Đều là những nhân vật lịch sử vĩ đại nhưng vì chịu bất công mà linh hồn của họ đã biến thành Onryo, mang theo mối hận thù sâu sắc và gây ra nhiều thảm họa.
Onryo (怨霊 - oán linh) là những linh hồn mang oán khí trước khi chết nên đã trở thành linh hồn báo thù, có khả năng gây hại đến người khác bằng cách nguyền rủa (noroi). Thậm chí khi mối hận thù quá lớn cũng có thể tạo ra thảm họa thiên nhiên. Trong văn hóa Nhật Bản, nguyền rủa là hành động gieo rắc tai ương, bất hạnh hay xui xẻo cho một cá nhân, nhóm người bằng các thủ thuật liên quan đến linh hồn, thần thánh mà không tác động bằng yếu tố vật lý.
Trong các câu chuyện được lưu truyền, có rất nhiều Onryo mang theo những lời nguyền đáng sợ, tuy nhiên nổi tiếng nhất vẫn là Tam đại Onryo (三大怨霊). Ba “hồn ma báo thù” này bao gồm nhà chính trị - học giả Sugawara no Michizane, lãnh chúa Taira no Masakado và Thiên Hoàng Sutoku. Họ chết đi khi vẫn ôm những mối căm hờn ở dương thế và linh hồn đã hóa thành Onryo, gieo rắc tai ương cho con người. Tuy nhiên, ngày nay họ vẫn được người Nhật thờ kính để cầu mong những oán linh này sẽ sử dụng sức mạnh của mình để bảo vệ con người thay vì mang đến đau khổ.
Nhà chính trị - học giả Sugawara no Michizane
Sugawara no Michizane (845 - 903) là con trai cả của một gia đình học giả. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ tài năng thiên bẩm, mới năm tuổi đã có thể sáng tác những bài thơ tao nhã. Chính vì là một người đa tài và học thức uyên thâm, Sugawara no Michizane được bổ nhiệm làm Hữu Đại Thần – cánh tay đắc lực của hoàng gia Fujiwara.Năm 877, ông được bổ nhiệm vào Bộ Lễ và quản lý các vấn đề giáo dục và trí tuệ. Ngoài ra, Michizane còn điều hành ngôi trường mà cha ông đã thành lập - Kanke Roka và được bổ nhiệm là Tiến sĩ văn học, vinh dự cao nhất của văn chương mà một người có thể đạt được.
Dành cả cuộc đời để phụng sự Thiên hoàng cũng như quốc gia nhưng nhiều người không hài lòng với con đường thăng tiến của ông và đem lòng ghen ghét. Một trong số đó là Tả Đại Thần Fujiwara no Tokihira. Sau khi Thiên hoàng Uda thoái vị, nhường ngôi cho Thái tử Daigo thì bi kịch đã xảy đến với Sugawara no Michizane. Fujiwara no Tokihira đã nói với Thiên Hoàng Daigo rằng Michizane ủng hộ phe Hoàng tử Tokiyo và đang âm mưu lật đổ Thiên hoàng. Vì vậy, vị đại thần đã bị buộc tội, giáng chức và đày tới Dazaifu, tỉnh Fukuoka.
Sugawara no Michizane qua đời sau hai năm ngục tù mà không được một lần bào chữa. Tưởng rằng Fujiwara no Tokihira sẽ thay Sugawara no Michizane nắm giữ quyền lực, nhưng ông cũng đột tử ở tuổi 39. Sau đó, một trận sét đánh vào hoàng cung lấy mạng vô số quý tộc, đến cả Thiên Hoàng Daigo – người đã giáng chức Sugawara no Michizane cho đến Thái Tử đều lâm bạo bệnh mà qua đời, sảnh tiếp kiến lớn của Cung điện Hoàng gia - Shishinden bị sét đánh liên tục. Bệnh dịch và hạn hán cũng lan rộng ra khắp đất nước.
Người ta cho rằng tất cả sự việc này đều do Sugawara no Michizane nguyền rủa và báo thù. Chính vì thế, triều đình đã xây nên ngôi đền Kitano Tenmangu ở Kyoto, khôi phục tước vị và chức vụ của ông, xóa bỏ việc lưu đày ra khỏi các ghi chép lịch sử. 70 năm sau, Sugawara no Michizane được tôn lên thành Tenjin-sama, một vị thần của bầu trời và những cơn bão, hàng năm đều được người dân thờ phượng và tôn kính.
Bên cạnh đó, thuở còn tại thế, Sugawara no Michizane vốn hiểu biết sâu rộng nên ông cũng được tôn thờ là một vị thần của học thuật. Có nhiều đền thờ Tenmangu thờ Sugawara no Michizane ở khắp đất nước. Vào các kì thi, nhiều người tìm đến nơi đây để cầu mong đỗ đạt.
Samurai Taira no Masakado
Taira no Masakado (903? - 940) là một vị Samurai nổi tiếng thời Heian, thuộc gia tộc Taira, nhánh Kanmu Heishi, hậu duệ của Thiên hoàng Kanmu (781 - 806). Masakado nổi tiếng với tài chỉ huy dũng mãnh, thông thái và là một Samurai phục vụ cho Fujiwara ở Kyoto. Tuy nhiên, khi ông trở về Kanto sau cái chết của cha mình, biến cố ập đến khi những người họ hàng trong gia tộc bắt đầu tranh quyền thừa kế gia sản nhà Taira.Những người chú, bác của Masakado là Taira no Kunika và Taira no Yoshikane đã sai người phục kích để ám sát ông nhưng không thành. Điều này đã khiến Masakado nổi giận, tập hợp nhiều Samurai lại để đấu tranh, dẫn đến cuộc nội chiến trong gia tộc Taira. Chính vì cuộc chiến này mà Masakado đã hai lần bị triều đình cáo buộc tội danh thảm sát, nhưng nhờ mưu lược của mình, ông đã thoát tội. Masakado tiếp tục cùng binh lính đánh chiếm với tham vọng thống nhất các vùng của Nhật Bản. Thời đó, dân chúng đang chịu sự áp bức của các Kokushi (国司), chức quan được triều đình cử đến để giám sát một tỉnh, chính vì thế hành động này của Masakado rất được tầng lớp lao động ủng hộ. Trong suốt 4 năm, Masakado đã tạo nên nhiều cuộc xung đột với những người họ hàng, gây chiến với triều đình và tự xưng là hoàng đế của nước Nhật.
