Nhà tắm công cộng Sento: nét văn hóa đẹp đang bị lãng quên
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Mai Hà Linh
Ảnh: PIXTA
Sento là gì?
Sento (銭湯) là những nhà tắm công cộng ở Nhật Bản. Sento được ghép từ chữ 銭 (sen) có nghĩa là tiền bạc và chữ 湯 (tou) có nghĩa là nước nóng, có thể hiểu nôm na là một loại hình tắm phải trả phí. Về cơ bản, đây là kiểu tắm khá giống Onsen về mặt hình thức, tuy nhiên nó khác nhau ở chỗ Onsen lấy nguồn nước khoáng nóng từ tự nhiên, còn Sento chỉ là một bồn tắm nước nóng khổng lồ với hệ thống đun nước nóng dẫn vào bồn tắm.
Trước đây, khi nước Nhật vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và phục hồi sau chiến tranh, không phải gia đình nào cũng có điều kiện sắm sửa bồn tắm riêng. Trong khi đó, việc ngâm mình trong bồn nước nóng khi tắm rửa vốn là nét văn hóa đặc thù trong lối sống của người Nhật từ xưa đến nay. Vì vậy, hình thức kinh doanh Sento từng trở nên cực kỳ hưng thịnh. Các nhà tắm công cộng nở rộ khắp mọi nơi.
Mặc dù hiện nay, mọi căn nhà đều có phòng tắm, thậm chí có cả bồn tắm, Sento cũng vì vậy mà dần dần trở nên khan hiếm. Tuy nhiên Sento vẫn được xem là một nét văn hóa đẹp và được nhiều hộ kinh doanh cố gắng duy trì đến tận bây giờ.
Sento bắt đầu từ khi nào?
Ra đời từ đầu thế kỉ thứ 6, nhưng vào thời ấy Sento được nghĩ là một loại hình “gột rửa” mang tính chất tôn giáo, vì khi đó chỉ ở trong chùa mới có những bồn tắm và nó được gọi là Yuya (湯屋 – cửa tiệm nước nóng). Ban đầu, chỉ có những nhà sư là sử dụng những bồn tắm này, nhưng sau đó thì những người bệnh cũng bắt đầu lui tới để tắm xem như là một cách trị bệnh. Phải đến tận thế kỉ 12, dịch vụ tắm Sento tính phí mới được hoạt động chính thức.
Sento bắt đầu trở nên phổ biến vào thời Edo (1603 - 1868). Vì từ ngày xưa, người Nhật rất đề cao việc tắm sạch sẽ và loại bỏ bụi bẩn sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng vì điều kiện của các gia đình thời đó khá khiêm tốn để có thể sắm riêng cho ngôi nhà của mình một chiếc bồn tắm, nên các nhà tắm Sento lần lượt được ra đời.
Một nhà tắm Sento sẽ có những gì?
Ống khói
Đây là một nét đặc trưng riêng biệt của các Sento Nhật Bản. Một chiếc ống khói cao chót vót giúp bạn dễ dàng nhận ra phòng tắm từ đằng xa. Ngoài ra, nó còn có công dụng thông hơi phòng tắm và các lò đun nước.
Rèm noren
Ngay khi vừa bước vào, bạn sẽ thấy một chiếc rèm noren với chữ 湯 (yu) ở giữa. Đi vào hành lang của từng khu vực riêng thì sẽ có những chiếc rèm có chữ 男 là khu vực dành cho nam và 女 là dành cho nữ. Tuy nhiên, có một số nơi người ta quy định rèm màu xanh của nam và màu đỏ của nữ để dễ dàng cho những du khách nước ngoài không hiểu tiếng Nhật. Tuy nhiên các màu sắc này không phải là quy định chung.
Bandai
Là một quầy đón khách nho nhỏ làm bằng gỗ đặt ngay cửa ra vào. Đây là nơi để bạn mua vé và trò chuyện với lễ tân.
Getabako
Đối với giày dép thì bạn sẽ có một tủ đựng riêng gọi là "Getabako". Bạn có thể tự bảo quản chìa khóa tủ hoặc có thể gửi nhân viên lễ tân giữ hộ.
