Review: Sự cứu rỗi của thánh nữ
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Thảo Trần / Ảnh: sachdenroi.com
"Sự cứu rỗi của thánh nữ" nằm trong series Galileo có tất cả 9 tập bản tiếng Nhật. Việt Nam hiện đã dịch và xuất bản 3 tập bao gồm: tập 3 (Phía sau nghi can X), tập 5 (Sự cứu rỗi của thánh nữ), và tập 6 (Phương trình hạ chí).
Tóm tắt nội dung
Trong biệt thự nhà Mashiba Yoshitaka, người chồng trúng độc chết trên sàn, thạch tín còn sót lại trong cốc cà phê đổ lênh láng bên cạnh. Mọi nghi vấn tập trung vào hai đối tượng: người vợ Ayane vốn là nghệ nhân patchwork nổi tiếng và nhân tình bí mật Wakayama Hiromi cũng là học trò của Ayane. Nhưng cả hai đều có chứng cứ ngoại phạm vững chắc. Và cảnh sát đau đầu vì vấn đề hóc búa: Làm thế nào để hung thủ có thể bỏ thạch tín hạ độc Yoshitaka, khi không ai khác có khả năng tiếp cận nạn nhân quanh thời điểm xảy ra vụ án.
Từng bước lật lại các tình tiết, cây bút trinh thám đại tài Keigo đã chìa ra cho chúng ta chân tướng đáng kinh ngạc của một sự thật vô cùng chua xót.
Đặc trưng bút pháp của Higashino Keigo
Higashino Keigo là tác giả trinh thám có số lượng tác phẩm được dịch ra tiếng Việt nhiều nhất hiện nay. Các phẩm của Keigo thường có cốt truyện đơn giản, xoay quanh các vấn đề rất thường nhật của con người. Có lẽ đây cũng là một trong những điểm mạnh của ông khi mang đến cho độc giả sự gần gũi, dễ đồng cảm và đón nhận qua các tác phẩm trinh thám.
Đối với Sự cứu rỗi của thánh nữ, tuy Keigo không vẽ ra nhiều nhân vật như tác phẩm Hoa mộng ảo nhưng đủ để người đọc thấy được những mối tương quan cơ bản của một con người, là ba mẹ, là vợ chồng và thầy trò và cả mối quan hệ đồng nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vì lối dẫn truyện ở phạm vi hẹp hơn, mà dường như tác phẩm Sự cứu rỗi của thánh nữ khiến cho người đọc dễ dàng đoán được hung thủ ngay từ những chương đầu, dù lắm khi cũng băn khoăn liệu có chính xác không. Có lẽ vì hung thủ dễ đoán nên phần hấp dẫn của truyện chính là phương thức gây án. Phải cho đến khi có lời giải của phương thức gây án, người đọc hẳn phải òa lên thán phục vì sự khéo léo của nhà văn cũng như sự kiên nhẫn của hung thủ. Điều đặc biệt hơn, khi đọc đến phần kết, bạn mới hiểu tại sao Keigo lại đặt tên cho câu chuyện này là "Sự cứu rỗi của thánh nữ". Một cái tên không thể hợp tình hợp lý hơn. Tác giả cũng rất khéo léo để khi khép lại cuốn sách, người đọc không cảm thấy phẫn nộ với hung thủ mà có khi còn là thấu hiểu, là đồng cảm.