Hoặc bạn có thể xem online những bức tranh được triển lãm ở Bảo tàng Yamatane trong link sau:
Yamatane Museum - Google Art project
Ở Nhật Bản, hội họa vốn là niềm mong ước của những người phụ nữ có học thức. Cọ và các dụng cụ vẽ là một phần trong bộ konrei chōdo xa xỉ (phụ kiện của cô dâu) mà một phụ nữ thuộc tầng lớp trên mang theo về nhà chồng. Trong thời Edo (1603-1868), phụ nữ không có cơ hội thụ hưởng nền giáo dục chính thống, nên ngay cả những phụ nữ rất tài hoa cũng khó đạt được tiến bộ trong lĩnh vực nghệ thuật. Các trường hợp ngoại lệ là vợ và con gái của các họa sĩ, là những người có thể học hỏi từ các họa sĩ chuyên nghiệp mà không cần phải bước ra khỏi ngôi nhà của họ. Rất ít trong số những phụ nữ này đạt được sự tiến bộ đủ để được công nhận và trở thành những họa sĩ thực thụ. Khoảng thế kỷ 19, cơ hội cho phụ nữ bắt đầu gia tăng. Một danh sách các nữ họa sĩ được biên soạn vào năm 1858 đã ghi nhận con số 80 nữ họa sĩ hoạt động trên toàn quốc.
Hoạ sĩ Shoen Uemura (1875-1949) là người đứng đầu danh sách triển lãm ở Yamatane với 18 bức tranh được trưng bày. Bà chính là một trong hai người phụ nữ được chỉ định làm họa sĩ chính thức cho Hoàng gia và cũng là người phụ nữ đầu tiên được trao tặng Huân chương Văn hóa vì những đóng góp to lớn cho nghệ thuật Nhật Bản.
Trong những tác phẩm quan trọng tại cuộc triển lãm Yamatane còn có "Phong cảnh Hakone", chiếc bình phong sáu tấm được xem là một trong những kiệt tác của Shohin Noguchi (1847-1917). Cùng với Uemura, Noguchi là nữ hoạ sĩ hiếm hoi được chỉ định là họa sĩ phục vụ cho Hoàng gia vào năm 1904. Những tác phẩm khác thể hiện đường lối sáng tác của bà bao gồm phong cảnh trường phái Trung Hoa cũng như một số bức tranh hoa và chim. Bên cạnh đó là các hoạ sĩ nữ ít nổi danh hơn cũng được giới thiệu: Kyosui Kawanabe (1868-1935), Shoha Ito (1877-1968), Takeko Kujo (1887-1928), và Seien Shima (1892-1970).
Bảo tàng Kosetsu cũng dành cho Uemura sự vinh danh tương xứng, bên cạnh việc giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ nữ ít nổi danh hơn. Một trong số đó là Kiyohara Yukinobu (1643-1682), người có cha và ông nội là những họa sĩ của Trường Hội họa Kano trứ danh. Tiếp cận được những tinh hoa ngôi trường này, bà đã vẽ lại các đề tài truyền thống theo bút pháp riêng, và cuối cùng cũng có thể trở thành họa sĩ của trường với những bức tranh đặt hàng quan trọng. Cặp bình phong "Chim và Hoa Bốn Mùa" (cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18) được trưng bày công khai lần đầu tiên trong cuộc triển lãm ở Bảo tàng Kosetsu. Ngoài ra còn có các tác phẩm của Akenomiya Teruko (1634-1727), Tokuyama Gyokuran (1727-1784) và Ema Saiko (1787-1861).