Shinosuke Tatekawa và sức hấp dẫn của Rakugo
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Mayu Senda/ Biên dịch: Lê Mai
Ảnh: Nguyễn Đình
Hài kịch độc thoại “Rakugo” là một loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản được lưu truyền từ thế kỉ 15. Trên sàn diễn chuyên biệt được gọi là Koza, người nghệ sĩ trong bộ Kimono sẽ bước ra từ cánh gà trong tiếng vỗ tay của khán giả, sau đó yên vị trên chiếc đệm phẳng Zabuton và bắt đầu kể chuyện bằng những biểu cảm gương mặt xen lẫn cử chỉ cơ thể vô cùng sinh động.
Vào ngày 26 tháng 3 vừa qua, nghệ sĩ Rakugo tài danh nhất Nhật Bản, ông Shinosuke Tatekawa, đã có buổi trình diễn phục vụ cộng đồng người Nhật Bản đang sinh sống tại TP.HCM. Kể từ khi Hiệp hội tại TP.HCM của tỉnh Toyama, quê hương ông, gửi lời mời, đây là năm thứ 9 chương trình này được tổ chức. Như thường lệ, gần 500 vé đều bán hết sạch chỉ trong thời gian ngắn.
Hài hước hay cảm động, đều tùy thuộc trí tưởng tượng của người nghe
Nghệ sĩ Shinosuke Tatekawa (Ảnh: Nguyễn Đình)
Tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá ngay trước giờ khai mạc buổi diễn, bên trong căn phòng chờ, nghệ sĩ Shinosuke đã có những giây phút trải lòng về loại hình tấu nói của Nhật Bản. “Hài kịch độc thoại Rakugo đòi hỏi người nghe phải “làm việc” không ngừng. Cụ thể, chúng tôi cần họ phải tưởng tượng. Người nghệ sĩ chỉ có thể ngồi trên Zabuton và kể chuyện. Tất cả những việc như, mường tượng ra khung cảnh của thời Edo hay dáng vẻ một cô gái đang nói chuyện dù người nghệ sĩ là nam, đều chỉ hiển hiện bên trong tâm trí người nghe. Nếu người nghe dừng “công việc” này lại, buổi trình diễn cũng sẽ kết thúc. Rakugo là loại hình nghệ thuật bị động nhất!”.
Không như các loại hình sân khấu khác, Rakugo không có đạo cụ và phục trang hào nhoáng, cũng không xập xình sôi động như các buổi biểu diễn nhạc sống. Thứ duy nhất kết nối khán giả với nhau chỉ là “tiếng cười”. “Thật lạ lùng đúng không! Trong thời buổi mà đĩa CD, VCD và mạng Internet trở thành kẻ thống trị, mọi người có thể xem Rakugo bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, kể cả xem miễn phí. Vậy mà vẫn có nhiều người chịu bỏ tiền và thời gian để đến xem trực tiếp tại sân khấu, nơi mà mọi đồ ăn thức uống đều bị cấm mang vào, thậm chí không được nói chuyện phiếm hay sử dụng điện thoại, chỉ có “cười” là được phép. Điều khiến tôi cảm động và kinh ngạc nhất, chính là trong guồng quay tất bật của cuộc sống vẫn có nhiều người dành thời gian cho loại hình nghệ thuật này”.
Mong muốn mọi người cảm nhận được sự hấp dẫn của "sống", nhất là trong thời đại ngày nay
Đối với ngay cả người Nhật, Rakugo cũng không phải là loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng. Thực tế là có rất nhiều người chưa từng xem Rakugo, hoặc dù có xem cũng cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, “nhất định hãy xem Rakugo trực tiếp một lần” chính là tâm niệm của nghệ sĩ Shinosuke. Trong thời đại mà mạng Internet phát triển mạnh mẽ, máy tính và điện thoại thông minh trở thành những nhu cầu thiết yếu, những loại hình giải trí không cần đến “trí tưởng tượng” cũng dần trở nên phổ biến hơn. Có bao giờ bạn giật mình bởi câu nói “Xã hội càng văn minh, năng lực tưởng tượng sẽ càng đi xuống” không? “Bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại như vậy, nên tôi càng mong muốn mọi người cảm nhận được chất “sống” trong các buổi biểu diễn trực tiếp. Có những điều khó mà miêu tả bằng lời, nếu chưa trải nghiệm thì không thể hiểu được. Sức hấp dẫn khi đi xem một buổi Rakugo “sống” chính là một trong những điều đó. Càng nghe sẽ càng thấy thú vị. Cũng giống như quê hương Toyama yêu mến của tôi, nơi chất chứa những nét hấp dẫn mà bạn khó diễn tả thành lời một khi chưa đặt chân đến”.
Trong đợt biểu diễn lần này, nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả 2 tác phẩm cổ điển là “Neko no Sara” và “Koya Takao”. Tác phẩm đầu tiên kể về một tay thương nhân sử dụng chú mèo với mưu đồ ăn trộm chiếc đĩa cao cấp từ ông chủ tiệm trà. Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt tác phẩm, dường như có một chú mèo vằn quý tộc trong bộ lông màu hung đang ngồi nhấm nháp thức ăn ngay bên cạnh. Quả đúng như lời nghệ sĩ Shinosuke từng chia sẻ, tôi đã cảm nhận được phần nào sức mạnh áp đảo của “năng lực tưởng tượng”.
Để hiểu và cảm thấy yêu thích Rakugo, ngoài khả năng tiếng Nhật còn cần phải có kiến thức nền tảng về văn hóa Nhật, cho nên một người nước ngoài phải mất không ít thời gian mới có thể thưởng thức loại hình sân khấu này. Tuy nhiên, điều mà người Nhật mong muốn chính là mọi người biết rằng, ở Nhật Bản có một loại hình hài kịch độc thoại vô cùng độc đáo như vậy, và nhất định bạn hãy thử trải nghiệm khi có cơ hội.
Mayu Senda/ kilala.vn
Shinosuke Tatekawa
Ông sinh năm 1954 tại tỉnh Toyama. Năm 1983, ông trở thành môn đồ của nghệ sĩ Rakugo, Danshi Tatekawa. Hiện nay, ông được xem là “nghệ sĩ Rakugo sốt vé nhất tại Nhật Bản” và thường xuyên lưu diễn tại các nước như Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.