Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Nhà tắm công cộng ở Tokyo sáng tạo để thu hút khách hàng

Kinh doanh Nhật Bản    • Jan 6, 2022

Bài: Natsume

Từng là một thói quen của người dân Nhật Bản, ngày nay số lượng nhà tắm công cộng Sento đang bị sụt giảm nghiêm trọng do nhiều tác động. Điều đó buộc các chủ nhà tắm sáng tạo ra nhiều dịch vụ đi kèm để “giữ chân” khách hàng.

Ra đời từ thời Edo và thực sự “bùng nổ” sau Thế chiến thứ hai, Sento hay nhà tắm công cộng được người Nhật Bản xem là nơi gặp gỡ, trò chuyện, gia tăng các mối quan hệ xã hội, bên cạnh việc làm sạch cơ thể. Tuy nhiên, xã hội phát triển, mỗi gia đình đều có bồn tắm trong nhà đã khiến người ta ít lui tới những nơi này hơn. Bên cạnh đó, đại dịch kéo dài 2 năm qua đã khiến những nhà tắm công cộng ở Tokyo đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều nơi đã không thể trụ vững và buộc phải đóng cửa.

nhà tắm công cộng

Ảnh: allabout-japan

Tuy nhiên, một số nơi khác lại nghĩ ra những sáng kiến đặc biệt, như thay đổi kiến trúc trở nên hiện đại hơn để thu hút giới trẻ, hoặc sử dụng một không gian để mở quán bia, bán đồ ăn giúp khách hàng giải trí sau khi tắm.

Nhà tắm và bia - sự kết hợp hoàn hảo

Vào tháng 8 năm 2020, nhà tắm công cộng Koganeyu ở phường Sumida, chỉ cách Tokyo Skytree một quãng đường ngắn, đã mở cửa trở lại sau khi tân trang. Khách hàng khi bước vào sẽ được chào đón bởi khu vực lễ tân đầy phong cách với quầy bar liền kề, có phục vụ bia. Bia thủ công Koganeyu có giá 600 yên/ly (khoảng 117.000 đồng) và đã trở thành một thức uống không thể cưỡng lại đối với những khách hàng muốn thưởng thức một hớp bia lạnh sau khi ngâm mình trong bồn tắm nước nóng.
nhà tắm công cộng
Khu vực quầy rượu ngay lối vào. Ảnh: Mainichi

Nhà tắm được điều hành bởi Takuya Shinbo và vợ Tomoko, họ là người tiếp quản Sento này kể từ năm 2018. Khi đảm nhận trách nhiệm quản lý Koganeyu, cặp vợ chồng đã vắt óc suy nghĩ về cách duy trì và biến nơi đây trở thành một địa điểm mà mọi người đều muốn đến, ngay cả những người trẻ.

nhà tắm sento

Một góc nhà tắm. Ảnh: Pinterest

Sau một thời gian quan sát cũng như trò chuyện cùng khách hàng, họ nhận ra rằng mọi người thường muốn uống một cốc bia sau khi ra khỏi bồn tắm. Chính vì thế, Shinbo và vợ đã cải tạo khu vực gần quầy lễ tân để tạo ra một quán bar "Bandai" – khu vực ngồi trong một nhà tắm truyền thống. "Tôi muốn tiếp tục làm mọi thứ bằng cách thử, sai và rút kinh nghiệm để tạo nên sức sống mới cho nơi này", Shinbo nói.

[subscribe]

/banner

Nơi cung cấp những chiếc pizza nóng hổi

Một nhà tắm khác cũng có cách tiếp cận dịch vụ độc đáo là Kamata Fukunoyu ở quận Kamata, phường Ota, Tokyo. Điểm khác biệt chính là ở những chiếc bánh “pizza homemade” được bán vào cuối tuần và ngày lễ.

Kenji Okazaki, 40 tuổi, là người điều hành nhà tắm thế hệ thứ ba. Ban đầu, ông làm chủ một nhà hàng ramen, nhưng tình yêu với pizza khiến Okazaki khao khát được mở một tiệm bánh pizza. Sau đó, vào khoảng 16 năm trước, ông kế thừa nhà tắm công cộng của gia đình. Trước đó, Okazaki đã học kỹ thuật nướng bánh pizza từ sách báo và internet, và không muốn kiến thức của mình bị lãng phí, ông quyết định cải tạo lại tòa nhà Fukunoyu cũ kỹ để lắp đặt một lò nướng bánh pizza phía sau quầy.

sento

Khu vực tắm tại Sento Kamata Fukunoyu. Ảnh: unique-ota

Giờ đây, Kamata Fukunoyu cung cấp năm loại bánh pizza được làm bằng bột bánh pizza tự lên men, từ pizza margherita đến các hương vị hỗn hợp khác. Những chiếc pizza nhỏ được bán với giá 500 yên (khoảng 98.000 đồng) và những chiếc lớn với giá 1.000 yên (khoảng 195.000 đồng). Ngoài lượng khách thưởng thức sau khi tắm xong, cửa tiệm còn có đơn đặt hàng từ những người yêu thích hương vị pizza của Okazaki. Ông bán được khoảng 30 - 50 chiếc pizza mỗi ngày.

nhà tắm công cộng

Sau khi tắm, khách hàng sẽ có thể thưởng thức pizza do chính ông chủ làm. Ảnh: unique-ota

"Tôi muốn cung cấp thứ gì đó vừa rẻ vừa ngon. Thật khó để điều hành nhà tắm công cộng và cửa hàng bán pizza cùng một lúc, nhưng đó là điều tôi yêu thích nên tôi vẫn tiếp tục làm", Okazaki chia sẻ.