Phòng thay đồ
Vì phải cởi hết quần áo khi vào tắm nên toàn bộ quần áo và đồ dùng cá nhân của bạn có thể để vào tủ khóa trong phòng thay đồ, và việc giữ chìa khóa thì tương tự như Getabako. Ngoài ra, với những đồ vật có giá trị, bạn có thể nhờ nhân viên lễ tân cất vào két an toàn.
Khu vực tắm vòi sen
Trước khi ngâm mình, bạn phải tắm thật sạch sẽ ở khu vực này. Ở đây bạn sẽ thấy có một dãy các vòi sen với các gương soi, ghế ngồi và chậu rửa. Tùy vào mỗi Sento mà sẽ có hoặc không có các vách ngăn giữa người này và người kia. Một số nơi có chuẩn bị sẵn dầu gội miễn phí, nên bạn không cần lo việc cầm quá nhiều đồ lỉnh kỉnh khi đến Sento, nhưng nhớ đem theo khăn cá nhân để lau người nhé. Sau khi đã gội đầu và tắm sạch sẽ thì bạn có thể vào ngâm mình trong bồn tắm chung để thư giãn.
Bồn ngâm tập thể
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, nhiều người ngâm chung như vậy liệu có mất vệ sinh? Thật ra, người Nhật rất ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung những nơi công cộng, đặc biệt là Onsen hay Sento. Chính vì vậy, họ sẽ tắm rửa rất kỹ càng trước khi ngâm bồn, chẳng hạn như dùng khăn lưới để tẩy da chết, hay dùng khăn cá nhân quấn tóc lại để tránh làm rơi tóc vào bồn tắm chung. Trong khi ngâm bồn, người Nhật cũng sẽ cố gắng không làm vẫn đục làn nước bằng cách không bơi qua bơi lại, té nước vào nhau hay ngâm khăn cá nhân vào nước, rửa mặt,...
Khu vực lò đun nước
Phía sau mỗi Sento đều có khu vực làm nóng nước và dẫn nước vào phòng tắm chung. Trước kia người Nhật đun nước bằng dầu hoặc củi gỗ. Nhưng sau Thế chiến thứ 2 thì hầu hết đều đổi sang đun nóng bằng điện.
Các quy tắc chung của Sento
Cũng như onsen, để thưởng thức Sento cũng nhiều điều mà chúng ta phải lưu ý.
- Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn sẽ phải tắm sạch sẽ trước khi xuống bồn tắm chung với người khác. Đây vừa là cách giữ vệ sinh chung, vừa để cơ thể bạn quen dần với nước nóng để khi xuống bồn tắm sẽ không bị sốc nhiệt.
- Trước khi bước vào bồn tắm chung thì bạn phải cởi toàn bộ quần áo và phụ kiện trên cơ thể mình. Mục đích của việc này là để giữ cho nguồn nước sạch nhất có thể.
- Người có hình xăm thì không được xuống nước. Về cơ bản, xăm hình là một hành động không được khuyến khích đối với văn hóa Nhật Bản, nên việc cấm xuống nước với những người có hình xăm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hiện nay thì cũng không còn nhiều người giữa quan niệm này nữa.
- Đối với những ai tóc dài, bạn có thể thoải mái quấn tóc với chiếc khăn nhỏ khi vào bồn tắm chung, nhưng đừng để rơi xuống nước vì nó có thể làm bẩn nước tắm. Ngoài ra, sau khi tắm xong, hãy lấy chiếc khăn to lau sạch nước trên cơ thể, người Nhật sẽ rất khó chịu khi nước nhỏ xuống dưới sàn.
Văn hóa Sento của Nhật Bản thật thú vị phải không nào. Nếu có cơ hội đến Nhật, bạn hãy thử trải nghiệm sự "sạch sẽ" như họ. Có thể ban đầu bạn cảm thấy ngại nhưng nếu đã trải nghiệm một lần rồi chắc chắn bạn sẽ rất thích đó.
Xem thêm:
Khám phá sento Nhật Bản qua nét vẽ của Honami Enya
kilala.vn