Là địa điểm thu hút khách du lịch với khoảng 1.000 cá thể thỏ sinh sống, ít ai biết đảo Okunoshima lại mang một lịch sử đen tối.
Nằm cách bờ biển thành phố Takehara, tỉnh Hiroshima khoảng hai dặm, hòn đảo Okunoshima nổi tiếng với du khách quốc tế dưới cái tên “Rabbit Island” (Đảo Thỏ) bởi số lượng thỏ hoang dã sinh sống vô cùng lớn. Tuy nhiên, Okunoshima từng bị xóa tên khỏi bản đồ vì là cơ sở thử nghiệm khí độc của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II.
Lịch sử đen tối của Đảo Thỏ
Việc giống thỏ đến từ châu Âu lại xuất hiện và sinh sôi trên hòn đảo Okunoshima vẫn luôn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học đều tin rằng, Chính phủ Nhật Bản đã đưa thỏ đến hòn đảo này từ khoảng năm 1929 để thử nghiệm vũ khí hóa học. Okunoshima từng là cơ sở thử nghiệm khí độc, cụ thể là khí mù tạt (mustard gas), và đã sản xuất hơn 6.000 tấn khí này trong Thế chiến II. Theo tờ The New York Times, khí độc được sử dụng chống lại binh lính và dân thường Trung Quốc trong thập niên 1930 - 1940 của thế kỷ trước, ước tính cướp đi sinh mạng khoảng 80.000 người.
Năm 1929, khi quân đội Nhật bắt đầu sản xuất vũ khí hóa học, những con thỏ được đưa đến đảo, phục vụ cho việc thử nghiệm hiệu quả của khí độc. Một số người cho rằng, các cá thể thỏ trên đảo hiện nay là hậu duệ của những con thỏ ban đầu. Tuy nhiên, Ellis Krauss, giáo sư chính trị Nhật Bản tại Đại học California, San Diego cho rằng những con thỏ ban đầu đều đã bị xóa sổ sau chiến tranh: “Những con thỏ thử nghiệm đều bị người Mỹ tiêu diệt khi họ đến hòn đảo trong thời kỳ chiếm đóng…Khoảng 200 cá thể tội nghiệp đã được người Nhật sử dụng trong các thí nghiệm”.
Một giả thuyết khác cho rằng thỏ đã được hai người Anh đem đến hoặc được thả từ một trường học trong vùng, chúng sinh sôi cho đến khi đạt số lượng hiện tại, có thể lên tới một nghìn cá thể.
Margo DeMello, chủ tịch nhóm cứu hộ thỏ House Rabbit Society có trụ sở tại California cho biết: “Có quá nhiều thỏ trên một hòn đảo nhỏ như vậy. Nó thực sự là một hiện tượng". DeMello và các nhà nghiên cứu đã đến thăm hòn đảo trong 10 ngày vào tháng 3 năm 2015 để nghiên cứu cộng đồng thỏ và phỏng vấn người trên đảo. Cô cho biết, sự phổ biến của video bầy thỏ đuổi theo một phụ nữ để xin ăn đã khiến hòn đảo trở nên nổi tiếng với khách du lịch. Hòn đảo này thu hút 136.000 du khách vào năm 2005 và tăng lên 254.000 vào năm 2015.
Du lịch và những vấn đề tiềm ẩn với loài thỏ
“Chúng hoàn toàn thân thiện vì cần con người cho ăn”, DeMello cho biết. “Chúng hoạt động tích cực nhất khi có người ở trên đảo.”
Với số lượng khách du lịch quá đông, cuộc sống của loài thỏ đang gặp nguy hiểm. Thỏ châu Âu cư trú trên đảo Okunoshima là động vật ăn cỏ tự nhiên, gặm lá, rễ, gỗ và hạt. Nhiều du khách cho rằng chúng ăn cà rốt, rau diếp và bắp cải, vì vậy đây là loại thức ăn họ mang lên đảo. Chế độ ăn này đang đầu độc loài thỏ: bắp cải khiến hệ tiêu hóa nhạy cảm của chúng gặp khó khăn trong việc phân giải chất. Chúng cũng cần thức ăn giàu chất xơ, điều mà các loại rau củ này không thể đáp ứng.
Dù rất hạn chế, khách du lịch vẫn được khuyến khích cho thỏ ăn, đặc biệt là vào mùa đông, khi nguồn thức ăn khan hiếm.
Chế độ ăn uống quá mức mà thỏ nhận được từ khách du lịch cũng không thể giúp gì cho chúng. Khác với những động vật có khả năng sinh tồn cao như chim cánh cụt, thỏ cần ăn hàng ngày. Với chế độ ăn hiện tại, chúng có thể bị chết đói vào những thời điểm ít khách du lịch.
Đảo Thỏ cũng chưa từng được tẩy độc sau các thử nghiệm hóa học vào nửa đầu thế kỷ trước và các chất độc còn sót lại đã làm nhiễm độc nguồn nước ngầm. Ngoài thức ăn, thỏ còn phải dựa vào con người để cung cấp cho chúng nước uống đóng chai. Phần lớn thỏ tập trung ở bãi cỏ gần khách sạn, chờ được cho ăn và uống.
Tuổi thọ trung bình của thỏ trên đảo Okunoshima chỉ là hai năm, dù chúng có thể sống đến mười năm trong điều kiện được nuôi dưỡng. DeMello quan sát thấy nhiều con thỏ bị thương hoặc bệnh do tiếp xúc với con người như nhiễm trùng đường hô hấp trên và gặp các vấn đề về tiêu hóa. Nhiều cá thể cũng chết do bị cán bởi ô tô chạy trên trên đảo. Dù số lượng cá thể của chúng đang tăng lên nhưng mỗi chú thỏ đều đang gặp rất nhiều khó khăn.
Xem thêm: Một ngày phượt trên "Đảo Thỏ"
kilala.vn