Sento kết hợp cùng không gian triển lãm

Một nhà tắm được cải tạo khác đã mở cửa trở lại vào tháng 09/2021 là nhà tắm công cộng Kanamachiyu, phường Katsushika, Tokyo, nơi đã tồn tại 78 năm. Người điều hành hiện nay là thế hệ thứ tư Shintaro Yamada, 30 tuổi, một cựu nhân viên văn phòng.

Masatomo, người cha 61 tuổi của Yamada, đang cân nhắc đóng cửa nhà tắm do lượng khách hàng giảm, nhưng một sự kiện diễn ra tại nhà tắm công cộng Takarayu, quận Senju Motomachi, phường Adachi, Tokyo vào khoảng ba năm trước đã thúc đẩy Yamada tiếp quản công việc kinh doanh.

Đó là một cuộc triển lãm nghệ thuật mang tên "Bảo tàng Kerorin". Kerorin là tên của loại thuốc giảm đau được bán bởi một công ty dược phẩm ở quận Toyama, miền trung Nhật Bản, và những chiếc xô tắm có logo của công ty là biểu tượng của các phòng tắm công cộng thời Showa (1926 - 1989).

sento

Yamada và vợ với những chiếc áo thun được bán tại quầy. Ảnh: Mainichi

Tại sự kiện này, các xô Kerorin được xếp chồng lên nhau để tạo thành kim tự tháp và các hình dạng khác. Điều này đã khiến Yamada bất ngờ trước khả năng tiềm ẩn của các Sento.

Yamada đã tìm kiếm trên internet những thiết kế phòng tắm công cộng và quyết định tiếp nhận thử thách, anh nghỉ việc tại công ty và điều hành Sento của gia đình khi bước sang tuổi 30. Khi cải tạo lại tòa nhà đã tồn tại hơn 60 năm, anh đã muốn có một không gian tổ chức sự kiện giữa quầy và phòng thay đồ, trong khi bảo tồn các yếu tố mộc mạc của phòng tắm công cộng, chẳng hạn như đồng hồ treo tường và trần nhà bằng lưới. Cùng với vợ là Kana, 31 tuổi, anh đã thiết kế một logo mới, đơn giản và quảng cáo về nhà tắm trên Twitter, Instagram.

Kể từ khi mở cửa trở lại, nơi đây đã chào đón những vị khách mới và thường xuyên, Yamada đã nghe khách hàng nói rằng Sento hiện đã sạch hơn và dễ dàng hơn để thư giãn. “Tôi muốn truyền tải những điều kỳ diệu của văn hóa nhà tắm công cộng cho nhiều người và khiến họ nghĩ rằng, "Tôi muốn đến thị trấn này vì Kanamachiyu ở đó!"", anh nói.

nhà tắm sento

Ngày nay nhiều hộ gia đình đã có bồn tắm riêng tại nhà nên việc đến Sento cũng hạn chế hơn. Ảnh: decorating

Theo Hiệp hội Các nhà tắm công cộng và Dịch vụ Vệ sinh Môi trường Nhật Bản (Zenyokuren), trụ sở đặt tại phường Chiyoda của Tokyo, có tổng số 17.999 nhà tắm công cộng đã được đăng ký với hiệp hội vào năm 1968, nhưng đến năm 2021, con số này chỉ là 1.964. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của chính quyền Tokyo cho thấy có 963 nhà tắm công cộng trên địa bàn tính đến tháng 12/2006, nhưng đến cuối tháng 12/2020, con số này đã giảm gần một nửa xuống còn 499.

Shinichi Uno, người đứng đầu Zenyokuren cho biết: "Một số người vẫn cần nhà tắm công cộng, chẳng hạn như những người không có bồn tắm ở nhà. Ngoài ra còn có những ưu điểm về tính an toàn, ví dụ như nếu một người cảm thấy không khỏe khi tắm, sẽ có những người khác (người tắm và nhân viên) để mắt đến họ. Phòng tắm công cộng đã là nơi giao tiếp từ lâu và tôi hy vọng nhiều người sẽ tiếp tục sử dụng chúng trong tương lai".

Xem thêm: Ofuro - Nét văn hóa tắm bồn từ xa xưa của Nhật Bản

kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top