Sức ảnh hưởng của ông đã trở thành mối nguy hại cho triều đình nên một lệnh bắt khẩn cấp đã được ban hành và Thiên hoàng treo thưởng cho ai lấy được đầu của Masakado. Vào một đêm, đội quân của ông đã bị phục kích, thủ cấp của Masakado được đem về Kyoto và treo giữa chợ.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, vô số chuyện kỳ bí xuất hiện sau cái chết của ông. Chẳng hạn như chuyện đôi mắt ông vẫn mở to suốt nhiều tháng khi bị bêu đầu thị chúng; tiếng nghiến răng thỉnh thoảng vang lên trong đêm; hay chuyện chiếc đầu lơ lửng bay đến tận Kanto để tìm phần thân người, tương truyền đã rơi xuống làng chài Shibazaki, sau này là kinh thành Edo (Tokyo ngày nay). Quá hoảng sợ, người dân của ngôi làng đã làm lễ xây cất ngôi mộ cho Masakado để mong ông nguôi giận và yên nghỉ.
Sự đeo bám dai dẳng của âm hồn Taira no Masakado vẫn còn: tại thành Edo năm 1300 đã xảy ra một trận dịch hạch; năm 1928, trận động đất lớn đã xảy ra; khu vực đền thờ Masakado được sử dụng làm văn phòng tạm thời của Bộ Tài chính, ngay sau đó Bộ trưởng Bộ Tài chính và hàng chục nhân viên đều qua đời, sau cùng phải phá bỏ tòa nhà; những máy móc thiết bị dùng để bốc ngôi mộ cũng bị lật ngang và tài xế cũng tử vong. Cứ mỗi lần tác động đến ngôi mộ, sẽ lại có người thiệt mạng.
Đến năm 1984, để xoa dịu Masakado, chính phủ đã làm nghi lễ thanh tẩy và thờ cúng ông theo nghi lễ của các vị thần. Ngày nay, lăng mộ của ông (chỉ có tượng đài hình đầu) nằm gần lối ra C5 của ga tàu điện ngầm Otemachi, Tokyo và được nhiều người dân cũng như khách du lịch lui tới thờ cúng.
Thiên Hoàng Sutoku
Sutoku (1119 - 1164) là con trai cả của Thiên Hoàng Toba và Thiên Hậu Fujiwara no Tamako, nhưng nhiều thuyết lại chép rằng, Sutoku là kết quả của mối tình trái luân thường giữa Thiên hậu và Pháp Hoàng Shirakawa. Pháp Hoàng Shirakawa ép Thiên Hoàng Toba nhường ngôi cho Sutoku để thuận lợi đứng sau giật dây. Nhưng khi Pháp Hoàng Shirakawa qua đời, Toba ép Sutoku nhường ngôi cho Konoe (con thứ và cũng là con ruột của Toba). Go-Shirakawa (con thứ ba của Toba) cũng lên ngôi sau khi Konoe qua đời, lúc này Sutoku đã trở thành Thượng hoàng.Sau khi Toba qua đời, Sutoku quyết định nổi dậy. Từ đây triều đình chia làm hai phe và cuộc chiến tranh giành ngai vàng nổ ra vô cùng quyết liệt, sự kiện này được gọi là “Cuộc bạo loạn Hogen”. Cuối cùng, Sutoku bị đánh bại, xuất gia tu hành và chịu lưu đày đến Sanuki (tỉnh Kagawa ngày nay).
Sutoku tuy bị giam cầm nhưng rất sùng đạo và đã hoàn thành 5 bản thảo dâng lên triều đình với mong muốn đặt nó vào ngôi chùa ở Kyoto. Tuy nhiên những bản thảo đã bị gửi lại cùng với dòng chữ “Ta nghĩ chúng chứa một lời nguyền”. Sau sự sỉ nhục đó, Sutoku thề rằng “Ta sẽ tái sinh thành một yêu quái để rửa mối nhục này”. Tóc và móng tay ông không ngừng dài ra, bộ dạng dần biến thành một con quỷ cho đến lúc chết.
Sau cái chết của Sutoku, hàng loạt sự kiện gây rúng động Nhật Bản lúc bấy giờ liên tục xảy ra. Chẳng hạn, cuộc nổi loạn của tăng lữ ở chùa Enryakuji; trận đại hỏa hoạn thời Angen, hoàng tộc của Thiên Hoàng Go-Shirakawa từng đối đầu Sutoku cũng lần lượt qua đời. Tất cả những sự kiện này được cho là ứng nghiệm của lời nguyền Sutoku đặt ra năm xưa. Sau này, lăng Sutokuin cũng được xây dựng tại nơi từng xảy ra nội chiến Hogen. Nhưng những thảm họa vẫn không dừng lại cho đến khi Thiên Hoàng Go-Shirakawa băng hà. Các Thiên hoàng đời sau vẫn không ngừng khiếp sợ vong hồn của Sutoku nên đã tổ chức lễ cầu hồn hàng năm cho ông.
kilala.vn