1. Tachiyomi - Văn hóa đứng đọc
Nếu ai đã từng ở Nhật, chắc hẳn không còn xa lạ với hình ảnh những cô cậu học sinh, thanh niên, những bác trung niên đứng hàng giờ liền đọc báo tạp chí hay manga trong các cửa hàng tiện lợi hay hiệu sách. Tại Nhật, do luật bản quyền khắt khe nên sách và truyện tranh có giá không hề rẻ, nên thay vì mua về đọc thì việc đến đọc “miễn phí” như thế này đã trở thành cảnh tượng phổ biến ở khắp Nhật Bản.
Tại một số cửa hàng thì sẽ có nhân viên đến mời những vị khách “đứng đọc” này đi, tuy nhiên cũng không mấy ai quan tâm cả. Ngược lại, có những cửa tiệm lại hoan nghênh việc này vì làm cho cửa hàng trở nên nhộn nhịp và nhìn có vẻ như đang làm ăn rất phát đạt. Dần dần điều này đã ăn sâu vào lối sống của người Nhật và còn có cả một từ đặc chỉ là “立ち読み” (Tachiyomi).
2. Omiyage - Văn hóa tặng quà
Người Nhật có thói quen mua Omiyage (quà đặc sản) mang về tặng bạn bè, đồng nghiệp và người thân mỗi lần đi xa hoặc đi du lịch về. Dần dần, nó ăn sâu bén rễ, trở thành thói quen của người Nhật và họ có suy nghĩ là “Du lịch = Omiyage”. Từ đó cũng có nhiều các cửa hàng quà bánh kẹo, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ mọc lên để đáp ứng nhu cầu mua quà lưu niệm của tất cả mọi người.
Một đặc điểm là những món quà lưu niệm bạn mua ở Nhật thường sẽ được gói trong một chiếc túi giấy hoặc một chiếc hộp rất xinh xắn, bạn có thể không cần phải gói chúng lại mà vẫn có thể mang đi tặng cho bạn bè, người thân.
Thể dục buổi sáng theo Radio
Vào mỗi buổi sáng, việc tập thể dục theo chương trình “Radio thể dục - Razio taisou (ラジオ体操)” được phát sóng trên đài radio hoặc tivi có thể nói đã trở thành một thói quen của một số người Nhật, đặc biệt là những người lớn tuổi. Với mục đích để mọi người có một bài thể dục hiệu quả, chương trình “Radio thể dục” tập hợp những bài tập đơn giản giúp lưu thông máu và giãn cơ bắp.
“Radio thể dục” được du nhập vào Nhật Bản từ năm 1928, vốn được người Mỹ sử dụng trong các hoạt động để nâng cao tinh thần tập thể trong công việc. Hiện tại có khoảng 20% người Nhật đang có thói quen tập thể dục buổi sáng theo chương trình này.
Cử chỉ tay X và O
Cũng giống như ở rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới thì Nhật Bản cũng có cử chỉ dùng để biểu thị vô cùng độc đáo, mà khi nhìn vào động tác đó đối phương có thể dễ dàng hiểu ngay được ý nghĩa của nó. Ví dụ như hai tay chéo nhau thành hình chữ “ X” biểu thị cho “No” – không được, hay hai tay vòng lên đầu thành hình chữ “O” mang nghĩa là “Yes” – đồng ý. Hai cử chỉ này được sử dụng vô cùng phổ biến trong các công trường ồn ào hoặc trên đường giao thông - những nơi không thể dùng lời nói truyền đạt.
Aizuchi - Thán từ trong hội thoại
Trong những cuộc nói chuyện thường ngày, người Nhật hay sử dụng thán từ để diễn tả cảm xúc được gọi là "Aizuchi - あいづち」. Việc sử dụng Aizuchi là một cách thể hiện sự đang lắng nghe chăm chú với câu chuyện của đối phương. Nó trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật trong khi giao tiếp. Một số câu từ cảm thán phổ biến như :
“Hai” (はい), “ee” (ええ) hay “un” (うん) có nghĩa là “Vâng”, “Đồng ý”.
“Sou desu ne” (そうですね), “Sou desu ka” (そうですか) có nghĩa là “Thế nhỉ”, “Thế à”.
“Honto” (本当), “Honto ni” (本当に), “Maji” (マジ) có nghĩa là "Thật không?".
“Naruhodo” (なるほど) có nghĩa là "Hóa ra là vậy".
Vị trí ngồi trên bàn ăn với đối tác hoặc liên hoan công ty
Trong những bữa ăn liên quan tới công việc thì ngay từ xa xưa người Nhật đã có những quy tắc khá nghiêm ngặt. Mặc dù đến bây giờ những quy tắc này cũng đã dần được nới lỏng nhưng “Tôn trọng người lớn tuổi và cấp trên” là những điểm cốt lõi trong thói quen này vẫn hiện hữu trong văn hóa kinh doanh hiện đại.
Thứ tự ưu tiên vị trí ngồi cũng được phân rõ:
- Vị trí dành cho người có địa vị cao nhất sẽ ngồi xa cửa nhất.
- Những người có địa vị thấp nhất hoặc người mới sẽ là ngồi sát ngay cửa ra vào.
Quy tắc ứng xử này không nhất định áp dụng cho tất cả những bữa ăn trong kinh doanh liên quan tới công việc, với những buổi ăng uống sau giờ làm (Nomikai) trong nội bộ công ty mọi người có thể cùng thoải mái ngồi ăn và nói chuyện cùng nhau hay còn được gọi với cụm từ “無礼講” (mureko) hay “遠慮は無用” (enryo wa muyo) có nghĩa là “bỏ qua lễ nghi”.
Văn hoá trao đổi danh thiếp
Trong giao dịch kinh doanh, việc trao đổi danh thiếp là một điều vô cùng quan trọng quyết định tới ấn tượng ban đầu của bạn đối với đối tác. Vì vậy, việc này cũng có một loạt những quy tắc bạn cần phải biết.
- Khi trao danh thiếp vừa cúi đầu vừa dùng tay phải để trao danh thiếp và tay trái thì nhận danh thiếp từ đối phương. Trong trường hợp chỉ nhận danh thiếp thì nhận bằng hai tay.
- Không ghi chú lên danh thiếp nhận được từ đối phương.
- Trong trường hợp cùng ngồi trao đổi công việc thì sau khi nhận được danh thiếp, nên để danh thiếp ngay ngắn mặt trước lên trên bàn trong quá trình nói chuyện.
- Sau khi nhận được danh thiếp không được cất ngay đi mà phải xem qua thông tin của đối tác ghi trên danh thiếp.
Nếu có thể nhớ và thực hiện theo những lưu ý trên nhất định bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt ban đầu. Đó sẽ là tiền đề cho công việc của bạn được diễn ra một cách suôn sẻ.
kilala.vn