Truyền thuyết bí ẩn về chiếc đĩa bay xuất hiện vào thời Edo
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Rin
Truyền thuyết về chiếc tàu lạ cùng một người phụ nữ bí ẩn dạt vào bờ biển Nhật Bản xuất hiện trong các tài liệu cổ vào thời Edo được giáo sư Kazuo Tanaka cho rằng có sự tương đồng với câu chuyện đĩa bay UFO.
Những câu chuyện về đĩa bay UFO
(Unidentified flying object – Vật thể bay không xác định) của người
ngoài hành tinh bắt đầu lan truyền trên thế giới từ sự kiện phi công,
doanh nhân Kenneth Arnold nhìn thấy 9 đĩa bay tại núi Rainier,
Washington vào ngày 24/06/1947. Sau đó, tại khu vực gần Roswell, bang
New Mexico, Mỹ, đĩa bay lại một lần nữa được phát hiện vào tháng 7/1947.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, các nhà khoa học đã không tìm thấy xác của
đĩa bay hay thi thể người ngoài hành tinh. Điều thú vị được giáo sư
Kazuo Tanaka (田中 嘉津夫) tại Đại học Gifu phát hiện là trước khi những câu chuyện về UFO tại Mỹ xảy ra,
con tàu của người ngoài hành tinh đã được mô tả trong nhiều tài
liệu vào thời Edo và được gọi là Utsuro-bune.
Truyền thuyết Utsuso-bune
Utsuro-bune (虚舟) được ghép bởi "Utsuro – 虚" có nghĩa là rỗng và "Bune" được biến âm từ "Fune – 舟", tức con
thuyền, nghĩa đen là “con thuyền rỗng”. Truyền thuyết về Utsuro-bune đã
được giáo sư Kazuo tìm thấy ở 11 tài liệu vào thời Edo, trong đó câu chuyện trong Toen shosetsu là nổi tiếng hơn cả.
Tài liệu ghi lại, vào ngày 22/03/1803, ngư dân ở bờ biển Harayadori của tỉnh Hitachi (nay là tỉnh Ibaraki) đã phát hiện một con tàu lạ. Vì tò mò, họ kéo nó vào đất liền để tìm hiểu thực hư. Con tàu đặc biệt này cao 3,3 mét, rộng 5,45 mét và được miêu tả giống dạng chiếc lư hương Kouhako của Nhật. Phần trên của tàu được tạo nên từ gỗ sơn đỏ, cửa sổ làm bằng thủy tinh hoặc pha lê, có song sắt và được bịt kín bằng nhựa cây. Phần dưới cũng được che chắn cẩn thận bằng các tấm kim loại màu trắng để bảo vệ khi va chạm với đá sắc nhọn. Nhìn qua khe cửa sổ, ngư dân phát hiện bên trong viết đầy thứ ngôn ngữ kỳ quái. Khi tiến vào phi thuyền, họ tìm thấy hai tấm ga trải giường, một chai nước 3,6 lít, một ít bánh và thịt.
Đặc biệt, họ còn nhìn thấy một cô gái xinh đẹp ở độ tuổi khoảng từ 18 đến 20, cao 1,5 mét. Cô có lông mày và tóc màu đỏ, tóc được nối dài bởi các sợi nhân tạo màu trắng. Làn da có màu hồng nhạt hơi tái. Trang phục của người này trông rất xa xỉ, dài và mượt, được may bằng loại vải mà các ngư dân không xác định được. Không ai hiểu thứ ngôn ngữ mà cô đang sử dụng. Mặc dù trông vẻ ngoài khá thân thiện, cô gái lại hành động khá kỳ quặc khi giữ khư khư chiếc hộp nhỏ, không cho bất kỳ ai chạm vào nó. Với lai lịch kỳ lạ, cô cùng con tàu làm người dân thị trấn vừa tò mò cũng vừa sợ hãi vì nghĩ rằng cô đến từ một thế giới khác. Vì vậy, họ đã đưa cả hai trở về nơi phát hiện ban đầu.
Các tài liệu khác cũng giữ nguyên cốt truyện như trên nhưng có thay đổi về địa điểm diễn ra hay một số chi tiết về con tàu và cô gái kỳ lạ. Trong Hyoryu kishu, cô gái được vẽ nhẹ nhàng và nữ tính hơn so với tác phẩm Toen shosetsu. Hiện tại, câu chuyện về con tàu Utsuro-bune trong Hyoryu kishu đã được đưa vào triễn lãm “Vũ trụ và Nghệ thuật” tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori ở Tokyo, còn bản gốc đang được trưng bày tại thư viện Iwase Bunko, tỉnh Aichi. Đặc biệt, Bảo tàng Mori còn sáng tạo những chiếc áo thun, bình nước, bát cơm Donburi lấy ý tưởng từ truyền thuyết kì bí này.
