời đại toàn cầu hóa. Ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, một vài nhà văn Nhật Bản đã đề xuất dòng “văn học trung gian” (Chukan-shosetsu) để nối kết văn học thuần túy và đại chúng. Hai tác giả tiêu biểu của dòng văn học này là Yojiro Ishizaka và Seiichi Funahashi. Thêm vào đó cũng có nhiều tác giả viết cả dòng văn học đại chúng và thuần túy như Junichiro Tanizaki, Kafu Nagai… nhưng ngược lại ít có tác giả nào từ văn học đại chúng chuyển sang văn học thuần túy.Từ đầu thời Heisei đến nay, ranh giới của văn học thuần túy và đại chúng lại càng thêm mờ nhạt. “Theo tác giả Genta Tsutsumi thì khi bước vào thời kì Heisei (từ 1989 đến nay), văn học Nhật Bản có thể thu gọn lại trong ba từ “không ranh giới”. Tác phẩm văn chương không còn mang một thể loại cố định, người sáng tác cũng mang một khuôn mặt khác và ngay cả độc giả cũng thế” . Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho nhận định này là giải thưởng Nobel văn chương thứ ba dành cho nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro năm 2017. Viện Hàn Lâm Thụy Điển nhận định rằng tác phẩm của ông “đã mở ra vực sâu bên dưới cảm giác mơ hồ về sự liên kết với thế giới của chúng ta”.
Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Ishiguro là “Never let me go” (Mãi đừng xa tôi) về đề tài viễn tưởng nhân bản vô tính, trong đó các nhân vật cố gắng tìm lại căn cước thân phận của mình khi ý thức mình chỉ là một bản sao của kẻ khác. Tuy có thể xếp tiểu thuyết này vào thể loại viễn tưởng của dòng văn học đại chúng nhưng về tính nghệ thuật thì “Mãi đừng xa tôi” không thua kém bất cứ một tác phẩm văn học thuần túy nào. Sự kết hợp tuyệt hảo này giúp chúng ta nhận ra bản chất muôn đời của văn học. Nếu một tác phẩm đi đến tận cùng Chân Thiện Mỹ, mang đậm tính nhân văn, giúp soi sáng thân phận con người, thì cho dù viết về đề tài gì, thể loại nào đi nữa, tác phẩm đó cũng sẽ luôn là kiệt tác và mãi mãi được vinh danh.
kilala.vn