Dẫn chứng thực tế của giáo sư Tanaka Kazuo
Khi tìm hiểu về câu chuyện Utsuro-bune trong tài liệu Mito Bunsho của một nhà sưu tầm ở Mito, tỉnh Ibaraki, giáo sư Kazuo đã phát hiện ra trang phục của người phụ nữ trong tài liệu giống với trang phục của tượng Phật Bồ Tát tại chùa Shofuku (正福寺) ở Kamisu, tỉnh Ibaraki – nơi nổi tiếng về nghề nuôi tằm. Điều khá trùng hợp là có một truyền thuyết về sự ra đời của nghề nuôi tằm nhắc đến Công chúa Konjiki (hay còn gọi là Công chúa vàng). Trong một phiên bản của truyền thuyết về nhân vật này, cô đã dạt vào bờ biển tỉnh Kamisu sau khi đi từ Ấn Độ trên con thuyền có hình dạng như chiếc kén. Một đôi vợ chồng ngư dân đã cứu và chăm sóc công chúa. Khi sức khỏe đã hồi phục, cô trả ơn họ bằng cách truyền lại bí mật về nghề nuôi tằm. Sau khi mất, bản thân cô đã biến thành một con tằm.
Ngoài ra, giáo sư Kazuo còn có một phát hiện khá quan trọng ở tài liệu Banke Bunsho của Kawakami Jinichi (người thừa kế nhẫn thuật ninja Ninjutsu của dòng họ Koga Ban). Trong khi ở các tư liệu khác, con tàu xuất hiện tại những địa điểm không có thực như Harayadori hay Haratonohama, Banke Bunsho lại ghi rõ vị trí là ở Hitachihara Sharihama - một địa danh có thực trong bản đồ của nhà địa lý học nổi tiếng Ino Tadataka, nay là Sharihama Hasaki ở Kamisu, tỉnh Ibaraki. Thời bấy giờ, Kawakami đã thu thập được thông tin về Utsuro-bune từ một thành viên dòng họ khi người này làm dưới trướng của lãnh chúa miền Owari (nay là tỉnh Aichi) nên rất đáng tin cậy.
Trong khi nhà nghiên cứu văn học dân gian Yanagita Kunio cho rằng tất cả các truyền thuyết về tàu Utsuro-bune là hư cấu và không có căn cứ thì giáo sư Kazuo lại chứng minh chúng không giống với những câu chuyện dân gian khác. Sự kiện trong truyền thuyết diễn ra vào năm 1803, và sau đó đã có nhiều bằng chứng cho thấy con tàu trông giống với đĩa bay hay trang phục của cô gái giống công chúa Konjiki. Bên cạnh đó, nước Nhật đang thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng trong thời gian này nên nếu có một con tàu nước ngoài hoặc người nước ngoài đến, nó sẽ trở thành một sự kiện vô cùng lớn và chắc chắn được công khai. Do đó, giáo sư Tanaka vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm ra nhiều sự thật hơn về câu chuyện hấp dẫn này.
Vào năm 2009, giáo sư Kazuo đã xuất bản cuốn sách Edo Utsuro-bune Misuteri (Bí ẩn về Utsurobune) gồm những lý giải về các phát hiện của ông. Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh vào năm 2019. Bìa của cuốn sách chính là hình minh họa trong truyện Toen shosetsu năm 1825.
kilala.vn
Truyền thuyết về Utsuro-bune từng xuất hiện trong nhiều tài liệu cổ, có thể kể đến như:
- “兎園小説 – Toen shosetsu – Truyện kể từ vườn thỏ”: được viết bởi nhà văn nổi tiếng thời Edo Kyokutei Bakin năm 1925, đang được trưng bày tại thư viện Mukyū-Kai-Toshokan ở Machida, Tokyo.
- “漂流紀集 – Hyoryu kishu – Phiêu lưu ký của những người sống sót sau các vụ đắm tàu” (1835): Tập hợp chuyện về các con tàu nước ngoài trôi dạt vào Nhật Bản và chuyện thủy thủ Nhật dạt vào bờ biển các nước khác, được lưu trữ tại thư viện trường Đại học Tenri, tỉnh Nara.
- “梅の塵 – Ume no chiri” (1844): Được viết bởi Nagahashi Matajiro, trưng bày tại thư viện tư nhân Iwase-Bunko-Toshokan, tỉnh Nara.
- “鶯宿雑記 – Oshuku zakki” (1815): Viết bởi Komai Norimura - chư hầu của lãnh chúa Matsudaira Sadanobu, được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Nhật Bản.
- “弘賢随筆 – Hirokata zuihitsu” (1825): Viết bởi thư pháp gia Yashiro Hirokata dưới thời Mạc phủ, lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản...